Tóm Tắt Kinh Trường Bộ
KINH PHẠM VÕNG
(Brahmajāla Sutta)
Ngoại đạo Suppiya chỉ trích Phật, Pháp, Tăng và đệ tử Brahmadatta lại tán thán Tam bảo. Hai Thầy trò nói lời tương phản trong khi đi sau lưng Đức Phật và chúng Tăng.
Đức Phật được thuật lại sự mâu thuẫn này và Ngài khuyên chúng Tăng không nên hân hoan vì được khen tặng, không nên tức tối vì bị chê trách. Trái lại chúng Tăng phải bình tĩnh trình bày những điểm nào là chính xác trong lời tán thán và những điểm nào không chính xác trong lời chỉ trích. Rồi Đức Phật tuyên bố chỉ những người không có trí mới tán thán giới đức của Như Lai.
Ba loại Tiểu giới, Trung giới và Đại giới được trình bày, và gián tiếp chúng ta có thể so sánh đời sống xa hoa, mê tín và hỗn loạn của các hàng ngoại đạo Sa-môn, Bà-la-môn, và đời sống giản dị, sáng suốt, thanh tịnh của Sa-môn Gotama. Đoạn này cũng gián tiếp cho chúng ta thấy rõ một vài sắc thái của xã hội Ấn Độ đương thời: các trò chơi, các loại cờ bạc, những mê tín dị đoan, cách phục sức, các vật trang trí của dân chúng trong thời Đức Phật còn tại thế.
Tiếp đến được trình bày những pháp khác vi diệu, sâu kín, chỉ những người có trí mới nhận hiểu. Đức Như Lai đã tự chứng tri, giác ngộ và tuyên thuyết những pháp ấy. Và chỉ người có trí, thành thật, chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến. Đức Phật ở đây đã khéo tóm thâu tất cả 62 tà thuyết ngoại đạo một cách gọn ghẽ, như người chài lưới gieo lưới tóm thâu tất cả cá lớn cá nhỏ trong hồ nước. 62 tà thuyết này bao trùm tất cả tà thuyết có thể có được ở thời bấy giờ. Các tà thuyết được phân loại như sau:
a) 18 luận chấp về quá khứ gồm có:
– 4 thường trú luận.
– 4 một phần thường trú, một phần vô thường luận.
– 4 hữu vô biên luận.
– 4 ngụy biện luận.
– 2 Vô nhân luận.
b) 44 luận chấp về tương lai:
– 16 luận chấp có tưởng sau khi chết.
– 8 luận chấp vô tưởng sau khi chết.
– 8 luận chấp không phải có tưởng, không phải không
có tưởng sau khi chết.
– 7 đoạn diệt luận.
– 5 hiện tại Niết-bàn luận.
Cuối cùng, Đức Phật truy nguyên sự hiện khởi của các tà thuyết này từ sự chi phối của tham ái, sự xúc chạm các căn đối với ngoại cảnh, và sự cảm nhận lạc thọ, khổ thọ.
Nói một cách khác, các tà thuyết này sở dĩ có là vì các nhà chủ trương chúng bị tham ái chi phối và y cứ nơi sự xúc chạm của nội căn đối với ngoại trần mà thành lập các tà
luận.
Đức Phật đứng ngoài cả 62 tà thuyết trên và khéo léo đặt phạm vi đạo Phật ra ngoài mọi tà giáo với bài kinh này.
MỘT NHÂN LÀM ÁC - VÔ VÀN KHỔ ĐAU
......................................................................................................................................................................
Người ngu ấy, này các Tỷ-kheo, ngay trong hiện tại cảm thọ ba loại khổ ưu. Này các Tỷ-kheo, nếu người ngu ngồi giữa hội chúng, hay ngồi bên đường có xe cộ qua lại, hay tại ngã (ba, ngã tư) đường, tại đấy (nếu) có người nghĩ đến câu chuyện thích hợp về người ấy. Nếu người ngu, này các Tỷ-kheo, sát sanh, lấy của không cho, theo tà hạnh trong dâm dục, nói láo, say rượu men, rượu nấu, thường ở đây, này các Tỷ-kheo, người ngu ấy suy nghĩ như sau: "Các người ấy nghĩ đến câu chuyện thích hợp về ta, vì những pháp ấy thật có nơi ta và ta có những pháp ấy". Này các Tỷ-kheo, đây là loại khổ ưu thứ nhất, người ngu cảm thọ ngay trong hiện tại.
......................................................................................................................................................................
QUẢ LẦN 2: Lại nữa, này các Tỷ-kheo, người ngu thấy các vua chúa sau khi bắt tên trộm cướp có phạm tội, liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt mũi, họ xẻo tai cắt mũi; họ dùng hình phạt vạc dầu, họ dùng hình phạt bối đồi hình (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò) họ dùng hình phạt la hầu khẩu hình, hỏa man hình (lấy lửa đốt thành vòng hoa), chúc thủ hình (đốt tay), khu hành hình (lấy rơm bện lại rồi siết chặt), bì y hình (lấy vỏ cây làm áo), linh dương hình (hình phạt con dê núi), câu nhục hình (lấy câu móc vào thịt), tiền hình (cắt thịt thành hình đồng tiền), khối trấp hình, chuyển hình, cao đạp đài, họ tưới bằng dầu sôi, họ cho chó ăn, họ đóng cọc những người sống, họ lấy gươm chặt đầu. Ở đây, này các Tỷ-kheo, người ngu nghĩ như sau: "Do nhân các ác hành như vậy, các vua chúa sau khi bắt tên trộm cướp có phạm tội, liền áp dụng những hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân.. họ lấy gươm chặt đầu. Những pháp ấy có thật nơi ta và ta có những pháp ấy. Nếu các vua chúa biết về ta, các vua chúa ấy sau khi bắt ta liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn... họ lấy gươm chặt đầu." Này các Tỷ-kheo, đây là loại khổ ưu thứ hai, người ngu cảm thọ ngay trong hiện tại.
......................................................................................................................................................................
QUẢ LẦN 3: Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi người ngu leo ngồi trên ghế, hay trên giường, hay nằm trên đất, lúc bấy giờ, những ác nghiệp người ấy làm từ trước, như thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, treo nằm, treo áp, treo đè lên người ấy. Ví như, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, những bóng các đỉnh núi treo nằm, treo áp, treo đè trên đất; cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi người ngu ngồi trên ghế, hay ngồi trên giường, hay nằm dưới đất, trong khi ấy các nghiệp quá khứ của người ấy, tức là thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành, treo nằm, treo áp, treo đè trên người ấy. Ở đây, này các Tỷ-kheo, người ngu suy nghĩ như sau: "Thật sự ta không làm điều phước, không làm điều thiện, không làm điều chống lại sợ hãi, làm điều ác, làm điều hung bạo, làm điều tội lỗi. Do không làm điều phước, không làm điều thiện, không làm điều chống lại sợ hãi, do làm điều ác, làm điều hung bạo, làm điều tội lỗi nên phải đi đến ác thú; ác thú ấy sau khi chết ta phải đi". Người ấy sầu muộn, than van, than khóc, đấm ngực, rên la và rơi vào bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây là sự khổ ưu thứ ba, ngay trong hiện tại, người ngu (phải) cảm thọ.
Này các Tỷ-kheo, kẻ ngu kia sau khi làm thân ác hành, sau khi làm khẩu ác hành, sau khi làm ý ác hành, khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
......................................................................................................................................................................
(Ðịa ngục)
QUẢ LẦN 4: Này các Tỷ-kheo, nếu có ai nói một cách đúng đắn về người ấy, phải nói rằng người ấy hoàn toàn không tốt đẹp, hoàn toàn không khả ái, hoàn toàn không thích ý. Cũng như muốn nói một cách đúng đắn về Ðịa ngục, phải nói rằng Ðịa ngục, hoàn toàn không tốt đẹp, hoàn toàn không khả ái, hoàn toàn không thích ý. Về vấn đề này, này các Tỷ-kheo, cho đến một ví dụ cũng không dễ gì, vì rất nhiều là sự đau khổ của Ðịa ngục.
Khi được nói vậy, một Tỷ-kheo khác bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể cho con một ví dụ được không?
Thế Tôn đáp:
-- Có thể được, này Tỷ-kheo. Ví như, này Tỷ-kheo, có người bắt được một tên trộm cắp, dẫn đến trước mặt vua và thưa: "Tâu Ðại vương, đây là một tên trộm cướp phạm tội cho Ngài! Hãy hình phạt nó như Ðại vương muốn". Và vị vua ấy nói như sau về tên trộm cướp ấy: "Này các Ông, hãy đi và vào buổi sáng hãy đâm người này với một trăm ngọn giáo". Và vào buổi sáng, họ đâm người ấy với một trăm ngọn giáo. Rồi đến trưa, vua nói như sau: "Này các Ông, người ấy ra sao?" -- "Tâu Ðại vương, nó vẫn còn sống". Rồi vua lại nói như sau về tên trộm cướp ấy: "Này các Ông, hãy đi và vào buổi trưa, hãy đâm người này với một trăm ngọn giáo". Và vào buổi trưa, họ đâm người ấy với một trăm ngọn giáo. Rồi đến chiều, vua nói như sau: "Này các Ông, người ấy ra sao?" -- "Tâu Ðại vương, nó vẫn còn sống". Rồi vua lại nói như sau về người kia: "Này các Ông, hãy đi và vào buổi chiều, hãy đâm người này với một trăm ngọn giáo". Và vào buổi chiều, họ đâm người ấy với một trăm ngọn giáo.
Này các Tỷ-kheo, Ông nghĩ thế nào? Người ấy bị đâm ba trăm ngọn giáo, do nhân duyên ấy, có cảm thọ khổ ưu không?
-- Bạch Thế Tôn, chỉ bị ngọn giáo đâm một lần, người kia do nhân duyên ấy cũng cảm thấy khổ ưu, còn nói gì đến ba trăm ngọn giáo!
Rồi Thế Tôn lượm lên một hòn đá nhỏ, lớn bằng bàn tay và nói với các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Cái gì lớn hơn, hòn đá này, to bằng bàn tay do ta lượm lên, hay núi Tuyết Sơn (Himalaya), vua các loại núi?
-- Thật là quá nhỏ, bạch Thế Tôn, hòn đá này lớn bằng bàn tay do Thế Tôn lượm lên. So sánh với Tuyết Sơn vua các loại núi, nó không đáng kể gì, nó không bằng một phần ngàn vạn lần (của núi Tuyết), không thể so sánh được!
-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, người ấy bị đâm bởi ba trăm ngọn giáo, do nhân duyên ấy cảm thọ khổ ưu. Khổ ưu ấy so sánh với khổ ưu ở Ðịa ngục không đáng kể gì, không bằng một phần ngàn vạn lần, không thể so sánh được. Này các Tỷ-kheo, các người giữ địa ngục bắt người ấy chịu hình phạt gọi là năm cọc (pancavidhabandhanam). Họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào một bàn tay, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn tay thứ hai, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn chân, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào bàn chân thứ hai, họ lấy cọc sắt nung đỏ đóng vào giữa ngực. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
Này các Tỷ-kheo, các người giữ Ðịa ngục bắt người ấy nằm xuống và lấy búa chặt người ấy. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
Này các Tỷ-kheo, các người giữ Ðịa ngục dựng ngược người ấy chân phía trên, đầu phía dưới và lấy búa chặt người ấy. Người ấy ở đây cảm thọ... chưa được tiêu trừ.
Này các Tỷ-kheo, các người giữ Ðịa ngục cột người ấy vào một chiếc xe, kéo người ấy chạy tới chạy lui trên đất được đốt cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây cảm thọ... chưa được tiêu trừ.
Rồi này các Tỷ-kheo, các người giữ Ðịa ngục đẩy người ấy lên kéo người ấy xuống trên một sườn núi đầy than hừng, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây cảm thọ... chưa được tiêu trừ.
Rồi này các Tỷ-kheo, các người giữ Ðịa ngục dựng ngược người ấy chân phía trên, đầu phía dưới và quăng người ấy vào một vạc dầu bằng đồng nung đỏ, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Người ấy ở đây bị nấu với bọt nước sôi sùng sục, ở đây bị nấu với vạc nước sôi sùng sục; khi thì nổi lên trên, khi thì chìm xuống đáy, khi thì trôi dạt ngang. Người ấy ở đây thọ lãnh các cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mệnh chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
Rồi này các Tỷ-kheo, những người giữ Ðịa ngục quăng người ấy vào Ðại địa ngục. Này các Tỷ-kheo, Ðại địa ngục ấy, có bốn góc, bốn cửa, chia thành phần bằng nhau; xung quanh có tường sắt; mái sắt lợp lên trên. Nền Ðịa ngục bằng sắt nung đỏ, cháy đỏ rực; đứng thẳng, luôn có mặt, rộng một trăm do tuần.
Này các Tỷ-kheo, với rất nhiều pháp môn, Ta nói về Ðịa ngục, nhưng thật khó nói cho được đầy đủ, này các Tỷ-kheo, vì đau khổ ở Ðịa ngục quá nhiều.
_______________________________________________________________________________________
Trích thêm Trung bộ số 130
///Rồi này các Tỷ-kheo, các người coi giữ Ðịa ngục nói với người ấy: "Này Người kia, Ngươi muốn gì?" Người ấy nói: "Thưa các Ngài, tôi khát nước". Rồi này các Tỷ-kheo, các người coi giữ Ðịa ngục lấy cọc sắt nung đỏ cạy miệng người ấy ra, và đổ vào miệng người ấy nước đồng nấu sôi, cháy đỏ, cháy thành ngọn, cháy đỏ rực. Môi ngươi ấy bị cháy, miệng bị cháy, cổ họng bị cháy, ngực bị cháy. Và kéo theo ruột lớn, ruột nhỏ, nước đồng sôi ấy chảy ra ngoài từ phía dưới. Người ấy ở đấy cảm thọ những cảm giác đau đớn, thống khổ, khốc liệt. Nhưng người ấy không có thể mạng chung cho đến khi ác nghiệp của người ấy chưa được tiêu trừ.
Rồi này các Tỷ-kheo, các người coi giữ Ðịa ngục lại quăng người ấy vào Ðại địa ngục..
Một thời xưa lắm, này các Tỷ-kheo, vua Yama suy nghĩ như sau: "Những ai làm ác nghiệp ở đời, phải thọ lãnh những hình phạt sai khác như vậy. Mong rằng ta được làm người, và Như lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác xuất hiện ở đời, và ta có thể hầu hạ Thế Tôn, và Thế Tôn thuyết pháp cho ta, và ta có thể thông hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng".
******Này các Tỷ-kheo, điều Ta đang nói không phải Ta nghe từ một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác; nhưng điều Ta đang nói chỉ được Ta biết mà thôi, chỉ được Ta thấy mà thôi, chỉ được Ta hiểu mà thôi. --(Trung bộ 130)
(Khổ hạnh của Bồ-tát)
- về khổ hạnh, Ta khổ hạnh đệ nhất;
- về bần uế, Ta bần uế đệ nhất;
- về yểm ly, Ta yểm ly đệ nhất;
- về độc cư, Ta độc cư đệ nhất.
Này Sariputta, ở đây, khổ hạnh của Ta như sau: Ta sống lõa thể, phóng túng, không theo khuôn phép, liếm tay cho sạch, đi khất thực không chịu bước tới, không nhận đồ ăn mang đến, không nhận đồ ăn đặc biệt nấu cho mình, không nhận mời đi ăn, không nhận đồ ăn từ nơi nồi chảo, không nhận đồ ăn tại ngưỡng cửa, không nhận đồ ăn đặt giữa những cây gậy, không nhận đồ ăn đặt giữa những cối giã gạo, không nhận đồ ăn từ hai người đang ăn, không nhận đồ ăn từ người đàn bà có thai, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang cho con bú, không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang giao cấu, không nhận đồ ăn đi quyên, không nhận đồ ăn tại chỗ có chó đứng, không nhận đồ ăn tại chỗ có ruồi bu, không ăn cá, ăn thịt, không uống rượu nấu, rượu men. Ta chỉ nhận đồ ăn tại một nhà, chỉ nhận ăn một miếng, hay chỉ nhận ăn tại hai nhà, chỉ nhận ăn hai miếng, hay chỉ nhận ăn tại bảy nhà, chỉ nhận ăn bảy miếng. Ta nuôi sống chỉ với một chén, nuôi sống chỉ với hai chén, nuôi sống chỉ với bảy chén. Ta chỉ ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa, bảy ngày một bữa. Như vậy Ta sống theo hạnh tiết chế ăn uống cho đến nửa tháng mới ăn một lần. Ta chỉ ăn cỏ lúa để sống, lúa tắc, gạo lức, ăn hột cải nivara, ăn da vụn, ăn trấu, uống nước bột gạo, ăn bột vừng, ăn cỏ, ăn phân bò, ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống. Ta mặc vải gai thô, mặc vải gai thô lẫn với các vải khác, mặc vải tẩm liệm rồi quăng đi, mặc áo phấn tảo y, mặc vỏ cây tititaka làm áo, mặc da con sơn dương đen, mặc áo bện từng mảnh da con sơn dương đen, mặc áo bằng cỏ cát tường, mặc áo vỏ cây, mặc áo bằng tấm gỗ nhỏ, mặc áo bằng tóc bện lại thành mền, mặc áo bằng đuôi ngựa bện lại, mặc áo bằng lông cú. Ta sống nhổ râu tóc, Ta theo tập tục sống nhổ râu tóc, Ta theo hạnh thường đứng không dùng chỗ ngồi, Ta là người ngồi chõ hỏ, sống tinh tấn theo hạnh ngồi chõ hỏ. Ta dùng gai làm giường, thường ngủ nằm trên giường gai, sống dùng ván gỗ làm giường, sống nằm trên đất trần, thường nằm ngủ một bên hông, sống để bụi và nhớp che dính thân mình, sống và ngủ ngoài trời, theo hạnh bạ đâu nằm đấy, sống ăn các uế vật, sống không uống nước lạnh, theo hạnh không uống nước lạnh, sống một đêm tắm ba lần, theo hạnh xuống nước tắm. Như vậy Ta sống theo hạnh hành hạ, dày vò thân thể theo nhiều cách. Này Sariputta, như vậy là khổ hạnh của Ta.
............................................................................................................................................................
Này Sariputta, ở đây hạnh bần uế của Ta như sau: Trên thân Ta, bụi bặm chất đầy trải nhiều năm tháng, đóng thành tấm, thành miếng. Như gốc cây tinduka bụi bặm chất đầy trải nhiều năm tháng, đóng thành tấm, thành miếng; cũng vậy, này Sariputta, trên thân Ta bụi bặm chất đầy trải nhiều năm tháng, đóng thành tấm, thành miếng. Này Sariputta, Ta không nghĩ rằng: "Với tay của Ta, Ta hãy phủi sạch bụi bặm này đi, hay những người khác với tay của họ hãy phủi sạch bụi bặm này đi cho Ta". Này Sariputta, Ta không có nghĩ như vậy. Này Sariputta, như vậy là sự bần uế của Ta.
............................................................................................................................................................
Này Sariputta, như thế này là sự yểm ly của Ta. Này Sariputta, tỉnh giác, Ta đi tới; tỉnh giác Ta đi lui, Ta an trú lòng từ cho đến trong một giọt nước với tâm tư: "Mong rằng Ta không làm hại một chúng sanh nhỏ nào trong những ác đạo của họ!" Này Sariputta, như vậy là sự yểm ly của Ta.
............................................................................................................................................................
Này Sariputta, như thế này là sự độc cư của Ta. Này Sariputta, Ta đi sâu vào một khu rừng và an trú tại chỗ ấy. Khi Ta thấy người chăn bò, người mục súc, người cắt cỏ, người đốn củi hay người thợ rừng, Ta liền chạy từ rừng này qua rừng khác, từ lùm cây này qua lùm cây khác, từ thung lũng này qua thung lũng khác, từ đồi cao này qua đồi cao khác. Vì sao vậy? Ta nghĩ rằng: "Mong họ đừng thấy Ta, và mong Ta đừng thấy họ!" Này Sariputta, giống như một con thú rừng thấy người liền chạy từ rừng này qua rừng khác, từ lùm cây này qua lùm cây khác, từ thung lũng này qua thung lũng khác, từ đồi cao này qua đồi cao khác. Cũng vậy, này Sariputta, khi Ta thấy người chăn bò, người mục súc, người cắt cỏ, người đốn củi, hay người tiều phu, Ta liền chạy từ rừng này qua rừng khác, từ lùm cây này qua lùm cây khác, từ thung lũng này qua thung lũng khác, từ đồi cao này qua đồi cao khác. Vì sao vậy? Ta nghĩ rằng: "Mong họ đừng thấy Ta, và mong Ta đừng thấy họ!" Này Sariputta, như vậy là hạnh độc cư của Ta.
............................................................................................................................................................
Này Sariputta, rồi Ta bò bốn chân đến các chuồng bò, khi các con bò cái đã bỏ đi, khi các người chăn bò không có mặt, rồi Ta ăn phân các con bò con, các con bò còn trẻ, các con bò còn bú. Khi nước tiểu và phân của Ta còn tồn tại, Ta tự nuôi sống với các loại ấy. Này Sariputta, như vậy là hạnh đại bất tịnh thực của Ta.
............................................................................................................................................................
Này Sariputta, Ta đi sâu vào một khu rừng rậm rạp kinh hoàng và an trú tại chỗ ấy. Này Sariputta, tại khu rừng rậm rạp kinh hoàng này, những ai còn tham ái đi vào khu rừng rậm rạp ấy, thời lông tóc người ấy dựng ngược. Này Sariputta, rồi Ta trong những đêm đông lạnh lẽo, giữa những ngày mồng tám, khi có tuyết rơi, trong những đêm như vậy, Ta sống giữa trời, và ban ngày sống trong khu rừng rậm rạp. Ta sống trong những ngày cuối tháng hè, ban ngày thì sống giữa trời, còn ban đêm trong khu rừng rậm rạp. Rồi này Sariputta, những bài kệ kỳ diệu từ trước chưa từng được nghe sau đây được khởi lên:
Nay bị thiêu đốt, bị buốt lạnh,
Cô độc sống trong rừng kinh hoàng,
Trần truồng, Ta ngồi không lửa ấm,
Ẩn sĩ, trong lý tưởng đăm chiêu.
Này Sariputta, Ta nằm ngủ trong bãi tha ma, dựa trên một bộ xương. Này Sariputta, những đứa mục đồng đến gần Ta, khạc nhổ trên Ta, tiểu tiện trên Ta, rắc bụi trên Ta và lấy que đâm vào lỗ tai. Này Sariputta, và Ta biết Ta không khởi ác tâm đối với chúng. Này Sariputta, như vậy là hạnh trú xả của Ta.
............................................................................................................................................................
Này Sariputta, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những thuyết như sau, có những kiến giải như sau: "Sự thanh tịnh đạt được nhờ món ăn". Họ nói: "Chúng ta sống nhờ trái táo", và họ ăn trái táo, họ ăn bột táo, họ uống nước trái táo dưới nhiều hình thức. Này Sariputta, Ta tự xưng Ta sống chỉ ăn một trái táo. Này Sariputta, có thể các Người nghĩ như sau: "Trái táo thời ấy to lớn". Này Sariputta, chớ có hiểu như vậy. Vì trái táo thời ấy giống với trái táo hiện tại. Này Sariputta, trong khi Ta sống chỉ ăn một trái táo, thân thể của Ta trở thành hết sức ốm yếu. Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo. Vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà. Vì Ta ăn quá ít, các xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh. Vì Ta ăn quá ít, các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột nhà sàn hư nát. Vì ta ăn quá ít, nên con ngươi của Ta long lanh nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu. Vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nheo khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nheo khô cằn. Này Sariputta, nếu Ta nghĩ: "Ta hãy sờ da bụng", chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: "Ta hãy sờ xương sống", thì chính da bụng bị Ta nắm lấy. Vì Ta ăn quá ít, nên này Sariputta, da bụng của Ta bám chặt xương sống. Này Sariputta, nếu Ta nghĩ: "Ta đi đại tiện hay đi tiểu tiện", thì Ta ngã quỵ, úp mặt xuống đất, vì Ta ăn quá ít. Này Sariputta, nếu Ta muốn thoa dịu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay, thì này Sariputta, trong khi Ta lấy tay xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ta, vì Ta ăn quá ít.
............................................................................................................................................................
Này Sariputta, lại có một số Sa-môn, Bà-la-môn có những chủ thuyết như sau, có những kiến giải như sau: "Sự thanh tịnh đạt được nhờ món ăn". Họ nói: "Chúng ta sống nhờ đậu xanh... (như trên)... chúng ta sống nhờ vừng mè... (như trên)... chúng ta sống nhờ hột gạo", và họ ăn hột gạo, họ ăn hột gạo nghiền thành bột, họ uống nước gạo, và họ ăn hột gạo dưới nhiều hình thức. Này Sariputta, Ta tự xưng Ta sống chỉ ăn một hột gạo. Này Sariputta, có thể các Người nghĩ như sau: "Hột gạo thời ấy to lớn". Này Sariputta, chớ có hiểu như vậy. Vì hột gạo thời ấy giống với hột gạo hiện tại. Này Sariputta, trong khi Ta chỉ sống ăn một hột gạo, thân thể của Ta trở thành hết sức ốm yếu. Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo. Vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà. Vì Ta ăn quá ít, xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh. Vì Ta ăn quá ít các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột của một nhà sàn hư nát. Vì Ta ăn quá ít, con ngươi long lanh của Ta nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu. Vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nheo, khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nheo, khô cằn. Này Sariputta, nếu Ta nghĩ: "Ta hãy sờ da bụng", thì chính xương sống bị Ta nắm lấy. Nếu Ta nghĩ: "Ta hãy rờ xương sống", thì chính da bụng bị Ta nắm lấy. Vì Ta ăn quá ít, nên này Sariputta, da bụng của Ta bám chặt xương sống. Này Sariputta, nếu Ta nghĩ: "Ta đi đại tiện hay đi tiểu tiện", thì Ta ngã quỵ, úp mặt xuống đất, vì Ta ăn quá ít. Này Sariputta, nếu Ta muốn xoa dịu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay, thời này Sariputta, trong khi Ta lấy tay xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ta, vì Ta ăn quá ít.
............................................................................................................................................................
Này Sariputta, dầu Ta có theo cử chỉ như vậy, theo hành lộ như vậy, theo khổ hạnh như vậy, Ta cũng không chứng được các pháp thượng nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Vì sao vậy? Vì với những phương tiện ấy, không chứng được pháp thượng nhân với Thánh trí tuệ. Chính Thánh trí tuệ này chứng được thuộc về bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, có thể dẫn người thực hành diệt tận khổ đau.
V. Với Mục Ðích Gì? (S.v,6) - Trích Tương Ưng 2 - Đại phẩm
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi rất nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- Ở đây, bạch Thế Tôn, các du sĩ ngoại đạo đến hỏi chúng con: "Này chư Hiền, vì mục đích gì, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, chúng con trả lời các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: "Này chư Hiền, với mục đích liễu tri đau khổ, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama". Ðược hỏi như vậy và trả lời như vậy, bạch Thế Tôn, có phải chúng con trả lời đúng với lời nói Thế Tôn, chúng con không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật, chúng con trả lời đúng pháp và thuận pháp, và những ai là vị đồng pháp, nói lời đúng pháp và thuận pháp, không có cơ hội để chỉ trích?
4) -- Này các Tỷ-kheo, các Ông được hỏi như vậy và trả lời như vậy là các Ông trả lời đúng với lời của Ta, các Ông không xuyên tạc Ta với điều không thật, các Ông trả lời đúng pháp và thuận pháp, và những ai là vị đồng pháp, nói lời đúng pháp và thuận pháp, không có cơ hội để chỉ trích. Này các Tỷ-kheo, do mục đích liễu tri đau khổ mà Phạm hạnh được sống dưới Ta.
Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông: "Này Hiền giả, có con đường nào, có đạo lộ nào đưa đến liễu tri đau khổ này?" Ðược hỏi vậy, thời các Ông hãy trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: "Này chư Hiền, có con đường, có đạo lộ đưa đến liễu tri đau khổ này".
5) Này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường, thế nào là đạo lộ đưa đến liễu tri đau khổ?
Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Này các Tỷ-kheo, đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến liễu tri sự đau khổ này.
6) Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như vậy.
Cốt lõi của 5 Bộ Kinh Nikaya
Phần Kết Luận Tập sách.
Tập sách này gồm có Phần Giới thiệu và 12 Chương gồm vào bốn phần: Phần I, Phần II, Phần III, Phần IV, Phần Kết luận.
Trình bày những rào cản ngôn ngữ để học Kinh dịch từ Pali hay Sanskrit nhưng khi học Kinh cần phải đạt ý quên lời và chứng nghiệm chứ không phải tin vào văn tự vì văn tự chỉ biểu thị sự thật. Có văn tự rồi đi đến sự thật vô cùng khó khăn nên cần kiên nhẫn và thời gian.
Trình bày những bài kinh tối quan trọng nhất trong hệ thống kinh Pali - Việt như:
-
Kinh Chuyển Pháp luân mà nội dung chính là Tứ Thánh đế đã có một một uy lực rất lớn và đã làm rung động 10 ngàn thế giới. Ngoài bài kinh này không có một bài kinh nào khác nữa có một uy lực như vậy. Hơn nữa những Phật tử đi thăm viếng bốn chỗ động tâm ở Ấn độ mà có một chỗ Đức Phật đã thuyết bài kinh này. Ngày nay Phật tử đã lơ là và đã học sơ qua Tứ Thánh đế mà chạy theo những Pháp cao siêu hơn Tứ Thánh đế. Đây là sai lầm lớn nhất của những người học Phật Pháp hôm nay và đã mất cơ hội giải thoát ngay kiếp này.
-
Bài kinh Lá rừng Simsapa xác quyết rằng "Và này các Tỳ-kheo, điều gì mà Ta nói? "Ðây là Khổ", này các Tỳ-kheo, là điều Ta nói. "Ðây là Khổ tập", là điều Ta nói. "Ðây là Khổ diệt", là điều Ta nói. "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt", là điều Ta nói." Nhưng tại sao, này các Tỳ-kheo, Ta lại nói ra những điều ấy? Vì rằng, này các Tỳ-kheo, những điều ấy liên hệ đến mục đích, là căn bản cho Phạm hạnh, đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Ta nói lên những điều ấy. Vậy mà những người học Phật hôm nay đi vào rừng để kiếm hàng ngàn chiếc lá khác mà bỏ đi bốn chiếc lá Tứ Thánh đế.
-
Bài kinh "Con đường xưa cũ" đã xác quyết rằng những vị Chánh Đẳng Giác quá khứ đã đi qua và nay Thế Tôn cũng đi qua. Chúng ta là ai mà không bắt chước Ngài theo con đường xưa cũ mà Ngài đã đi qua. Thế nào là con đường xưa cũ? 12 nhân duyên là Khổ đế, Tập đế và Đạo đế là Bát Thánh đạo.
-
Những giờ sau cùng trước khi nhập Niết Bàn Thế Tôn đã nói như sau: "Này Subhadda, trong pháp luật nào không có Bát Thánh đạo, thời ở đây không có đệ nhất Sa-môn, ở đây cũng không có đệ nhị Sa-môn, cũng không có đệ tam Sa-môn, cũng không có đệ tứ Sa-môn. Này Subhadda trong pháp luật nào có Bát Thánh đạo, thời ở đây có đệ nhất Sa-môn, cũng có đệ nhị Sa-môn, cũng có đệ tam Sa-môn, ở đấy cũng có đệ tứ Sa-môn. Này Subhadda, chính trong pháp luật này có Bát Thánh Ðạo, thời này Subhadda, ở đây có đệ nhất Sa-môn, ở đây cũng có đệ nhị Sa-môn, cũng có đệ tam Sa-môn, cũng có đệ tứ Sa-môn. Những hệ thống ngoại đạo khác đều không có những Sa-môn. Này Subhadda, nếu những vị Tỳ-kheo này sống chơn chánh, thời đời này không vắng những vị A-la-hán".
-
Bài kinh Phá hoà hợp Tăng cảnh cáo cho những vị nào đi rao giảng những điều Như Lai không nói mà nói rằng Như Lai thuyết hoặc những gì Như Lai có thuyết mà nói rằng Như Lai không thuyết. Nếu như vậy đọa địa ngục một kiếp.
Do duyên các bài kinh trên mà chọn tựa đề cuốn sách "Tứ Thánh đế là tối thượng"nghĩa là không có một bài kinh nào khác cao hơn kinh Chuyển Pháp Luân.
Phần I: Bố thí, Trì giới, Cõi trời dục giới
Đáng lý ra Phần này để cuối cùng nhưng để lên trước là do chư Phật đều thuyết tuần tự như vậy. Vì Tứ Thánh đế là pháp cao nhất trong đạo Phật rất khó hiểu nên không thể thuyết trước mà phải nói sau cùng. Phần I dành cho những ai chưa biết nhiều về Phật pháp nên cần thực hành bố thí cho viên mãn và cố gắng thành tựu 5 giới hay 8 giới hay 10 giới. Nhờ thành tựu giới mà sanh thiên giới hưởng phước lâu dài nhưng sau khi hưởng hết phước báu rồi luân hồi vào ba đường ác khổ đau. Tuy nhiên chúng sanh không thành tựu giới đời này, sau khi chết sẽ sanh vào ba đường ác khổ vô cùng. Như vậy giữa giữ giới và không giữ giới thì cái nào lợi hơn. Nếu là người trí sẽ chọn giữ giới để có một đời sống tốt đẹp sau khi chết.
Phần II: Vị ngọt, nguy hiểm, xuất ly dục
Phần này gồm hai chương: Chương bốn và Chương năm.
Chương bốn trình bày về vị ngọt của sáu nội xứ và của sáu ngoại xứ. Vị ngọt ai cũng ưa, cũng thích nên trói buộc mà phải khổ đau sau này. Sự nguy hiểm của sáu nội xứ và của sáu ngoại xứ là vô thường, biến hoại, khổ. nguy hiểm thì chúng sanh mới biết sợ và xa lánh thì không trói buộc vào chúng nữa. Như chuyện vợ chồng trói buộc với nhau do vị ngọt khả ái khả lạc mà hút nhau nhưng do sự vô thường người vợ hay người chồng chết nên sanh ra khổ đau. Sau khi biết vị ngọt và nguy hiểm của sáu nội xứ và sáu ngoại xứ thì sự xuất ly sanh khởi. Tâm ly tham, từ bỏ không ham muốn vị ngọt vì biết rằng cuối cùng là khổ.
Chương sáu trình bày về kết quả tu tập ly dục sẽ sanh vào 15 cõi trời sắc giới sẽ hưởng tuổi thọ vô lượng nhưng hưởng hết tuổi thọ vẫn phải luân hồi vào ba đường ác.
Những người sống tại gia khó thực hiện phần này vì đòi hỏi ly dục mà người đời thích dục. Người xuất gia cần phải sống nơi hoang vắng chứ sống ngay trong thành phố cũng không thực hành được vì dục sẽ sanh khởi. Thông thường phần này thời xưa bên Ấn độ vào rừng tu thì sẽ ly dục dễ dàng còn thời đại này rất khó tu vô cùng.
Phần III trình bày Lý Duyên khởi tức Luật Nhân quả
Phần này gồm có bốn chương: Chương sáu nói về nghiệp cũ. Chương bảy nói về quả khổ/lạc hiện tại. Chương tám nói về nghiệp mới. Chương chín nói về quả khổ tương lai. Chương 10 nói về áp dụng Tứ đế vào 11 duyên trong 12 duyên.
Lý Duyên khởi rất quan trọng nên người học Phật phải tìm hiểu cho sâu thì may ra mới thoát khổ được. Đức Phật đã khám phá định lý này và đã nói lại cho chúng ta biết ngoài ra không một ai trên thế gian biết cả. Lý duyên khởi chia làm ba thời: quá khứ, hiện tại, tương lai.
Quá khứ là những hành động đã tạo trong quá khứ sanh ra quả khổ lạc ngày nay. Muốn biết điều này cần chứng được Túc Mạng minh sẽ biết chúng ta đã làm gì và đã sanh ở đâu và sau khi chết sanh ở đâu. Thế giới hôm nay dựa vào dục (sự ham muốn) thì không thể nào ly dục được nên không chứng Tứ thiền thì Túc mạng minh không sanh khởi nên phần này chúng ta tin tuyệt đối Đức Phật có Tam Minh nói lại cho chúng ta biết còn ai nghi ngờ Đức Phật thì chấm hết không có gì để bàn. Một khi đã khởi ra hành động chắc chắn sẽ sanh ra quả khổ/lạc. Người học Phật phải chiêm nghiệm đúng hay không. Trên đời này cái gì đã xảy ra đều có nguyên nhân.
Hành động khởi ra gọi là Khổ Tập và quả khổ/lạc gọi là quả. Nếu ai nhận ra điều này đúng thì trong tương lai có quả khổ lạc do biết những hành động gì đã gây ra ngày hôm nay. Như vậy khổ tập chia làm hai phần: Nghiệp cũ đã sanh ra quả khổ lạc thì phải chấp nhận như một người đã đi vay tiền thì đúng thời phải trả nợ, không có việc nói thế này thế kia không hợp lý. Cái gì đang xảy ra hằng ngày gọi là quả khổ hay quả lạc hiện tại do nghiệp cũ sanh khởi. Tương lai có quả khổ tùy thuộc vào những hành động hôm nay gọi là nghiệp mới. Nếu đời sống hằng ngày có những hành động thiện chắc chắn sẽ có quả tốt sẽ đến chứ không phải ngẫu nhiên. Nếu đời sống hằng ngày tạo những hành động xấu thì tương lai sẽ có quả xấu đến chứ chẳng phải do ai gây ra cả.
Định lý khổ và khổ tập tức là Lý duyên khởi giúp con người hiểu biết vì sao chúng ta sướng hay khổ do ta cả mà không do Chúa hay Thượng đế hay Phật tạo ra.
Có một vòng khép kín xuyên suốt từ Duyên Vô minh, Hành .... Thủ, Hữu, Sanh, Già chết khó mà thoát được nên Đức Phật dạy bốn mươi bốn căn bản trí giúp chúng sanh thoát khỏi cái vòng kim cô này.
Phần III dành cho cả người xuất gia và người tại gia có thể tìm hiểu. Nếu tìm hiểu cho rốt ráo đã bước vào cửa bất tử.
Phần IV trình bày Diệt Khổ và Con đường dẫn đến diệt khổ
Phần này gồm có hai chương: Chương 11 bàn về Diệt khổ và Chương 12 bàn về phương pháp hay con đường diệt khổ.
Diệt khổ là hết khổ là Niết Bàn. Đây là mục tiêu tối hậu mà những người học Phật hướng đến vì không còn sanh lại dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Để làm được việc này người học Phật phải biết nguồn gốc vì đâu con người sanh ra đời và khi chết đi về đâu. Nguồn gốc phát sanh ra tam giới trong đó có sáu loài chúng sanh chính là 12 nhân duyên. Muốn diệt tận gốc sanh tử là diệt Vô minh và Hành thì có Niết Bàn.
Có bốn bậc Thánh tùy vào hành giả diệt được kiết sử nào. Nếu diệt Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ thì đây là bậc Thánh dự lưu chỉ còn khổ tối đa 7 lần. Nếu diệt Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ và muội lược Tham, Sân thì đây là bậc Thánh nhứt lai, chỉ còn khổ đau một lần. Nếu diệt Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ, Tham, Sân thì đây là bậc Thánh bất lai không còn khổ đau nữa, sanh vào cõi trời sắc giới, hưởng hết tuổi thọ và nhập Niết Bàn từ đấy. Nếu diệt 10 kiết sử: Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ, Tham, Sân, Ái sắc giới, Ái vô sắc giới, Mạn, Trạo cử, Vô minh thì đây là bậc Thánh A la hán không còn khổ đau và nhập vào Niết Bàn sau khi thân hoại mạng chung. Tuy nhiên để đạt mục tiêu bốn bậc Thánh, Hành giả cần phải thực hành bát Thánh đạo cho viên mãn chứ không phải ngồi tụng kinh gõ mõ suốt ngày hay cầu nguyện hay tụng chú.
Chương 12 bàn về con đường Bát chánh có tám chi phần sẽ diệt được Bát tà. Tại sao chọn con đường Bát chánh? Vì Bát Chánh sẽ diệt tất cả, những nguyên nhân có thể xảy ra đưa đến khổ đau còn những con đường khác chỉ diệt một số nguyên nhân chứ không diệt tất cả vì Đức Phật có khả năng biết những ai có kiết sử nào và không có kiết sử nào nên đã thuyết những con đường khác chỉ cho diệt kiết sử nào đang có.
Tu tập Chánh kiến sẽ đoạn tận Tà kiến do có tà kiến dẫn đến luân hồi và đau khổ.
Tu tập Chánh tư duy sẽ đoạn tận Tà tư duy vì do suy nghĩ về dục do suy nghĩ về sân hận, suy nghĩ về hại dẫn đến luân hồi và đau khổ.
Tu tập Chánh ngữ sẽ đoạn tận Tà ngữ vì do tà ngữ dẫn đến luân hồi và khổ đau.
Tu tập Chánh nghiệp sẽ đoạn tận Tà nghiệp vì tà nghiệp dẫn đến luân hồi và khổ đau.
Tu tập Chánh tinh tấn sẽ đoạn tận Tà tinh tấn vì Tà tinh tấn dẫn đến luân hồi và khổ đau.
Tu tập Chánh niệm sẽ đoạn tận Tà niệm vì tà niệm dẫn đến luân hồi và khổ đau.
Tu tập Chánh định sẽ đoạn tận Tà định vì Tà định dẫn đến luân hồi và khổ đau.
Như vậy tu tập bát Thánh đạo sẽ hết khổ đau và chấm dứt luân hồi.
Phần IV này rất khó tu cho cả người tại gia và người xuất gia. Lý do là người nào đã sanh ra đời này cũng đã bị dính mắc vào môi trường mình đang sống và đã dính mắc truyền thống tôn giáo mà mình đã nhập vào từ khi vào chùa cho đến khi đến chức này chức nọ. May mắn thay cho ai thoát được cái vỏ truyền thống mà đã bị nhồi sọ từ nhỏ đến lớn mà không hay biết. Tuy nhiên có ai thoát ra khỏi vỏ ốc truyền thống của mình thì phước nhiều đời của những vị đó.
Thế Tôn đã nói trong kinh Tăng chi tám pháp phẩm Gotami như sau: "Vì rằng, này Ananda, nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này, này Ananda, Phạm hạnh sẽ không được an trú lâu dài, thời này Ananda, diệu pháp được tồn tại năm trăm năm."
Diệu Pháp này đã tồn tại hơn 500 năm rồi nên ngày nay có còn mấy ai học và thực hành những lời dạy đức Phật trong năm bộ kinh Nikaya nữa đây.
Tất cả có bốn phần và phần giới thiệu đã nói lên tất cả tập sách này muốn nói và gửi đến những hành giả muốn chấm dứt khổ đau nên cố gắng tìm hiểu, suy tư, chứng nghiệm mà không nên tin ai một cách mù quáng dù đó là bậc đạo sư của mình.
II. Thế nào là Con đường diệt khổ?
Chương 12: Con đường diệt khổ
a-Đại cương.
Đạo đế là một con đường có thật để chấm dứt nguyên nhân sanh khổ. Trên thế gian này khi nào có cái âm thì có cái dương đối nghịch để cân bằng ví dụ có tối thì có sáng, có xấu thì có tốt, có sanh thì có chết gọi chung một vế là âm và vế kia là dương để quân bình. Tương tự có con đường tà thì sẽ có con đường chánh nghịch với tà. Nói một cách tổng quát nơi nào có âm thì nơi đó có dương, nơi nào có dương thì nơi đó có âm.b-Tổng thuyết & biệt thuyết của bát chánh.
Này chư Hiền, thế nào là Khổ diệt đạo Thánh đế? Ðó là Thánh đạo tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.Này chư Hiền, thế nào là chánh tri kiến? Này chư Hiền, tri kiến về Khổ, tri kiến về Khổ tập, tri kiến về Khổ diệt, tri kiến về Khổ diệt đạo. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh tri kiến.
Này chư Hiền, thế nào là chánh tư duy? Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh tư duy.
Này chư Hiền, thế nào là chánh ngữ? Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiếm. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh ngữ.
Này chư Hiền, thế nào là chánh nghiệp? Tự chế không sát sanh, tự chế không trộm cắp, tự chế không tà dâm. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh nghiệp.
Này chư Hiền, thế nào là chánh mạng? Này chư Hiền, ở đây vị Thánh đệ tử từ bỏ tà mạng, sinh sống bằng chánh mạng. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh mạng.
Này chư Hiền, và thế nào là chánh tinh tấn? Này chư Hiền, ở đây Tỳ-kheo, đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn trừ diệt; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn khiến cho sanh khởi; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Ðối với các thiện pháp đã sanh khởi, khởi lên ý muốn khiến cho an trú, không cho băng hoại, khiến cho tăng trưởng, phát triển, viên mãn; vị này nỗ lực, tinh tấn, quyết tâm, trì chí. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh tinh tấn.
Này chư Hiền, thế nào là chánh niệm? Này chư Hiền, ở đây, Tỳ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời... quán thọ trên các cảm thọ... quán tâm trên các tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh niệm.
Này chư Hiền, thế nào là chánh định? Này chư Hiền, ở đây, Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Vị Tỳ-kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tỳ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Tỳ-kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh định.
Này chư Hiền, như vậy gọi là Khổ diệt đạo Thánh đế.
Chư Hiền, Vô thượng Pháp luân đã được Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác chuyển vận ở vườn Lộc Uyển, chỗ chư Tiên đọa, tại Ba-la-nại, Không một Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay một ai ở đời có thể chuyển vận ngược lại, tức là sự khai thị, tuyên thuyết, thi thiết, kiến lập, mở rộng, phân biệt, hiển lộ bốn Thánh đế.
Tôn giả Sariputta thuyết giảng như vậy. Các Tỳ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Sariputta dạy.( trích từ kinh Trung bộ số 141)
c-Chánh đạo và tà đạo
Khi có Tập đế sanh khởi gọi là Tà đạo khi nào Tập đế diệt gọi là Chánh đạo như kinh Tương ưng 2 viết như sau:III. Con Ðường... (S.ii,4)
1). .. Trú ở Sàvatthi... (như trên).
2) -- Này các Tỳ-kheo, Ta sẽ thuyết giảng cho các Ông về tà đạo và chánh đạo. Hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ giảng.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau:
3) -- Và này các Tỳ-kheo, thế nào là tà đạo? Này các Tỳ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên sanh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là tà đạo.
4) Và này các Tỳ-kheo, thế nào là chánh đạo? Nhưng do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt. Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là chánh đạo.
Xem hình minh hoạ: Hình 4 trang 484.
Tác giả phân tích.
Như vậy Tập đế nói đơn giản là Tham, Sân, Si hoặc Dục ái, Hữu ái, Phi hữu ái hoặc Sắc ái, Thanh ái, Hương ái, Vị ái, Xúc ái, Pháp ái hoặc nói rộng hơn là 10 kiết sử hoặc chi tiết hơn là 12 Nhân duyên. Tuy nhiên quy Tập đế về Bát Tà là Tà kiến, Tà tư duy, Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng, Tà tinh tấn, Tà niệm, Tà định gọi chung là Âm và đối nghịch là Bát Chánh là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định gọi chung là Dương.
Nếu hằng ngày mà thực hành Bát Tà sẽ dẫn đến luân hồi. Đa số chúng sanh thực hành tà đạo suốt ngày, năm này qua năm nọ. Nhưng không hề hay biết có một con đường chánh trừ diệt con đường tà để chấm dứt khổ đau. Thực hành Bát chánh nhiều sẽ thắng Bát tà. Nếu thực hành bát chánh quá ít thì bát tà sẽ thắng.
Nếu tâm chúng ta hằng ngày thực hành bát chánh viên mãn thì bát tà không sanh khởi nữa. Đây là bậc Thánh thứ nhất hoặc bậc Thánh thứ hai hoặc bậc Thánh thứ ba hoặc bậc Thánh thứ tư. Ngược lại hằng ngày theo Bát tà là phàm phu nên phải khổ đau.
Cần phải tu tập con đường dẫn đến diệt khổ.
Kinh Chuyển Pháp Luân đã viết: "Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến khổ diệt, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp... quang sanh. Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp... quang sanh. Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt đã được tu tập, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh."
Đức Phật đã khuyến giáo cần phải tu tập con đường đưa đến khổ diệt. Quan trọng hơn nữa là những hành giả đã tu tập đồng nghĩa những kiết sử không còn nữa. Đức Phật đã khuyến giáo tu tập như vậy nhưng chúng ta chẳng thực hành gì hết thì kiết sử vẫn còn. Con đường tà đạo sẽ dẫn đến luân hồi lâu dài.
Bài kinh sau đây được trích từ kinh tương ưng 5 - Tương ưng Đạo.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
7.VII. Một Tỷ Kheo Khác (2) (S.iv,8)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi một Tỳ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến...
3) Ngồi một bên, Tỳ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
--"Nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si", bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Ðồng nghĩa với gì, bạch Thế Tôn, là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si?
-- Ðồng nghĩa với Niết-bàn giới là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si, cũng được gọi là đoạn tận các lậu hoặc.
4) Khi được nói vậy, Tỳ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- "Bất tử, bất tử", bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Thế nào là bất tử, bạch Thế Tôn? Thế nào là con đường đưa đến bất tử?
-- Ðoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, này Tỳ-kheo, được gọi là bất tử. Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến bất tử, tức là chánh tri kiến... chánh định.
Tác giả phân tích.
Mục đích thực hành Thánh đạo tám ngành có mục đích duy nhất đoạn tận tham, sân, si.
Thông dụng nhất là Bát Thánh đạo được nói nhiều nhứt trong 5 bộ kinh Nikaya. Tại sao?
Những nguyên nhân khổ có thể tóm lại là Tham, sân, si hoặc 10 kiết sử hoặc 12 Nhân duyên. Có con đường nào sẽ đoạn tận tất cả nguyên nhân khổ có thể xảy ra. Con đường duy nhất là Bát chánh sẽ đoạn tất cả Kiết sử có thể xảy ra. Đây là lý do chính mà Đức Phật đã giới thiệu Thánh đạo Tám ngành trong bài kinh Chuyển Pháp Luân và cũng đã nhắc lại vào giờ cuối cuộc đời của Ngài trong bài kinh Đại Bát Niết Bàn. Như vậy Bát Thánh đạo sẽ diệt được tất cả những kiết sử có thể. Còn những con đường khác chỉ trừ diệt một số nguyên nhân hoặc một số kiết sử chứ không thể trừ được tất cả kiết sử. Thế Tôn có tha tâm thông biết Tỳ Kheo nào có kiết sử gì và không có kiết sử gì. Ngài thuyết con đường khác đơn giản để trừ kiết sử mà vị Tỳ kheo đó có thôi.
Nếu ai học Toán biết phương trình bậc hai có phương trình tổng quát là Y=ax2 +bx +c nhưng có phương trình đặc biệt có thể xảy ra là b=0 hay c=0 hoặc cả b=0 và c=0.
Tương tự Bát Thánh đạo giống như là một phương trình có đầy đủ các hằng số a, b, c còn những con đường đặc biệt khác giống như phương trình đặc biệt khi b=0 hay c=0.
Tập sách này chỉ bàn thảo chi tiết về con đường bát Thánh đạo là chính và con đường đặc biệt là Tứ Niệm xứ. Những con đường đặc biệt khác như Ngũ căn, Ngũ lực, Tứ Chánh cần, Tứ Như ý túc, Thất giác chi dành cho những vị Tỳ kheo đặc biệt.
Người học Phật có thể chọn một trong bảy con đường vừa nêu trên để tu tập với mục đích duy nhất là diệt nhân sanh quả khổ trong tương lai. Trong tập sách này chọn Thánh đạo tám ngành là con đường thực hành hằng ngày nên người học Phật cần tìm hiểu cho tường tận Thánh đạo với Tám ngành.
Những ai bước đi trên con đường Bát chánh chắc chắn sẽ đoạn tận 10 kết sử hoặc đoạn tận tham, sân, si hoặc diệt 12 nhân duyên sẽ hết khổ đau.
PHẦN IV: Diệt khổ & Con đường diệt khổ.
Có bài kinh Tăng chi tám pháp nói về biển có nhiều châu báu, có nhiều loại chúng sanh lớn sống trong biển, nước biển chỉ có một vị mặn dù biển bao la. Có nhiều châu báu tương ưng có bảy con đường chấm dứt khổ, có nhiều chúng sanh lớn tương ứng có tám bậc thánh. Có một vị mặn tương ứng với vị giải thoát.
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Veranjà, dưới gốc cây Nalerupucimanda. Rồi vua A-tu-la Pahàràda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên. Thế Tôn nói với vua A-tu-la Pahàràda đang đứng một bên:
- Này Pahàràda, có phải các A-tu-la thích thú biển lớn?
- Bạch Thế Tôn, các A-tu-la thích thú biển lớn.
- Này Paràhàda, có bao nhiêu sự vi diệu chưa từng có trong biển lớn mà do thấy chúng, các A-tu-la thích thú biển lớn?
- Bạch Thế Tôn, có tám vi diệu chưa từng có trong biển lớn mà do thấy chúng, các A-tu-la thích thú biển lớn. Thế nào là tám?
2. Bạch Thế Tôn, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Vì rằng bạch Thế Tôn, vì rằng biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhất, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
3. Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Vì rằng bạch Thế Tôn, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ, bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ hai, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
4. Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn không có chấp chứa xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Vì rằng bạch Thế Tôn, biển lớn không có chấp chứa xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Nên bạch Thế Tôn đây là vi diệu chưa từng có thứ ba, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
5. Lại nữa, bạch Thế Tôn, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravatì, sông Sarabhù, sông Mahì, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ cũ trở thành biển lớn. Vì rằng, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng ... trở thành biển lớn, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ tư, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
6. Lại nữa, bạch Thế Tôn, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có vơi có đầy. Bạch Thế Tôn, vì rằng, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có vơi có đầy, bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ năm, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
7. Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Vì rằng, bạch Thế Tôn, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ sáu, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
8. Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đây có những châu báu này, như thân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Vì rằng, bạch Thế Tôn, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đây có những châu báu này, như trân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ bảy, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
9. Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn là trú xứ các loại chúng sanh lớn, tại đấy, có những chúng sanh như các con Timi, Timingalà, Timiramingalà, những loại Asurà (A-tu-la), các loại Nàgà, các loại Gandhabbà. Trong biển có những loài hữu tình có tự ngã dài một trăm do tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do tuần. Vì rằng, bạch Thế Tôn, biển lớn là trú xứ các loài chúng sanh lớn ... năm trăm do tuần, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ tám, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn. Nhưng bạch Thế Tôn, các Tỳ-kheo có thích thú trong Pháp và Luật này?
- Này Pahàràda, Tỳ-kheo có thích thú trong Pháp và Luật này.
- Bạch Thế Tôn, trong Pháp và Luật này có bao nhiêu pháp vi diệu chưa từng có mà do thấy chúng, thấy chúng, các Tỳ-kheo thích thú trong pháp và luật này?
10. - Này Pahàràda, có tám pháp vi diệu này chưa từng có trong Pháp và Luật mà do thấy chúng, thấy chúng, các Tỳ-kheo thích thú trong pháp và luật này. Thế nào là tám?
11. Ví như, này Pahàràda, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Cũng vậy, này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này Pahàràda, vì rằng trong pháp và luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình, nên này Pahàràda, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhất mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
12. Ví như, này Pahàràda, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Cũng vậy, này Pahàràda, khi các học pháp được Ta sửa soạn cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua,. Vì rằng này Pahàràda các học pháp được Ta sửa soạn cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua,. Nên này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu chưa từng có thứ hai do mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
13. Ví như, này Pahàràda, biển lớn không có chấp chứa xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Cũng vậy, này Pahàràda, người nào là ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh đáng nghi ngờ, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn, nhưng tự nhận là Sa-môn, không phải sống Phạm hạnh nhưng tự nhận có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh. Chúng Tăng không sống chung với người ấy, lập tức hội họp lại và đuổi người ấy ra khỏi. Dầu cho người ấy có ngồi giữa chúng Tỳ-kheo Tăng, nhưng người ấy sống xa chúng Tăng và chúng Tăng sống xa người ấy. Vì rằng, này Pahàràda, người ấy là ác giới, theo ác pháp, ... tánh tình bất tịnh ... và chúng Tăng sống xa vị ấy, nên này Pahàràda, trong pháp và luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ ba mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
14. Ví như, này Pahàràda, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravatì, sông Sarabhù, sông Mahì, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ cũ trở thành biển lớn. Cũng vậy, này Pahàràda, có bốn giai cấp: Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố, họ từ bỏ tên và họ của họ từ trước, và họ trở thành những Sa-môn Thích tử. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tư mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
15. Ví như, này Pahàràda, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có vơi có đầy. Cũng vậy, này Pahàràda, nếu có nhiều Tỳ-kheo nhập vào Niết-bàn giới không có dư y, Niết-bàn giới cũng không vì vậy được thấy có vơi có đầy. Này Pahàràda, nếu có nhiều vị Tỳ-kheo nhập vào Niết-bàn giới không có dư y, Niết-bàn giới cũng không vì vậy được thấy có vơi có đầy. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ năm mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
16. Ví như, này Pahàràda, biển lớn chỉ có một vị mặn. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật cũng chỉ có một vị là vị giải thoát. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ sáu mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
17. Ví như, này Pahàràda, biển lớn có nhiều châu báu, có nhiều loại châu báu, ở đây có những châu báu này, như trân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật này có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những châu báu này, như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Thánh đạo tám ngành. Này Pahàràda, vì rằng Pháp và Luật này có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những châu báu này, như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Thánh đạo tám ngành, nên này Pahàràdan, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ bảy mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
18. Ví như, này Pahàràda, biển lớn là trú xứ các loại chúng sanh lớn, tại đấy, có những chúng sanh như các con Timi, Timingalà, Timiramingalà, những loại Asurà (A-tu-la), các loại Nàgà, các loại Gandhabbà. Trong biển có những loài hữu tình với tự ngã dài một trăm do tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do tuần. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật là trú xứ của các loài chúng sanh lớn. Ở đấy có những loại chúng sanh này: bậc Dự lưu, bậc đã hướng đến chứng ngộ Dự lưu quả, bậc Nhất Lai, bậc đã hướng đến chứng ngộ Nhất lai quả, bậc Bất lai, bậc đã hướng đến chứng ngộ Bất lai quả, bậc A-la-hán, bậc đã hướng đến chứng ngộ quả A-la-hán. Này Pahàràda, vì rằng Pháp và Luật này là trú xứ của các loại chúng sanh lớn. Ở đấy có những chúng sanh này ... quả A-la-hán. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tám mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Này Pahàràda, đây là tám pháp vi diệu, chưa từng có trong pháp và luật và do thấy vậy, do thấy vậy, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Tác giả phân tích.
Bài kinh trên cho chúng ta biết rằng có bảy con đường để tu tập để đoạn tận những nhân sanh khổ. Sau khi tu tập sẽ dẫn đến tám bậc Thánh và sự tu tập theo tuần tự chứ không có vấn đề đốn ngộ như nhiều người tưởng tượng. Ngủ một đêm sáng ra giác ngộ.
Thực hành bát Thánh đạo cũng theo tuần tự từ chánh tri kiến ... cho đến chánh định đến một thời điểm chín muồi thì tâm hành giả sẽ có tâm giải thoát và tuệ giải thoát.
Trong Phần III đã trình bày tại sao chúng ta có mặt ở đời và phải chiụ những cảm thọ khổ do bị sanh, bị bệnh, bị già, bị chết và cũng cho biết tại sao chúng ta sẽ có mặt trong tương lai dưới những hình tướng xấu xí mà phải nhận lãnh những cảm thọ khổ khủng khiếp. Nếu sanh vào bàng sanh, ngạ quỷ, địa ngục hoặc do làm nghiệp thiện sanh vào thiên giới hưởng thụ những cảm thọ sung sướng ở các cảnh trời thuộc dục giới hoặc tu thiền sẽ hưởng được những hỉ lạc của cõi sắc giới tuổi thọ vô lượng. Cứ như vậy luân hồi giữa các cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc không biết đến bao giờ thoát khỏi ba cõi đó.
Trong Phần IV sẽ trình bày cách chấm dứt khổ hay luân hồi và phương pháp hay con đường chấm dứt khổ hoàn toàn. Thông thường thế gian biết khổ nhưng không biết cách chấm dứt khổ thuộc Thánh đế thứ ba và không biết con đường dẫn đến diệt khổ thuộc về Thánh đế thứ tư. Chương 11 sẽ bàn về cách chấm dứt khổ và chương 12 chỉ con đường dẫn đến chấm dứt khổ. Chương 1,2,3,4 & 5 dành cho những cho người chưa biết gì về Tứ Thánh đế. Đức Phật chỉ dạy tu tập từ thấp (sơ thiện) đến vừa (trung thiện) và hậu thiện (Tứ Thánh Đế), nếu những ai chưa biết gì, chưa hiểu gì nên đọc chương 1,2,3 tu từ thấp lên cao.
Phần III và Phần IV sẽ giúp chứng một trong bốn bậc Thánh không còn phàm phu nữa. Sự khổ đau còn 7 kiếp hoặc hết khổ hoàn toàn.
Diệt khổ đế là sự diệt khổ có thật. Hành giả cần chứng ngộ chứ không phải tưởng tượng. Niết Bàn chỉ đến với hành giả đã thực hành bát chánh đạo viên mãn. Nếu không thực hành bát chánh đạo thì sự chứng ngộ Niết Bàn không có.
Đa số người học Phật hiểu lầm từ "Diệt Khổ" và tự biên tự diễn về từ này nên không thể nào chấm dứt khổ được. Trích ra đây một đoạn trong kinh Tiểu bộ 1 nói về Lý Duyên diệt như sau:
"Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Tức là duyên vô minh, có các hành; duyên các hành, có thức; duyên thức, có danh sắc; duyên danh sắc, có sáu xứ; duyên sáu xứ, có xúc; duyên xúc, có thọ; duyên thọ, có ái; duyên ái, có thủ; duyên thủ, có hữu; duyên hữu, có sanh; duyên sanh, có già, chết, sầu bi khổ ưu não. Như vậy là sự tập khởi của khổ uẩn này".
Lý duyên khởi là luôn luôn bắt đầu "Do cái này sanh "gọi là nhân và "Cái kia sanh" gọi là quả còn Lý duyên diệt luôn luôn cái khởi đầu (cái này) diệt thì cái cuối (cái kia) diệt. Như vậy quả khổ (cái kia) do nhân (cái này) sanh khởi, từ đó có trí tuệ khởi lên là "muốn hết khổ là diệt cái nhân thì khổ sẽ không bao giờ có. Còn quả khổ do có nhân sanh nên chấp nhận". Nếu ai thấy Lý Duyên khởi và Lý Duyên diệt sẽ có trí tuệ sanh khởi (biết được cách chấm dứt khổ). Sau khi thấy biết được cách diệt khổ sẽ phải chứng nghiệm diệt khổ tức là chứng nghiệm không còn tham, không còn sân, không còn si. Để chứng đạt diệt tham, diệt sân, diệt si cần phải tu tập một trong bảy con đường để chấm dứt khổ..
Chứng ngộ Niết bàn đồng nghĩa là tham sân si (10 kiết sử) mất từ từ đến mất hoàn toàn không còn sanh lại, trong khi phàm phu tham sân si cứ sanh rồi diệt rồi sanh lại. Có bốn bậc Thánh mà 10 kiết sử tiêu diệt từ từ cho đến khi không còn kiết sử nào.
Để hình dung Niết Bàn như thế nào? Đức Phật đã cho một ví dụ là một Khúc Gỗ trôi trên sông. Nếu Khúc Gỗ ra tới biển gọi là Niết Bàn. Bài kinh được trích từ kinh Tương ưng 4.
Niết Bàn như Khúc Gỗ đã trôi đến biển.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
200. IV. Khúc Gỗ (1) (S.iv,179)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, trên bờ sông Gangà.
2) Thế Tôn thấy một khúc gỗ lớn trôi theo dòng nước sông Hằng, thấy vậy liền gọi các Tỳ-kheo:
-- Này các Tỳ-kheo, các Ông có thấy khúc gỗ to lớn này đang trôi theo dòng nước sông Hằng không?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
3) -- Này các Tỳ-kheo, nếu khúc gỗ không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị loài Người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị mắc vào xoáy nước, không bị mục bên trong; như vậy, này các Tỳ-kheo, khúc gỗ ấy sẽ hướng về biển, sẽ xuôi theo biển, sẽ nghiêng nhập vào biển. Vì sao? Vì rằng, này các Tỳ-kheo, dòng sông Hằng hướng về biển, xuôi theo biển, nghiêng trôi về biển. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, nếu các Ông không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị loài Người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị mắc vào xoáy nước, không bị mục bên trong; như vậy, này các Tỳ-kheo, các Ông sẽ hướng về Niết-bàn, sẽ xuôi theo Niết-bàn, sẽ nghiêng nhập vào Niết-bàn. Vì sao? Vì rằng, này các Tỳ-kheo, chánh kiến hướng về Niết-bàn, xuôi theo Niết-bàn, nghiêng nhập vào Niết-bàn.
4) Khi được nghe nói vậy, một Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, bờ bên này là gì? Bờ bên kia là gì? Thế nào là chìm giữa dòng? Thế nào là mắc cạn trên miếng đất nổi? Thế nào là bị loài Người nhặt lấy? Thế nào là bị phi nhân nhặt lấy? Thế nào là bị mắc vào xoáy nước? Thế nào là bị mục nát bên trong?
5) -- Bờ bên này, này Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với sáu nội xứ này.
6) Bờ bên kia, này Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với sáu ngoại xứ.
7) Bị chìm giữa dòng, này Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với hỷ tham.
8) Bị mắc cạn trên miếng đất nổi, này Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với ngã mạn.
9) Và này Tỳ-kheo, thế nào là bị người nhặt lấy? Ở đây, Tỳ-kheo sống quá liên hệ với cư sĩ, chung vui, chung buồn, an lạc khi họ an lạc, đau khổ khi họ bị đau khổ, tự trói buộc mình trong các công việc phải làm được khởi lên của họ. Ðây gọi là Tỳ-kheo bị loài Người nhặt lấy.
10) Và thế nào, này Tỳ-kheo, là bị phi nhân nhặt lấy? Ở đây, Tỳ-kheo sống Phạm hạnh với ước nguyện được sanh cộng trú với một hạng chư Thiên: "Mong rằng với giới luật này, với cấm giới này, với khổ hạnh này, với Phạm hạnh này, ta sẽ trở thành Thiên nhân hay một loài chư Thiên!" Ðây, này Tỳ-kheo, được gọi là bị phi nhân nhặt lấy.
11) Bị mắc vào xoáy nước, này Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với năm dục công đức.
12) Và này Tỳ-kheo, thế nào là bị mục nát bên trong? Ở đây, này Tỳ-kheo, có người thọ tà giới, theo ác pháp, bất tịnh, có những hành vi đáng nghi ngờ, có những hành động che đậy, không phải Sa-môn nhưng hiện tướng Sa-môn, không phải Phạm hạnh nhưng hiện tướng Phạm hạnh, nội tâm bị hủ bại, đầy dục vọng, là một đống rác bẩn. Ðây, này Tỳ-kheo, được gọi là bị mục nát bên trong.
11) Lúc bấy giờ Nanda, người chăn bò, đứng không xa Thế Tôn bao nhiêu.
12) Rồi người chăn bò Nanda bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, con không đâm vào bờ bên này, con không đâm vào bờ bên kia, con không bị chìm giữa dòng, con không bị mắc cạn trên miếng đất nổi, con không bị loài Người nhặt lấy, con không bị phi nhân nhặt lấy, con không bị mắc vào xoáy nước, con không bị mục nát bên trong. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho con được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới.
13) -- Này Nanda, hãy đem trả các con bò cho người chủ.
-- Bạch Thế Tôn, chúng sẽ đi trở về. Các bò mẹ đang trông mong gặp lại các con bê của chúng.
-- Tuy vậy, này Nanda, Ông hãy trả lui các con bò cho những người chủ.
14) Rồi Nanda, người chăn bò, sau khi trả lui các con bò cho những người chủ, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, các con bò đã được trả lui cho những người chủ. Bạch Thế Tôn, xin hãy cho con được xuất gia với Thế Tôn. Hãy cho con thọ đại giới.
15) Nanda, người chăn bò được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới. Sau khi thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Nanda sống một mình, an tịnh...
16) Tôn giả Nanda trở thành một vị A-la-hán nữa.
Xem hình minh hoạ Hình 3 trang 483
Tác giả phân tích
Để hiểu Niết Bàn rất khó nên Đức Phật cho hình ảnh khúc gỗ trôi trên sông sẽ ra biển. Nếu khúc gỗ không bị dính mắc vào bờ bên này, vào bờ bên kia, không bị hư mục bên trong, không bị chìm đắm, không bị cuốn vào nước xoáy, không bị mắc cạn vào vùng đất nổi, không bị loài người nhặt lấy, không bị loài phi nhân nhặt lấy.
Như vậy khúc gỗ tiêu biểu cho hành giả tu tập để không dính mắc vào sáu nội xứ, không dính mắc vào sáu ngoại xứ, không dính mắc năm dục trưởng dưỡng, không tham hỷ lạc, không ngã mạn, không thân mật với cư sĩ quá khi họ vui cùng vui theo, khi họ buồn cùng buồn theo, giữ giới hạnh mong cầu sanh làm chư thiên này hay chư thiên khác, nội tâm không hôi hám (không tham, không sân, không si) thì có Niết bàn hiện tiền. Một ví dụ quá cụ thể mà Đức Phật đã nói quá rõ ràng như thế mà không nhận ra Niết Bàn như thế nào thì hành giả luân hồi mãi mãi. Tuy nhiên trong một bài kinh khác, Đức Phật đã giải thích thế nào là Pháp thiết thực hiện tại.
Pháp Thiết thực hiện tại chính là Niết bàn.
Đây là bài kinh định nghĩa Niết Bàn được trích kinh tăng chi - Ba pháp - phẩm Bà la môn.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Rồi Bà-la-môn Jànussoni đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ, nói lên những lời chào đón thăm hỏi thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Jànussoni bạch Thế Tôn:
- Thiết thực hiện tại là Niết bàn, thưa Tôn giả Gotama, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, thưa Tôn giả Gotama, Niết bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu?
- Bị tham ái làm say đắm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ điều hại mình, suy nghĩ điều hại người, suy nghĩ điều hại cả hai, cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Tham ái được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Như vậy, này Bà-la-môn, Niết bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Bị sân làm uế nhiễm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ điều hại mình, suy nghĩ điều hại người, suy nghĩ điều hại cả hai, cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Sân được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Như vậy, này Bà-la-môn, Niết bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Bị si làm mê mờ, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ điều hại mình, suy nghĩ điều hại người, suy nghĩ điều hại cả hai, cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Si được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Như vậy, này Bà-la-môn, Niết bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Khi vị ấy, này Bà-la-môn, cảm thọ tham ái được đoạn tận, không có dư tàn, cảm thọ sân được đoạn tận, không có dư tàn, cảm thọ si được đoạn tận, không có dư tàn. Như vậy, này Bà-la-môn, Niết bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng những gì bị quăng ngã xuống, hay trình bày cái gì bị che kín, hay chỉ đường cho người bị lạc hướng, hay cầm đèn sáng vào bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện thuyết giảng. Con nay xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
Tác giả phân tích.
Tham, sân, si chấm dứt hoàn toàn gọi là thiết thực hiện tại là Niết Bàn.
Không có thời gian đến để mà thấy vì khi giác ngộ thì tâm tham, tâm sân, tâm si không còn khởi ra nữa thì làm gì có thời gian đến để thấy. Giác ngộ sanh khởi do quán nhiều về tiến trình sanh diệt tham, sân, si đến một lúc nào đó giác ngộ ra tham, sân, si sẽ không còn sanh khởi. Cho một ví dụ dễ hiểu như sau:
Có một người bạn rất tốt giúp hành giả mọi thứ đến một ngày khám phá ra rằng người bạn cướp vợ mình. Sự giác ngộ rằng bản chất người này xấu thì tính thân thiết về người bạn đó biến mất. Cũng vậy khi giác ngộ ra bản chất tham, sân, si gây cho đau khổ nếu hành giả nào nhận ra như vậy thì tham, sân, si không còn sanh lại nữa. Khi tham, sân, si không sanh lại là Niết Bàn.
Chứng nghiệm diệt khổ qua hai giai đoạn - Giai đoạn 1: Khi quả khổ đã hết gọi là Niết Bàn nhưng do không biết, không nhận ra hết khổ là Niết Bàn nên vô minh nữa sẽ sanh khởi hành tiếp nên Niết Bàn không còn nữa.
Giai đoạn 2: Biết ái là nguyên nhân sanh ra khổ và ái đoạn tận hoàn toàn không còn sanh ra quả khổ nữa. Đây là Niết Bàn vĩnh viễn.
C11.0: Khổ Diệt Thánh đế cần phải chứng ngộ.
Tại sao Khổ diệt cần phải chứng ngộ?
Nếu không chứng ngộ được thì sự học Phật Pháp thuần lý thuyết sẽ không thể nào thoát khổ được. Vì lý do này trong bài kinh Chuyển Pháp Luân đã tuyên thuyết "Ðây là Thánh đế về Khổ diệt, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp... quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp... quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ diệt đã được chứng ngộ, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp... quang sanh.".
Người học Phật cần trải nghiệm khi tham không có, khi sân không có, khi si không có và Tham, Sân, Si không bao giờ sanh khởi trở lại. Đây là Niết Bàn chứ không gì khác.
Khổ diệt Thánh đế cần phải chứng ngộ có nghĩa tâm hành giả đã đoạn tận 10 kiết sử rồi. Vị này chấm dứt 10 kiết sử là quả vị cao nhất ở thế gian này là bậc đáng cúng dường là ruộng phước vô thượng ở đời. Thời này rất khó gặp bậc Thánh A la hán còn ba bậc Thánh kia con người thời đại chúng ta có thể chứng ngộ được. Những mục kế tiếp được bàn về những kiết sử nào cần chấm dứt trước và sau.
IV- Áp dụng Tứ đế và Sai biệt trí, Dị thục trí
1- Bài kinh một Pháp Quyết Trạch
Nguyên văn Pali - Việt như sau:(IX) (63) Một Pháp Môn Quyết Trạch
1. - Này các Tỳ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Thầy pháp môn thể nhập, pháp môn pháp. Hãy nghe và tác ý, Ta sẽ giảng.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỳ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
2. - Và này các Tỳ-kheo, thế nào là pháp môn thể nhập (quyết trạch), pháp môn pháp?
Này các Tỳ-kheo, cần phải biết các dục, cần phải biết duyên khởi các dục, cần phải biết các dục sai biệt, cần phải biết các dục dị thục, cần phải biết các dục đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến các dục đoạn diệt. Này các Tỳ-kheo, cần phải biết cảm thọ, cần phải biết các cảm thọ duyên khởi, cần phải biết các cảm thọ sai biệt, cần phải biết các cảm thọ dị thục, cần phải biết các cảm thọ đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến các cảm thọ đoạn diệt. Này các Tỳ-kheo, cần phải biết các tưởng, cần phải biết các tưởng duyên khởi, cần phải biết các tưởng sai biệt, cần phải biết các tưởng dị thục, cần phải biết các tưởng đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến các tưởng đoạn diệt. Này các Tỳ-kheo, cần phải biết các lậu hoặc, cần phải biết các lậu hoặc duyên khởi, cần phải biết các lậu hoặc sai biệt, cần phải biết các lậu hoặc dị thục, cần phải biết các lậu hoặc đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt. Này các Tỳ-kheo, cần phải biết nghiệp, cần phải biết duyên khởi các nghiệp, cần phải biết các nghiệp sai biệt, cần phải biết các nghiệp dị thục, cần phải biết các nghiệp đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến nghiệp đoạn diệt. Này các Tỳ-kheo, cần phải biết khổ, cần phải biết khổ duyên khởi, cần phải biết khổ sai biệt, cần phải biết khổ dị thục, cần phải biết khổ đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến khổ đoạn diệt.
3. Này các Tỳ-kheo, cần phải biết các dục, cần phải biết các dục duyên khởi, cần phải biết các dục sai biệt, cần phải biết các dục dị thục, cần phải biết các dục đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến các dục đoạn diệt, đã được nói như vậy. Và do duyên gì được nói như vậy?
Này các Tỳ-kheo, có năm dục trưởng dưỡng này: Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả ý, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân nhận thức... khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỳ-kheo, dầu chúng không phải dục, chúng được gọi là dục trưởng dưỡng trong giới luật của bậc Thánh.
Các tư duy tham ái,
Là dục của con người,
Các hoa mỹ ở đời,
Chúng không phải là dục,
Các tư duy tham ái
Là dục của con người,
Các hoa mỹ an trú
Như vậy ở trên đời,
Ở đây những bậc Trí,
Nhiếp phục được lòng dục.
4. Này các Tỳ-kheo, thế nào là các dục duyên khởi? Xúc, này các Tỳ-kheo, là các dục duyên khởi.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các dục sai biệt? Này các Tỳ-kheo, dục trên các sắc là khác, dục trên các tiếng là khác, dục trên các hương là khác, dục trên các vị là khác, dục trên các xúc là khác. Này các Tỳ-kheo, đây là các dục sai biệt.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các dục dị thục? Này các Tỳ-kheo, khi muốn một cái gì, sanh khởi một tự ngã khởi lên từ vật ấy, từ vật ấy, để dự phần phước đức, hay để dự phần không phước đức, Này các Tỳ-kheo, đây gọi là các dục dị thục.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các dục đoạn diệt? Xúc đoạn diệt, này các Tỳ-kheo là dục đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo tám ngành đưa đến các dục đoạn diệt. Tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Khi nào, này các Tỳ-kheo, vị Thánh đệ tử rõ biết các dục như vậy, rõ biết các dục sanh khởi như vậy, rõ biết các dục sai biệt như vậy, rõ biết các dục dị thục như vậy, rõ biết các dục đoạn diệt như vậy, rõ biết con đường đưa đến các dục đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy được rõ biết Phạm hạnh thể nhập này như là các dục đoạn diệt.
Này các Tỳ-kheo, cần phải biết các dục... cần phải biết con đường đưa đến dục đoạn diệt, Ðoạn diệt đã được nói như vậy. Chính do duyên này, đã được nói như vậy.
5. Này các Tỳ-kheo, cần phải biết các cảm thọ... cần phải biết con đường đưa đến các cảm thọ đoạn diệt, đã được nói như vậy. Do duyên gì đã được nói như vậy?
Này các Tỳ-kheo, có ba cảm thọ này: lạc thọ, khổ thọ, phi khổ phi lạc thọ.
6. Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các cảm thọ sanh khởi? Xúc, này các Tỳ-kheo, là các cảm thọ sanh khởi. Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các cảm thọ sai biệt? Này các Tỳ-kheo, có các lạc thọ liên hệ đến vật chất, có các lạc thọ không liên hệ đến vật chất; có các khổ thọ liên hệ đến vật chất, có các khổ thọ không liên hệ đến vật chất; có các cảm thọ không khổ không lạc liên hệ đến vật chất, có các cảm thọ không khổ không lạc không liên hệ đến vật chất. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là các cảm thọ sai biệt.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các cảm thọ dị thục? Này các Tỳ-kheo, khi nào cảm thọ cái gì, sanh khởi một tự ngã khởi lên từ vật ấy, từ vật ấy, để dự phần phước đức, hay để dự phần không phước đức. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là các cảm thọ dị thục.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các cảm thọ đoạn diệt? Xúc đoạn diệt, này các Tỳ-kheo, là các cảm thọ đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo tám ngành đưa đến các cảm thọ đoạn diệt. Tức là chánh tri kiến... chánh định. Và khi nào, này các Tỷ kheo, vị Thánh đệ tử đã biết các cảm thọ như vậy, rõ biết các cảm thọ sanh khởi như vậy, rõ biết các cảm thọ sai biệt như vậy, rõ biết các cảm thọ dị thục như vậy, rõ biết các cảm thọ đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy được rõ biết Phạm hạnh thể nhập này như là các cảm thọ đoạn diệt.
Này các Tỳ-kheo, cần phải biết các cảm thọ... cần phải biết con đường đưa đến các cảm thọ đoạn diệt, đã nói như vậy. Chính do duyên này, đã được nói như vậy.
7. Này các Tỳ-kheo, cần phải biết các tưởng...cần phải biết con đường đưa đến các tưởng đoạn diệt, đã được nói như vậy. Do duyên gì đã được nói như vậy?
Này các Tỳ-kheo, có sáu tưởng này: Sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, pháp tưởng.
8. Và này các Tỳ-kheo, thế nào là tưởng sanh khởi? Này các Tỳ-kheo, xúc là các tưởng sanh khởi.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các tưởng sai biệt? Này các Tỳ-kheo, các tưởng trong các sắc là khác, các tưởng trong các thanh là khác, các tưởng trong các hương là khác, các tưởng trong các vị là khác, các tưởng trong các xúc là khác, các tưởng trong các pháp là khác. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là các tưởng sai biệt.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các tưởng dị thục? Này các Tỳ-kheo, Ta tuyên bố rằng các tưởng là kết quả của thói quen, khi nào người ta biết sự vật như thế nào, như thế nào, người ta nói sự vật ấy như sau, như sau: "Như vậy tôi tưởng". Này các Tỳ-kheo, đây gọi là các tưởng dị thục.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các tưởng đoạn diệt? Xúc đoạn diệt, này các Tỳ-kheo, là tưởng đoạn diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành đưa đến các tưởng đoạn diệt. Tức là chánh tri kiến... chánh định. Khi nào này các Tỳ-kheo, vị Thánh đệ tử rõ biết các tưởng như vậy, rõ biết các tưởng sanh khởi như vậy, rõ biết các tưởng sai biệt như vậy, rõ biết các tưởng dị thục như vậy, rõ biết các tưởng đoạn diệt như vậy, rõ biết con đường đưa đến các tưởng đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy được rõ biết Phạm hạnh thể nhập này như là các tưởng đoạn diệt.
Này các Tỳ-kheo, cần phải biết các tưởng... cần phải biết con đường đưa đến các tưởng đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên này đã được nói như vậy.
9. Này các Tỳ-kheo, cần phải biết các lậu hoặc... cần phải biết con đường đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên nào đã được nói như vậy? Này các Tỳ-kheo, có ba lậu hoặc này: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.
10. Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các lậu hoặc sanh khởi? Vô minh, này các Tỳ-kheo, là các lậu hoặc sanh khởi.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các lậu hoặc sai biệt? Này các Tỳ-kheo, có các lậu hoặc đưa đến địa ngục, có các lậu hoặc đưa đến bàng sanh, có các lậu hoặc đưa đến ngạ quỷ, có các lậu hoặc đưa đến thế giới loài người, có các lậu hoặc đưa đến thế giới chư Thiên. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là các lậu hoặc sai biệt.
Và này các Tỷ Kheo, thế nào là các lậu hoặc dị thục? Này các Tỷ kheo, khi nào vì vô minh cái gì sanh khởi, một tự ngã khởi lên từ vật ấy, từ vật ấy, để dự phần phước đức, hay để dự phần không phước đức. Này các Tỷ kheo, đây gọi là các lậu hoặc dị thục.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các lậu hoặc đoạn diệt? Vô minh đoạn diệt, này các Tỳ-kheo, là các lậu đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo tám ngành đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt. Tức là chánh tri kiến... chánh định. Khi nào, này các Tỳ-kheo, vị Thánh đệ tử rõ biết các lậu hoặc là như vậy, rõ biết các lậu hoặc sanh khởi như vậy, rõ biết các lậu hoặc sai biệt như vậy, rõ biết các lậu hoặc dị thục như vậy, rõ biết các lậu hoặc đoạn diệt như vậy, rõ biết con đường đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy được rõ biết Phạm hạnh thể nhập này như là các lậu hoặc đoạn diệt.
Này các Tỳ-kheo, cần phải biết các lậu hoặc... cần phải biết con đường đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên này đã được nói như vậy.
11. Này các Tỳ-kheo, cần phải biết các nghiệp... cần phải biết con đường đưa đến các nghiệp đoạn diệt được nói như vậy. Do duyên gì được nói như vậy?
Này các Tỳ-kheo, Ta tuyên bố rằng suy tư là nghiệp; sau khi suy tư, tạo nghiệp về thân, về lời, về ý.
12. Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các nghiệp sanh khởi? Này các Tỳ-kheo, xúc là các nghiệp sanh khởi.
- Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các nghiệp sai biệt? Này các Tỳ-kheo, có nghiệp đưa đến cảm thọ ở địa ngục, có nghiệp đưa đến cảm thọ loài bàng sanh, có nghiệp đưa đến cảm thọ cõi ngạ quỷ, có nghiệp đưa đến cảm thọ thế giới loài Người, có nghiệp đưa đến cảm thọ thế giới chư Thiên. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là các nghiệp sai biệt. Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các nghiệp dị thục? Này các Tỳ-kheo, Ta tuyên bố rằng có ba loại nghiệp dị thục: Ở ngay đời hiện tại, hay ở đời sau, hay ở một đời sau nữa. Này các Tỳ-kheo, đây là các nghiệp dị thục.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là nghiệp đoạn diệt? Xúc đoạn diệt, này các Tỳ-kheo, là nghiệp đoạn diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành, con đường đưa đến các nghiệp đoạn diệt. Ðó là chánh tri kiến... chánh định. Khi nào, này các Tỳ-kheo, vị Thánh đệ tử rõ biết các nghiệp như vậy, rõ biết các nghiệp sanh khởi như vậy, rõ biết các nghiệp sai biệt như vậy, rõ biết các nghiệp dị thục như vậy, rõ biết các nghiệp đoạn diệt như vậy, rõ biết con đường đưa đến các nghiệp đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy rõ biết Phạm hạnh thể nhập này như là các nghiệp đoạn diệt.
Này các Tỳ-kheo, cần phải biết các nghiệp... cần phải rõ biết con đường đưa đến các nghiệp đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên này đã được nói như vậy.
13. Này các Tỳ-kheo, cần phải biết khổ, cần phải biết khổ sanh khởi, cần phải biết khổ sai biệt, cần phải biết khổ dị thục, cần phải biết khổ đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến khổ đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên gì đã được nói như vậy?
Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi khổ não là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại năm thủ uẩn là khổ.
14. Và này các Tỳ-kheo, thế nào là khổ sanh khởi? Ái, này các Tỳ-kheo, là khổ sanh khởi.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là khổ sai biệt? Này các Tỳ-kheo có khổ lớn, có khổ nhỏ, có khổ chậm biến, có khổ mau biến. Này các Tỳ-kheo, đây là khổ sai biệt.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là khổ dị thục? Này các Tỳ-kheo, ở đây có hạng người bị khổ chinh phục, tâm bị trói buộc, ưu sầu, bi thảm, than van, đập ngực, khóc lóc, đi đến bất tỉnh; do bị khổ chinh phục, tâm bị trói buộc, nên đi tìm phía bên ngoài xem có ai biết được một câu, hai câu thần chú đề đoạn diệt khổ này.
Này các Tỳ-kheo, Ta tuyên bố rằng khổ đem lại kết quả mê loạn, đem lại kết quả tìm kiếm. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là khổ dị thục.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là khổ đoạn diệt?
Ái đoạn diệt, này các Tỳ-kheo, là khổ đoạn diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành đưa đến khổ đoạn diệt. Ðó là chánh kiến... chánh định. Này các Tỳ-kheo, khi nào Thánh đệ tử rõ biết khổ như vậy, rõ biết khổ sanh khởi như vậy, rõ biết khổ sai biệt như vậy, rõ biết khổ dị thục như vậy, rõ biết khổ đoạn diệt như vậy, rõ biết con đường đưa đến khổ đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy được rõ biết Phạm hạnh thể nhập này như là khổ đoạn diệt.
Này các Tỳ-kheo, cần phải biết khổ, cần phải biết khổ sanh khởi, cần phải biết khổ sai biệt, cần phải biết khổ dị thục, cần phải biết khổ đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến khổ đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên này, đã được nói như vậy.
Này các Tỳ-kheo, đây là thể nhập pháp môn, pháp pháp môn.
2-Tóm lược bài kinh.
Dục trí là sự hiểu về dục. Dục Tập trí là sự hiểu biết về nguyên sanh dục là Xúc. Dục diệt trí là sự hiểu biết về Dục là diệt nguyên nhân sanh dục là diệt Xúc. Dục diệt đạo trí là sự hiểu biết về con đường dẫn đến diệt Dục là bát Chánh đạo. Dục sai biệt trí là sự hiểu biết về sự sai biệt về dục. Dục dị thục trí là sự hiểu biết dục dị thục .Tương tự cho Thọ, cho Tưởng, cho Lậu hoặc, cho Nghiệp, cho Khổ. Những câu trả lời về sáu trí cho sáu đối tượng. Qúy vị tự điền sáu câu trả lời và cố gắng suy tư và hiểu chúng sẽ giúp quý vị sẽ giác ngộ dễ dàng.
Kết luận chương mười.
Tác giả kết luận.Khi áp dụng tứ đế vào 11 duyên trong 12 duyên cho biết rằng diệt quả là diệt điểm đầu (nhân) còn điểm cuối (kết quả) sẽ mất.
Điểm bắt đầu khởi ra là Vô minh đã sinh ra Hành rồi Thức tái sanh đến quả hiện tại là Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ (Lạc hay Khổ), nếu điểm khởi đầu Vô minh không có thì bây giờ làm gì có hạnh phúc hay đau khổ. Nhưng hạnh phúc hay đau khổ đã trổ ra rồi, chúng ta không thể diệt được vì đó là quả báo.
Áp dụng Tứ đế vào năm uẩn. Sự việc chấm dứt năm uẩn rất dễ dàng chỉ cần diệt nguyên nhân sanh chúng thì 5 uẩn không còn tồn tại, rất đơn giản chứ không phải thọ là không, thọ không khác không. Vì không biết Tứ đế nên dẫn đến những suy nghĩ sai lầm. Ngoài tứ đế trí còn có thêm hai trí nữa: Sai biệt trí và Dị thục trí nữa được áp dụng vào sau đối tượng: Dục, Thọ, Tưởng, Lậu hoặc, Nghiệp, Khổ sẽ giúp quý vị năm vững tứ đế vào những đối tượng khác nữa.Nhât là dị thục trí là loại hiểu biết về sự chín muồi về thọ hay về tưởng v.v.. rất hay và sai biệt trí là sự hiểu biết sai khác về nghiệp, về lậu hoặc để giúp quý vị hiểu sự khác về lậu hoặc và nghiệp.
Làm sao hết quả khổ hay quả lạc, Đức Phật dạy Vô minh diệt thì hành diệt thì khổ sẽ diệt nhưng hành chính là ái. Tại duyên thọ (lạc hay khổ) mà có Minh sanh thì ái diệt thì dẫn đến thủ diệt, hữu diệt, sanh diệt thì khổ diệt.
Thế nào là Minh? Rõ biết khổ, rõ biết nguyên nhân khổ, rõ biết diệt khổ, rõ biết con đường diệt khổ thì sanh tử hay khổ đau sẽ chấm dứt vĩnh viễn.
Kết Luận phần III.
Lý Duyên khởi chia làm hai phần ; Nghiệp cũ chính là khổ Tập sanh ra quả khổ hiện tại. Tại sao không gọi là lạc/khổ tập mà chỉ là khổ Tập vì tất cả sự vật vô thường (diệt) nên dù lạc đi nữa cuối cùng vẫn là khổ. Nếu không nhận ra những quả khổ hay quả lạc đang có hiện tại do nghiệp cũ sanh khởi thì chúng sanh tiếp tục Vô minh trong đời sống hiện tại và tiếp tục tạo nghiệp mới nữa. Như vậy nghiệp cũ sanh ra quả khổ hiện tại tức là duyên Thọ lạc/khổ. Nếu ngay duyên Thọ mà không có giác ngộ thì Ái sanh ra tức thì mà không có thời gian. Đây là lý do tại sao mà những người sống tại gia và xuất gia không thể nào thoát khỏi tham, sân, si được. Khi có Ái sanh khởi thì tiếp tục sanh ra Thủ rồi tiếp tục sanh ra Hữu và tiếp tục sanh ra Sanh, Già chết. Như vậy muốn thoát được vòng kim cô 12 Nhân duyên thì phải diệt Vô minh thì cần Minh sanh tức là biết rõ khổ, biết rõ nguyên nhân khổ, biết rõ diệt khổ, biết rõ con đường dẫn đến diệt khổ. Nhưng đa số chúng sanh không tin tuyệt đối vào Tứ Thánh đế nên không lo tìm hiểu rốt ráo. Chúng sanh cứ lo chạy theo những thứ khác mà chỉ học sơ sài về Tứ Thánh đế nên không có Minh sanh nên luân hồi mãi mãi là vậy.Để phá tan vòng kim cô 12 Nhân duyên cần biết áp dụng Tứ đế vào 11 nhân trong 12 nhân duyên thì sẽ phá vỡ vòng kim cô này. Do vậy chương mười bàn về bốn mươi bốn căn bản trí để phá tan mắc xích 12 nhân duyên. Quý vị nên chứng nghiệm thì sẽ thoát khổ.
Người nào học Phật Pháp mà không tìm hiểu rốt ráo về Lý Duyên khởi thì không thể nào diệt khổ được. Đây là những tên tướng cướp giấu mặt và che kín mà không lật mặt nạ ra thì không thể nào bắt được chúng. Có những hành giả Phật giáo ít nhận biết khổ tập là Lý Duyên khởi nên đã uổng phí một kiếp làm người mà không giác ngộ 12 nhân duyên.
Hành giả Phật giáo nên biết áp dụng Tứ đế vào tất cả mọi trường hợp trên thế gian này. Tuy nhiên Đức Phật chỉ áp dụng Tứ đế về Khổ hoặc về Năm uẩn và vào 11 Duyên trong 12 Duyên để phá vòng khép kín gây cho chúng sanh luân hồi.
Lý duyên khởi là cực kỳ quan trọng, quý vị hãy cố gắng tìm hiểu cho tận cùng kỳ lý để thấu đáo sẽ có quả Thánh dự lưu đời này.
III- Áp dụng Tứ đế vào năm uẩn
III- Áp dụng Tứ đế vào năm uẩn.
Trong quả Thọ khổ hiện tại có tám quả khổ nhưng có cái khổ thứ tám gọi là năm uẩn. Đức Phật đã áp dụng Tứ đế vào năm uẩn trong bài Kinh Tương ba về năm uẩn như sau:
IV. Thủ Chuyển (Tạp 2, Ðại 2,9b) (S.iii,58)
1-2) Nhân duyên ở Sàvatthi...
3) -- Này các Tỳ-kheo, có năm thủ uẩn này. Thế nào là năm? Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn.
4) Này các Tỳ-kheo, khi nào Ta chưa như thật thắng tri năm thủ uẩn này theo bốn chuyển, thì cho đến khi ấy, này các Tỳ-kheo, đối với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta không xác chứng rằng Ta đã chứng được vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
5) Nhưng này các Tỳ-kheo, khi nào Ta đã như thật thắng tri năm thủ uẩn này theo bốn chuyển, cho đến khi ấy, này các Tỳ-kheo, đối với thế giới chư Thiên, Ma, Phạm thiên, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta xác chứng rằng Ta đã chứng được vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
6) Và thế nào là bốn chuyển? Ta đã thắng tri sắc, Ta đã thắng tri sắc tập khởi, Ta đã thắng tri sắc đoạn diệt, Ta đã thắng tri con đường đưa đến sắc đoạn diệt. Ta đã thắng tri thọ... tưởng... hành... Ta đã thắng tri thức, Ta đã thắng tri thức tập khởi, Ta đã thắng tri thức đoạn diệt, Ta đã thắng tri con đường đưa đến thức đoạn diệt.
7) Và này các Tỳ-kheo, thế nào là sắc? Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo thành. Này các Tỳ-kheo, đấy được gọi là sắc. Do các thức ăn tập khởi nên sắc tập khởi. Do các thức ăn đoạn diệt nên sắc đoạn diệt. Và con đường đưa đến sắc đoạn diệt là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
8) Này các Tỳ-kheo, các vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào do thắng tri sắc như vậy; do thắng tri sắc tập khởi như vậy, do thắng tri sắc đoạn diệt như vậy, do thắng tri con đường đưa đến sắc đoạn diệt như vậy, họ hướng về thực hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt sắc. Những thực hiện ấy, họ khéo thực hiện. Những ai khéo thực hiện, những vị ấy có chân đứng trong Pháp và Luật này.
9) Và này các Tỳ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri sắc là như vậy... thắng tri con đường đưa đến sắc đoạn diệt là như vậy; do yếm ly, ly tham, đoạn diệt sắc, họ được giải thoát, không có chấp thủ. Họ được khéo giải thoát. Những ai được khéo giải thoát, họ được vẹn toàn. Những ai được vẹn toàn, thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ.
10) Và này các Tỳ-kheo, thế nào là thọ? Này các Tỳ-kheo, có sáu thọ thân này: thọ do nhãn xúc sanh, thọ do nhĩ xúc sanh, thọ do tỷ xúc sanh, thọ do thiệt xúc sanh, thọ do thân xúc sanh, thọ do ý xúc sanh. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là thọ. Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến thọ đoạn diệt, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy... chánh định.
11) Này các Tỳ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thọ là như vậy, thắng tri thọ tập khởi là như vậy, thắng tri thọ đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến thọ đoạn diệt là như vậy, họ hướng về thực hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt thọ. Những thực hiện ấy, họ khéo thực hiện. Những ai khéo thực hiện, những vị ấy có chân đứng trong Pháp và Luật này.
12) Và này các Tỳ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thọ là như vậy... thắng tri con đường đưa đến thọ đoạn diệt là như vậy... thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ!
13-15) Và này các Tỳ-kheo, thế nào là tưởng? Này các Tỳ-kheo, có sáu tưởng thân này: sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, pháp tưởng. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là tưởng. Do xúc tập khởi nên tưởng tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên tưởng đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến tưởng đoạn diệt, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy... chánh định... thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ.
16) Và này các Tỳ-kheo, thế nào là hành? Có sáu tư thân này: sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư, pháp tư. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là hành. Do xúc tập khởi nên các hành tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên các hành đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến đoạn diệt, tức là chánh tri kiến... chánh định.
17) Này các Tỳ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri các hành là như vậy, thắng tri các hành tập khởi là như vậy, thắng tri các hành đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến các hành đoạn diệt là như vậy, họ hướng về thực hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt các hành. Những thực hiện ấy, họ khéo thực hiện. Những ai khéo thực hiện, những vị ấy có chân đứng trong Pháp và Luật này.
18) Và này các Tỳ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri các hành là như vậy, thắng tri các hành tập khởi là như vậy, thắng tri các hành đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến các hành đoạn diệt là như vậy; do yếm ly, ly tham, đoạn diệt các hành, họ giải thoát, không có chấp thủ. Họ được khéo giải thoát. Những ai được khéo giải thoát, họ được vẹn toàn. Những ai được vẹn toàn, thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ.
19) Và này các Tỳ-kheo, thế nào là thức? Có sáu thức thân này, này các Tỷ -kheo, (tức là) nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là thức. Do danh sắc tập khởi nên thức tập khởi. Do danh sắc đoạn diệt nên thức đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành đưa đến thức đoạn diệt, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy... chánh định.
20) Này các Tỳ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thức là như vậy, thắng tri thức tập khởi là như vậy, thắng tri thức đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến thức đoạn diệt là như vậy, họ hướng về thực hiện yếm ly, ly tham, đoạn diệt thức. Những thực hiện ấy, họ khéo thực hiện. Những ai khéo thực hiện, những vị ấy có chân đứng trong Pháp và Luật này.
21) Và này các Tỳ-kheo, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào thắng tri thức là như vậy, thắng tri thức tập khởi là như vậy, thắng tri thức đoạn diệt là như vậy, thắng tri con đường đưa đến thức đoạn diệt là như vậy; do yếm ly, ly tham, đoạn diệt thức, họ được giải thoát, không có chấp thủ. Họ được khéo giải thoát. Những ai khéo giải thoát, họ được vẹn toàn. Những ai được vẹn toàn, thời không thể nêu rõ sự luân chuyển của họ.
Tóm tắt lại sự áp dụng Tứ đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo vào năm uẩn như sau:
-
Sắc uẩn trí là sự hiểu biết về sắc chính là tứ đại tạo tên sắc.
-
Sắc Tập trí là sự hiểu về nguyên nhân sanh Sắc chính là thức ăn.
-
Sắc Diệt là sự hiểu biết về sự đoạn diệt sắc chính là đoạn tận thức ăn
-
Sắc đoạn diệt Đạo trí là sự hiểu biết về con đường dẫn diệt sắc chính là sự hiểu biết về con đường bát chánh: Chánh kiến, Chánh tư duy,.......Chánh niệm, Chánh định.
-
Thọ trí là sự hiểu biết thọ chính là sáu thọ: Nhãn thọ, Nhĩ thọ, Tỷ thọ, Thiệt thọ, Thân thọ, Ý thọ.
-
Thọ Tập trí là sự hiểu biết về nguyên nhân sanh Thọ chính là duyên Xúc.
-
Thọ Diệt trí là sự hiểu biết về diệt Thọ là diệt duyên Xúc.
-
Thọ diệt Đạo trí là sự hiểu biết về con đường dẫn đến diệt Thọ là bát Chánh đạo.
-
Tưởng trí là sự hiểu biết về Tưởng chính là sáu tưởng: Sắc tưởng, Thanh tưởng, Hương tưởng, Vị tưởng, Xúc tưởng, Pháp tưởng.
-
Tưởng Tập trí là sự hiểu biết về nguyên nhân sanh Tưởng chính là duyên Xúc.
-
Tưởng Diệt trí là sự hiểu biết về diệt Tưởng chính là diệt duyên Xúc.
-
Tưởng diệt Đạo trí là sự hiểu biết về con đường dẫn đến diệt tưởng chính là bát Chánh đạo.
-
Hành trí là sự hiểu biết hành chính là Sắc tư, Thanh tư, Hương tư, Vị tư, Xúc tư, Pháp tư.
-
Hành Tập trí là sự hiểu biết về nguyên nhân sanh Hành chính duyên Xúc.
-
Hành Diệt trí là sự hiểu biết về diệt duyên Hành là diệt duyên Xúc.
-
Hành diệt Đạo trí là sự hiểu biết về con đường dẫn đến diệt Hành chính là bát Chánh đạo.
-
Thức trí là sự hiểu biết về Thức chính là Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức.
-
Thức Tập trí là sự hiểu biết nguyên nhân sanh Thức chính là duyên Danh sắc.
-
Thức Diệt trí là sự hiểu biết về diệt Thức chính là diệt duyên Danh sắc.
-
Thức diệt Đạo trí là sự hiểu biết về con đường dẫn đến diệt Thức chính là bát Chánh đạo.
Có sự khác nhau về Năm uẩn này là thuộc về quả khổ hiện tại nên Danh sắc hiện tại sanh ra Thức hiện tại. Tương tự Hành này nghiệp hiện tại do duyên Xúc sanh.
Quý vị suy tư có hai Hành: Hành hiện tại và Hành quá khứ. Có hai thức: Thức mới và Thức cũ. Có hai sanh: Sanh hiện tại chính là Danh sắc và Lục nhập và sanh tương lai. Có hai vô minh: quá khứ Vô minh sanh ra Hành và hiện tại Vô minh sanh ra Hành.
Chương mười: 44 Căn bản trí
Quá trình đi tìm hiểu về đạo Phật, tác giả chưa nghe những vị sư nào, những vị thầy nào nói về bốn mươi bốn căn bản trí. Tác giả có nhận xét rằng nếu không biết 44 căn bản trí thì khó hiểu và diệt được 12 Nhân duyên. Hơn nữa Đức Phật đã xác quyết ở cuối bài kinh "vị ấy được gọi là Thánh đệ tử đạt tri kiến, (dithisampanno) đạt kiến, đã đi đến diệu pháp này, đã thấy diệu pháp này, đã đầy đủ hữu học trí, đã đầy đủ hữu học minh, đã nhập được pháp lưu, là bậc Thánh minh đạt tuệ (nibbedhi kapanno), đã đứng gõ vào cửa bất tử. "
Như vậy bài kinh này rất quan trọng vì đức Phật đã áp dụng Tứ đế vào 11 duyên trong 12 duyên để biết nó là gì, vì sao nó tồn tại, vì sao nó diệt và có cách nào để diệt nó. Nếu không áp dụng Tứ đế thì sẽ không thể nào diệt toàn bộ 12 tên tướng này. Qúy vị tự mình suy tư và áp dụng Tứ đế vào 11 duyên để tạo 44 căn bản trí.
Nguyên văn kinh trích từ Tương ưng 2 - Nhân duyên.
1)... Ở Sàvatthi.
2). .. Này các Tỳ-kheo. Ta sẽ thuyết về bốn mươi bốn căn bản của trí cho các Ông. Hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ nói.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỳ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
3) Thế Tôn nói như sau:
-- Và này các Tỳ-kheo, thế nào là bốn mươi bốn căn bản của trí?
4) Già chết trí, già chết tập trí, già chết diệt trí, trí về con đường đưa đến già chết diệt.
5) Sanh trí, sanh tập trí, sanh diệt trí, trí về con đường đưa đến sanh diệt.
6) Hữu trí, hữu tập trí, hữu diệt trí, trí về con đường đưa đến hữu diệt.
7) Thủ trí, thủ tập trí, thủ diệt trí, trí về con đường đưa đến thủ diệt.
8) Ái trí, ái tập trí, ái diệt trí, trí về con đường đưa đến ái diệt.
9) Thọ trí, thọ tập trí, thọ diệt trí, trí về con đường đưa đến thọ diệt.
10) Xúc trí...
11) Sáu xứ trí...
12) Danh sắc trí...
13) Thức trí...
14) Hành trí, hành tập trí, hành diệt trí, trí về con đường đưa đến hành diệt.
Này các Tỳ-kheo, đây gọi là bốn mươi bốn căn bản của trí. (Trích từ kinh tương ưng 2 nhân duyên).
15) Này các Tỳ-kheo, thế nào là già chết? Cái gì thuộc về chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay bộ loại chúng sanh khác, bị già yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ đồi bại, các căn chín muồi; đây gọi là già. Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, bị một diệt, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn tàn lụn, thân thể hoại diệt, vất bỏ; đây gọi là chết. Như vậy là già, đây là chết. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là già chết.
16) Do sanh tập khởi nên già chết tập khởi. Do sanh diệt nên già chết diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành đưa đến già chết diệt; tức là chánh tri kiến... chánh định.
17) Này các Tỳ-kheo, vị Thánh đệ tử biết già chết như vậy, biết già chết tập khởi như vậy, biết già chết diệt như vậy, biết con đường đưa đến già chết diệt như vậy.
18) Ðây là pháp trí của vị ấy. Vị ấy với pháp này được thấy, được biết, được quả tức thời, được đạt đến, được thể nhập (pariyogathena) hướng dẫn thái độ (nayam) của mình đối với quá khứ và tương lai.
19) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong quá khứ đã hiểu rõ già chết, đã hiểu rõ già chết tập khởi, đã hiểu rõ già chết diệt, đã hiểu rõ con đường đưa đến già chết diệt, tất cả những vị ấy đều hiểu biết như vậy, như vậy; như hiện nay Ta vậy.
20) Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong tương lai sẽ hiểu rõ (abhijanissanti) già chết, sẽ hiểu rõ già chết tập khởi, sẽ hiểu rõ già chết diệt, sẽ hiểu rõ con đường đưa đến già chết diệt, tất cả những vị ấy sẽ hiểu biết như vậy, như vậy; như hiện nay Ta vậy. Ðây tức là tùy trí (anvaye nànam) của vị ấy.
21) Này các Tỳ-kheo, vì rằng vị Thánh đệ tử được thanh tịnh và thuần tịnh hai loại trí, pháp trí và tùy trí; này các Tỳ-kheo, vị ấy được gọi là Thánh đệ tử đạt tri kiến, (dithisampanno) đạt kiến, đã đi đến diệu pháp này, đã thấy diệu pháp này, đã đầy đủ hữu học trí, đã đầy đủ hữu học minh, đã nhập được pháp lưu, là bậc Thánh minh đạt tuệ (nibbedhi kapanno), đã đứng gõ vào cửa bất tử. (trích từ kinh tương ưng 2).
Tác giả phần tích.
Trong các bài kinh khác, Đức Phật đã áp dụng Tứ đế vào 5 uẩn, dục,.v.v.. nhưng trong 11 nhân trong 12 nhân duyên, Tứ đế đã được áp dụng vào từng duyên trong 12 duyên để biết cách phá vỡ từng duyên một.
Công thức Tứ Đế là 1-Khổ đế, 2-Khổ tập đế, 3- Khổ diệt đế, 4-Khổ diệt đạo đế.
là quả khổ, biểu thị cái gì đang hiện hữu, cái gì đang tồn tại, là các hiện tượng đang tồn tại mà 6 giác quan nhận biết được. Thông thường cái quả đã sanh ra rồi, thông thường chúng ta không biết tại sao quả có mặt.
là nguyên nhân sanh khổ hiện tại hay quả khổ trong tương lai. Thấy và biết nguyên nhân sanh ra khổ là việc rất khó. Đa số người học Phật không nhận ra được cái nhân nên đã cầu xin Bồ tát hay Phật cho hết khổ. Tất cả phải nhận ra khổ Tập bước thứ 2 sau khi đã biết quả khổ.
là diệt cái nhân sanh khổ chứ không phải diệt quả khổ. Có nhiều người học Phật hiểu lầm do không nghiên cứu về Lý Duyên diệt và các bài kinh có ví dụ về Niết Bàn. Kinh viết Lý Duyên diệt như sau:
"Một thời Thế Tôn ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Bồ-đề, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn trong bảy ngày, ngồi trong một thế ngồi Kiết-già, thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn, sau bảy ngày, ra khỏi định ấy, trong đêm canh cuối cùng, khéo thuận chiều và nghịch chiều tác ý lý duyên khởi: "Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt". Tức là duyên vô minh có các hành. Duyên các hành có thức... Duyên sanh, có già chết, sầu bi khổ ưu não. Như vậy là tập khởi của khổ uẩn này. Do đoạn diệt, ly tham, vô minh không có dư tàn, nên các hành diệt. Do các hành diệt, nên thức diệt... Như vậy là đoạn diệt của khổ uẩn này".
Điểm bắt đầu gọi là cái này chính là nguyên nhân sanh ra khổ. Điểm cuối gọi là cái kia chính là cái quả. Cái này không có thì cái kia không có, nếu nhân không có thì quả không có. Diệt khổ có nghĩa là khi nhân không có thì quả khổ không có.
Là công cụ, hay phương pháp hay con đường dẫn đến chấm dứt khổ.
Thông thường trong bài kinh này là con đường Bát Chánh đạo. Như vậy phải hiểu 8 ngành và mỗi ngành trừ diệt nhân gì. Ví dụ tà ngữ cần có ngành chánh ngữ để tiêu diệt, có nhiều dục lạc tức là tà tư duy phải cần có chánh tư duy. Tương tự cho các ngành khác.
Áp dụng bốn đế trên vào duyên già chết, sanh, hữu ... cho đến duyên hành sẽ giúp người học Phật biết cách diệt từng duyên.
C10.1: Già chết trí, già chết tập trí, già chết diệt trí, già chết diệt đạo trí.
Già chết trí là cái biết về già chết tức là biết già là gì, biết chết là gì như đã định nghĩa trong 12 nhân duyên ở phần trên.
Già chết tập trí là biết nhân sanh già chết chính là duyên sanh. Theo Lý duyên khởi, duyên sanh đứng trước duyên già chết là nhân sanh nó.
Già chết diệt trí là biết diệt nhân sanh già chết chính là diệt cái nhân sanh.
Già chết diệt đạo trí là biết con đường bát chánh để diệt duyên sanh chính là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
C10.2: Sanh trí, Sanh tập trí, Sanh diệt trí, Sanh diệt đạo trí.
Sanh trí là cái biết sanh theo định nghĩa ở trên.
Sanh tập trí là cái biết nhân sanh khởi sanh là duyên hữu.
Sanh diệt trí là cái biết diệt sanh chính là diệt nhân hữu.
Sanh diệt trí là diệt cái nhân khởi ra sanh chính diệt hữu.
Sanh diệt đạo trí là cái biết bát thánh đạo để diệt hữu .
C10.3: Hữu trí, Hữu tập trí, Hữu diệt trí, Hữu diệt đạo trí.
Hữu trí là cái biết hữu là gì như đã định nghĩa phần trên.
Hữu tập trí là cái biết nhân sanh hữu là duyên thủ.
Hữu diệt trí là cái biết diệt nhân sanh hữu chính là diệt duyên thủ.
Hữu diệt đạo trí là cái biết con đường diệt nhân thủ là bát chánh đạo.
C10.4 Thủ trí, Thủ tập trí, Thủ diệt trí, Thủ diệt đạo trí.
Thủ trí là cái biết thủ là gì như đã định nghĩa ở phần trên.
Thủ tập trí là cái biết nhân sanh thủ chính là duyên ái.
Thủ diệt trí là cái biết diệt nhân sanh thủ chính là diệt duyên ái.
Thủ diệt đạo trí là cái biết con đường diệt nhân sanh thủ chính là bát chánh đạo.
C10.5: Ái trí, Ái tập trí, Ái diệt trí, Ái diệt đạo trí.
Ái trí là cái biết ái là gì như đã định nghĩa ở phần trên.
Ái tập trí là cái biết nhân sanh ái chính là duyên thọ.
Ái diệt trí là cái biết diệt nhân ái là diệt duyên thọ.
Ái diệt đạo trí là cái biết con đường bát chánh diệt thọ.
C10.6: Thọ trí, Thọ tập trí, Thọ diệt trí, Thọ diệt đạo trí.
Thọ trí là cái biết thọ là gì như đã định nghĩa ở phần trên.
Thọ tập trí là cái biết nhân sanh thọ chính là duyên xúc.
Thọ diệt trí là cái biết diệt nhân sanh thọ là diệt duyên xúc.
Thọ diệt đạo trí là cái biết con đường diệt duyên xúc chính là bát chánh.
C10.7: Xúc trí, Xúc tập trí, Xúc diệt trí, Xúc diệt đạo trí.
Xúc trí là cái biết xúc là gì như đã định nghĩa ở phía trên.
Xúc tập trí là cái biết nhân sanh xúc chính là duyên lục nhập.
Xúc diệt trí là cái biết diệt nhân sanh xúc chính là diệt duyên lục nhập.
Xúc diệt đạo trí là cái biết con đường diệt nhân sanh xúc chính là bát chánh.
C10.8: Lục nhập trí, Lục nhập tập trí, Lục nhập diệt trí, Lục nhập diệt đạo trí.
Lục nhập trí là cái biết lục nhập (sáu nội xứ) là gì như đã định nghĩa ở phần trên.
Lục nhập tập trí là cái biết nhân sanh lục nhập chính là duyên danh sắc.
Lục nhập diệt trí là cái biết diệt nhân sanh lục nhập chính là diệt duyên danh sắc.
Lục nhập diệt đạo trí là cái biết về con đường diệt nhân sanh lục nhập chính là bát chánh đạo.
C10.9: Danh sắc trí, Danh sắc tập trí, Danh sắc diệt trí, Danh sắc diệt đạo trí.
Danh sắc trí là cái biết danh sắc là gì như đã định nghĩa ở phần trên.
Danh sắc tập trí là cái biết nhân sanh danh sắc chính là duyên thức.
Danh sắc diệt trí là cái biết diệt nhân sanh danh sắc chính là diệt duyên thức.
Danh sắc diệt đạo trí là cái biết con đường diệt nhân thức chính là bát chánh đạo.
C10.10: Thức trí, Thức tập trí, Thức diệt trí, Thức diệt đạo trí.
Thức trí là cái biết thức là gì như định nghĩa ở phần trên.
Thức tập trí là cái biết sanh thức chính là duyên hành.
Thức diệt trí là cái biết diệt nhân sanh thức chính là diệt duyên hành.
Thức diệt đạo trí là cái biết con đường diệt nhân hành chính là con đường bát chánh.
C10.11: Hành trí, Hành tập trí, Hành diệt trí, Hành diệt đạo trí.
Hành trí là cái biết hành là gì? là ý hành, khẩu hành, thân hành.
Hành tập trí là cái biết sanh ra hành là duyên vô minh.
Hành diệt trí là cái biết diệt nhân sanh hành là diệt vô minh.
Hành diệt đạo trí là cái biết con đường diệt nhân vô minh chính là bát chánh đạo.
C7.3: Thức hiện tại
Đại cương
Trong 12 nhân duyên có hai thức: Một là thức quá khứ do duyên sáu nội xứ cũ với sáu ngoại xứ cũ. Hai là thức hiện tại do duyên sáu nội xứ hiện tại với sáu ngoại xứ hiện tại. Sáu thức quá khứ đã bàn thảo trong Chương sáu: Nghiệp cũ, Chương bảy: Quả khổ hiện tại bàn về sáu thức hiện tại.Nguyên văn kinh Pali -Việt
Này các Tỳ-kheo, do duyên nào lửa sanh và lửa ấy có tên tùy theo duyên ấy: duyên củi, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa củi Duyên vỏ gỗ bào, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa vỏ bào. Duyên cỏ, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa cỏ. Duyên phân bò, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa phân bò. Duyên trấu, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa trấu. Duyên đống rác, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa đống rác. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, do duyên, thức sanh, và thức ấy có tên tùy theo duyên ấy. Do duyên mắt và các sắc, thức sanh, và thức ấy có tên là nhãn thức. Do duyên tai và các tiếng, thức sanh, và thức ấy có tên là nhĩ thức. Do duyên mũi và các hương, thức sanh, và thức ấy có tên và tỷ thức. Do duyên lưỡi và các vị, thức sanh, và thức ấy có tên là thiệt thức. Do duyên thân và các xúc, thức sanh, và thức ấy có tên là thân thức. Do duyên ý và các pháp, thức sanh, và thức ấy có tên là ý thức.
C7.3.1: Nhãn thức.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.Nhãn thức là gì? Do duyên mắt và các sắc, thức sanh, và thức ấy có tên là nhãn thức.
Tác giả phân tích.
Duyên với sắc lần thứ nhất, cảnh sắc được lưu lại ảnh trong tâm qua cơ quan mắt và duyên với cảnh sắc lần thứ hai cũng có một ảnh mới. Tâm so sánh hai ảnh giống nhau khởi ra cái biết của mắt gọi là nhãn thức. Duyên mắt và sắc sanh cái biết của mắt là vậy. Cái biết này gọi là cái biết đúng như là hoặc như đang là mà không dùng hiểu biết cũ suy diễn khi mắt thấy sắc. Nhãn thức khác với sắc tưởng, ai học Phật cần cố gắng phân biệt nhãn thức và sắc tưởng vì là hai uẩn (Tưởng, Thức) này trong 5 uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức). Nếu không phân biệt thì học Phật khó vô cùng.
Ví dụ về nhãn thức.
Này các Tỳ-kheo, do duyên nào lửa sanh và lửa ấy có tên tùy theo duyên ấy: duyên củi, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa củi;
Đức Phật dạy ví dụ trên nên hiểu như sau: Củi dụ cho mắt, lửa tượng trưng cho Thức, lửa củi là nhãn thức. Như vậy lửa ở đâu không biết nhưng có củi thì lửa phát sanh. Tương tự như vậy cái tâm ở đâu không biết nhưng khi có mắt thì cái biết biểu lộ ra qua mắt nên có tên là nhãn thức. Người học Phật thường thắc mắc lửa tắt đi về đâu hoặc tâm ở đâu. Câu trả lời do duyên với củi thì lửa sanh khi hết củi thì lửa tắt còn câu hỏi lửa đi về đâu thì không áp dụng. Tương tự duyên mắt với sắc sanh khởi nhãn thức khi mắt không có thì nhãn thức diệt. Nhãn thức sẽ không có nếu không có mắt hoặc không có sắc. Như vậy nhãn thức chỉ sanh khởi khi hội đủ mắt và sắc.
C7.3.2: Nhĩ thức.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.Nhĩ thức là gì? Do duyên tai và các thanh, thức sinh, và thức ấy có tên là nhĩ thức.
Tác giả phân tích.
Duyên với thanh lần thứ nhất, cảnh thanh được lưu lại ảnh trong tâm qua cơ quan tai và duyên với cảnh thanh lần thứ hai cũng có một ảnh mới. Tâm so sánh hai ảnh giống nhau khởi ra cái biết của tai gọi là nhĩ thức. Duyên tai và thanh sanh cái biết của tai. Cái biết này gọi là cái biết đúng như là hay như đang là mà không dùng hiểu biết cũ suy diễn khi tai nghe âm thanh. Nhĩ thức khác với thanh tưởng, ai học Phật cần cố gắng phân biệt nhĩ thức và thanh tưởng vì là hai uẩn này trong 5 uẩn. Nếu không phân biệt thì học Phật khó vô cùng.
Ví dụ về nhĩ thức. Này các Tỳ-kheo, duyên vỏ gỗ bào, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa vỏ bào.
Đức Phật dạy ví dụ trên nên hiểu như sau: Vỏ gỗ bào dụ cho tai, còn Lửa tượng trưng cho Thức, lửa vỏ bào là nhĩ thức. Như vậy lửa ở đâu không biết nhưng có vỏ bào thì lửa phát sanh. Tương tự như vậy cái tâm ở đâu không biết nhưng khi có tai thì cái biết biểu lộ ra qua tai nên có tên là nhĩ thức. Người học Phật thường thắc mắc lửa tắt đi về đâu hoặc tâm ở đâu. Câu trả lời do duyên với vỏ bào thì lửa sanh khi hết vỏ bào thì lửa tắt còn câu hỏi lửa đi về đâu không áp dụng. Tương tự duyên tai với thanh sanh khởi nhĩ thức khi tai không có thì nhĩ thức diệt. Nhĩ thức sẽ không có nếu không có tai hoặc không có âm thanh. Như vậy nhĩ thức chỉ sanh khởi khi hội đủ tai và thanh.
C7.3.3: Tỷ thức.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.Tỷ thức là gì? Do duyên Mũi và Hương, thức sinh, và thức ấy có tên là tỷ thức.
Tác giả phân tích.
Duyên với hương lần thứ nhất, cảnh hương được lưu lại ảnh trong tâm qua cơ quan mũi và duyên với cảnh hương lần thứ hai cũng có một ảnh mới. Tâm so sánh hai ảnh giống nhau khởi ra cái biết của mũi gọi là tỷ thức. Duyên mũi và hương sanh cái biết của mũi. Cái biết này gọi là cái biết đúng như là hay như đang là mà không dùng hiểu biết cũ suy diễn khi mũi ngửi hương. Tỷ thức khác với hương tưởng, ai học Phật cần cố gắng phân biệt tỷ thức và hương tưởng vì là hai uẩn này trong 5 uẩn. Nếu không phân biệt thì học Phật khó vô cùng.
Ví dụ về tỷ thức.
Này các Tỳ-kheo, duyên trấu, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa trấu.
Đức Phật dạy ví dụ trên nên hiểu như sau: Trấu dụ cho mũi, còn Lửa tượng trưng cho Thức, lửa trấu là tỷ thức. Như vậy lửa ở đâu không biết nhưng có trấu thì lửa phát sanh. Tương tự như vậy cái tâm ở đâu không biết nhưng khi có mũi thì cái biết biểu lộ ra qua mũi nên có tên là tỷ thức. Người học Phật thường thắc mắc lửa tắt đi về đâu hoặc tâm ở đâu. Câu trả lời do duyên với trấu thì lửa sanh khi hết trấu thì lửa tắt còn câu hỏi lửa đi về đâu không áp dụng. Tương tự duyên mũi với hương sanh khởi tỷ thức khi mũi không có thì tỷ thức diệt. Tỷ Thức sẽ không có nếu không có mũi hoặc không có hương. Như vậy tỷ thức chỉ sanh khởi khi hội đủ mũi và hương.
C7.3.4: Thiệt thức.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.Thiệt thức là gì? Do duyên Lưỡi và Vị, thức sinh, và thức ấy có tên là thiệt thức.
Tác giả phân tích.
Duyên với Vị lần thứ nhất, cảnh vị được lưu lại ảnh trong tâm qua cơ quan lưỡi và duyên với cảnh vị lần thứ hai cũng có một ảnh mới. Tâm so sánh với hai ảnh giống nhau khởi ra cái biết của lưỡi gọi là thiệt thức. Duyên lưỡi và vị sanh cái biết của lưỡi. Cái biết này gọi là cái biết đúng như là hay như đang là mà không dùng hiểu biết cũ suy diễn khi lưỡi nếm vị. Tỷ thức khác với vị tưởng, ai học Phật cần cố gắng phân biệt thiệt thức và vị tưởng vì là hai uẩn này trong 5 uẩn. Nếu không phân biệt được thì học Phật khó vô cùng.
Ví dụ về thiệt thức. Này các Tỳ-kheo, duyên cỏ, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa cỏ.
Đức Phật dạy ví dụ trên nên hiểu như sau: Cỏ dụ cho lưỡi, còn Lửa tượng trưng cho Thức, lửa cỏ là thiệt thức. Như vậy lửa ở đâu không biết nhưng có cỏ thì lửa phát sanh. Tương tự như vậy cái tâm ở đâu không biết nhưng khi có lưỡi thì cái biết biểu lộ ra qua lưỡi nên có tên là thiệt thức. Người học Phật thường thắc mắc lửa tắt đi về đâu hoặc tâm ở đâu. Câu trả lời do duyên với cỏ thì lửa sanh khi hết cỏ thì lửa tắt còn câu hỏi lửa đi về đâu không áp dụng. Tương tự duyên lưỡi với vị sanh khởi thiệt thức, khi lưỡi không có thì thiệt thức diệt.
Thiệt Thức sẽ không có nếu không có lưỡi hoặc không có vị. Như vậy thiệt thức chỉ sanh khởi khi hội đủ lưỡi và vị.
C7.3.5: Thân thức.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.Thân thức là gì? Do duyên thân và xúc, thức sinh, và thức ấy có tên là thân thức.
Tác giả phân tích.
Duyên với xúc lần thứ nhất, cảnh xúc được lưu lại ảnh trong tâm qua cơ quan thân và duyên với cảnh xúc lần thứ hai cũng có một ảnh mới. Tâm so sánh hai ảnh giống nhau khởi ra cái biết của thân gọi là thân thức. Duyên thân và cảnh xúc sanh cái biết của thân. Cái biết này gọi là cái biết đúng như là hay như đang là mà không dùng hiểu biết cũ suy diễn khi thân duyên với xúc. Thân thức khác với xúc tưởng, ai học Phật cần cố gắng phân biệt thân thức và xúc tưởng vì là hai uẩn này trong 5 uẩn. Nếu không phân biệt được thì học Phật khó vô cùng.
Ví dụ về thân thức. Này các Tỳ-kheo, duyên phân bò, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa phân bò.
Đức Phật dạy ví dụ trên nên hiểu như sau: Phân bò dụ cho thân, còn Lửa tượng trưng cho Thức, lửa phân bò là thân thức. Như vậy lửa ở đâu không biết nhưng có phân bò thì lửa phát sanh. Tương tự như vậy cái tâm ở đâu không biết nhưng khi có thân thì cái biết biểu lộ ra qua thân nên có tên là thân thức. Người học Phật thường thắc mắc lửa tắt đi về đâu hoặc tâm ở đâu. Câu trả lời do duyên với phân bò thì lửa sanh khi hết phân bò thì lửa tắt còn câu hỏi lửa đi về đâu không áp dụng. Tương tự duyên thân với cảnh xúc sanh khởi thân thức khi thân không có thì thân thức diệt.Thân Thức sẽ không có nếu không có thân hoặc không có xúc. Như vậy thân thức chỉ sanh khởi khi hội đủ thân và xúc.
C7.3.6: Ý thức.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.Ý thức là gì? Do duyên ý và pháp, thức sinh, và thức ấy có tên là ý thức.
Tác giả phân tích.
Duyên với pháp lần thứ nhất, cảnh pháp được lưu lại ảnh trong tâm qua cơ quan ý và duyên với cảnh pháp lần thứ hai cũng có một ảnh mới. Tâm so sánh hai ảnh giống nhau khởi ra cái biết của ý gọi là ý thức. Duyên ý và pháp sanh cái biết của ý. Cái biết này gọi là cái biết đúng như là mà không dùng hiểu biết cũ suy diễn khi ý duyên với pháp. Ý thức khác với pháp tưởng, ai học Phật cần cố gắng phân biệt ý thức và pháp tưởng. Nếu không phân biệt thì học Phật khó vô cùng.
Ví dụ về ý thức. Này các Tỳ-kheo, duyên đống rác, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa đống rác.
Đức Phật dạy ví dụ trên nên hiểu như sau: Đống rác dụ cho ý, còn Lửa tượng trưng cho Thức, lửa đống rác là ý thức. Như vậy lửa ở đâu không biết nhưng có đống rác thì lửa phát sanh. Tương tự như vậy cái tâm ở đâu không biết nhưng khi có ý thì cái biết biểu lộ ra qua ý nên có tên là ý thức. Người học Phật thường thắc mắc lửa tắt đi về đâu hoặc tâm ở đâu. Câu trả lời do duyên với đống rác thì lửa sanh, khi hết đống rác thì lửa tắt còn câu hỏi lửa đi về đâu không áp dụng. Tương tự duyên ý với pháp sanh khởi ý thức khi ý không có thì ý thức diệt.
Ý Thức sẽ không có nếu không có ý hoặc không có pháp. Như vậy ý thức chỉ sanh khởi khi hội đủ ý và pháp.
C7.3.8 Kết luận về duyên Thức.
Thức phát sinh do duyên sáu nội xứ và sáu ngoại xứ. Duyên này rất quan trọng. Nếu những người học Phật không rõ biết duyên Thức thì xem như không hiểu toàn bộ Giáo Pháp mà Đức Phật đã dạy. Tự tâm không tồn tại được mà tâm cần duyên cả hai (nội xứ và ngoại xứ) thì Thức mới hình thành nhưng nhiều người lầm tưởng Thức tự đứng độc lập. Thức là những hạt giống gồm có hạt giống thiện và hạt giống ác. Vì vậy khi sáu nội xứ nhập sáu ngoại xứ phát sanh ra sáu cái biết tức thì biến thành những hạt giống phát triển thành những quả chín muồi. Đây là những thành quả hiểu biết của con người về những gì đã nhập tạo thành trí tuệ về nhiều lãnh vực khác nhau liên hệ về thiện và ác. Có trí tuệ sáng chế vũ khí, hiểu biết về binh pháp như Tôn Tử Binh Pháp thuộc về ác. Có trí tuệ do nhập vào và phát triển thành trí tuệ chín muồi liên đến thiện như trí tuệ về biết cách xây cầu, xây nhà v.v.. thuộc về thiện. Tuy nhiên những trí tuệ như thế không giúp con người thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết mà cứ luân hồi lâu dài. Có một trí tuệ siêu việt giúp con người hết khổ đau nữa mà cần nhập vào mắt để phát triển viên mãn chính là Tứ Thánh đế, Lý Duyên khởi và bát Thánh đạo. Nhưng có rất nhiều người trong Phật giáo không quan tâm đến trí tuệ siêu việt này để thoát khỏi tam giới mà chạy theo những sự hiểu biết bao la như lá trong rừng và cho rằng chúng sẽ giúp con người thoát khỏi khổ đau. Đây là những sai lầm lớn nhất của những Phật tử có niềm tin vào một trí tuệ khác sẽ chấm dứt khổ đau như vậy hoàn toàn không có.Bây giờ chúng sanh vô minh vẫn tin vào những gì do con người sáng tạo và tưởng tượng có hàng ngàn cách tu khác nhau có thể chấm dứt khổ. Đức Phật đã tuyên bố như sau:
"Cũng vậy, này Bà-la-môn, trong khi có mặt Niết-bàn, trong khi có mặt con đường đi đến Niết-bàn, và trong khi có mặt Ta là bậc chỉ đường. Nhưng các đệ tử của Ta, được Ta khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh đích Niết-bàn, một số không chứng được. Ở đây, này Bà-la-môn, Ta làm gì được? Như Lai chỉ là người chỉ đường."
C7.3.8 Nghiệp là thửa ruộng, thức là hạt giống, ái là sự nhuận ướt.
Nguyên văn từ kinh Pali - Việt từ kinh Tăng chi ba pháp.76.- Hiện Hữu
1. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Hữu, hữu, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được xem là có hữu?
- Này Ananda, nếu không có hành động (nghiệp) và sự chín muồi của dục giới thời dục hữu có thể trình bày được không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Như vậy, này Ananda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới thấp kém. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ananda, hữu có mặt.
2.- Và này Ananda, nếu không có hành động và sự chín muồi của sắc giới, thời sắc hữu có thể trình bày được không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Như vậy, này Ananda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới bậc trung. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ananda, hữu có mặt.
3.- Và này Ananda, nếu không có hành động và sự chín muồi của vô sắc giới, thời vô sắc hữu có thể trình bày được không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Như vậy, này Ananda, nghiệp là thửa ruộng, thức là hột giống, ái là sự nhuận ướt. Chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái trói buộc, nên thức được an lập trong giới bậc thù thắng. Như vậy, trong tương lai có sự tái sanh sanh khởi. Như vậy, này Ananda, hữu có mặt.
Tác giả phân tích.
Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp khi được thâu vào tâm qua sáu nội xứ biến thành 6 thức là sáu hạt giống. Những thông tin bất thiện hoặc thiện được vào tâm sẽ biến thành những hạt giống thiện hoặc hạt giống bất thiện. Vì vậy lúc còn trẻ mà thâu vào những hạt giống bất thiện thì về sau sẽ trổ ra những quả bất thiện. Nếu lúc trẻ mà thâu vào những hạt giống thiện thì đời này hay đời sau sẽ có những quả thiện.
Nếu sắc là ký tự, là văn tự như những kinh sách được viết lại bằng những mẫu tự A, B, C.v.v.. có thể chia làm hai loại: Văn tự kinh giải thoát và văn tự kinh không giải thoát.
C7.3.8.1 Văn tự kinh không giải thoát.
Những lời trong kinh thường phải biểu thị những sự vật hay những trạng thái có thật nhưng văn tự kinh chỉ viết ra những văn tự không biểu thị những sự thật đang có. Như vậy sự hiểu biết sẽ là những hạt giống lép hay xấu không thể giúp cho chúng sanh giải thoát được. Loại kinh sách này do tưởng tượng viết ra văn tự rất nhiều ở Việt nam và Thế giới. Từ ngày đầu tiên vào Sài gòn khoảng tháng 7/1973 cho đến tháng 1/2021. Tác giả đã đọc đủ kinh sách thuộc về tôn giáo hay thuộc về thế gian mà chúng thuộc loại hạt giống không đưa đến giải thoát và cũng có loại hạt giống đưa đến giải thoát. Tự mỗi hành giả xem xét mình sau khi nhập những hạt giống kinh đó mà tham, sân, si không hoàn toàn diệt là biết được hành giả đã nhập toàn là những hạt giống xấu nên từ bỏ những kinh sách thuộc loại hạt giống không chấm dứt khổ đau.Ngày nay có nhiều kinh sách hay video giảng toàn là những hạt giống không dẫn đến giải thoát. Tại sao như vậy? Theo Lý Duyên khởi là do duyên Vô minh và Hành thuộc quá khứ của chúng sanh nên sanh ra trong thời đại này. Họ chỉ thích theo tà đạo hay theo tà kiến để luân hồi.
C7.3.8.2 Văn tự kinh đưa đến giải thoát.
Những lời trong kinh phải biểu thị những gì có thật trên đời này và mọi người có thể kiểm chứng hoặc chứng nghiệm được. Ví dụ Đức Phật nói Khổ, nói khổ Tập, nói khổ Diệt, nói khổ diệt Đạo. Có nghĩa là những văn tự này đang biểu thị bốn sự thật mà mọi người có thể chứng nghiệm được. Nhưng rất tiếc chúng sanh thời nay vô minh nhiều nên chỉ có một số theo Chánh kiến là biết rõ Tứ Thánh đế. Đa số không tin Tứ Thánh đế là tối thượng nên chạy theo những gì mà Đức Phật không thuyết. Vì do nghiệp cũ của họ nên sanh ra quả tà kiến hiện tại. Họ chỉ học tà kiến vì phù hợp với họ.Những văn tự kinh nhập vào tâm qua mắt hay qua tai phải là Tứ Thánh đế mà khổ Tập là 12 nhân duyên và khổ diệt Đạo đế là Bát Thánh đạo. Đây là những hạt giống sẽ chín muồi và giúp chúng sanh thoát khỏi khổ đau và chấm dứt luân hồi.
Chia buồn cho những ai vô tình hay cố ý nhập kinh văn vào tâm qua mắt hay qua tai là những hạt giống đi luân hồi. Tự mỗi người cố gắng suy tư Thức là hạt giống, Nghiệp là thửa ruộng, Ái là nhuận ướt sẽ giúp hiểu được tác giả muốn nói gì.