C12.1 Chánh tri kiến.
Đại cương
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Ở đây, này các Tỳ-kheo, chánh kiến đi hàng đầu. Và như thế nào, này các Tỳ-kheo, là chánh kiến đi hàng đầu? Tà kiến, này các Tỳ-kheo, do chánh kiến làm cho tiêu diệt. Và những ác bất thiện pháp được tà kiến duyên khởi, các pháp ấy bị tiêu diệt trong vị có chánh kiến. Và những thiện pháp được chánh kiến duyên khởi, các pháp ấy được tu tập và trở thành viên mãn. (trích từ Đại kinh Bốn mươi số 117).
Tác giả phân tích.
Tà kiến là nguyên nhân sanh khởi khổ nên tu tập chánh kiến thì trừ diệt được tà kiến. Nếu chánh kiến hiện hữu thì tà kiến mất. Nếu không tu tập chánh kiến thì tà kiến luôn luôn sanh khởi.
Một định nghĩa khác về Chánh kiến nữa trong kinh Trung bộ số 141 viết như sau:
Thế nào là Chánh tri kiến?
Này chư Hiền, tri kiến về Khổ, tri kiến về Khổ tập, tri kiến về Khổ diệt, tri kiến về Khổ diệt đạo. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh tri kiến.
Thế nào là minh?
Một định nghĩa khác về Minh trong kinh Tương ưng 5 viết như sau:
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana, chỗ Vườn Nai.
Rồi một Tỳ-kheo... ngồi xuống một bên.
Ngồi một bên, Tỳ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
-- "Minh, minh", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Bạch Thế Tôn, thế nào là minh? Và cho đến như thế nào là đi đến minh?
Này Tỳ-kheo, chính là rõ biết Khổ, rõ biết Khổ tập, rõ biết Khổ diệt, rõ biết Con Ðường đưa đến Khổ diệt. Này Tỳ-kheo, đấy gọi là minh. Cho đến như vậy là đi đến minh.
Do vậy, này Tỳ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
Tác giả phân tích.
Minh và Chánh tri kiến là đồng nghĩa, tuy nhiên từ dùng có khác nhau nhưng nội dung giống nhau. Trước khi đi sâu vào định nghĩa Chánh tri kiến, chúng ta cần tìm hiểu Thức là gì. Nếu người học Phật không tìm hiểu từ ngữ Thức trong kinh Nikaya cho rốt ráo cho dù người học Phật có đọc hết 5 bộ kinh đi nữa cũng không tu tập được.
Thức do duyên 6 nội xứ và 6 ngoại xứ theo định nghĩa trong kinh Đoạn tận ái.
● Nhãn thức do duyên mắt và duyên sắc.
● Nhĩ thức do duyên tai và duyên thanh.
● Tỉ thức do duyên mũi và duyên hương.
● Thiệt thức do duyên lưỡi và duyên vị.
● Thân thức do duyên thân và duyên xúc.
● Ý thức do duyên ý và duyên pháp.
● Thức là dịch từ tiếng tàu, có nghĩa là biết.
Theo sự quan sát người viết cái biết sanh khởi theo thứ tự: 1-Mắt chỉ là bộ phận là phương tiện để Tâm biểu lộ ra ngoài qua mắt và có nhiệm vụ thâu hình ảnh cảnh sắc đưa vào tâm gọi là ảnh sắc lưu trong tâm lần thứ nhất 2-Sau khi đã lưu giữ ảnh sắc rồi lần thứ hai gặp cảnh sắc và so sánh giống nhau giữa ảnh sắc cũ và ảnh cảnh sắc vừa thấy sẽ phát sanh ra cái biết của mắt.
Từ ngữ rõ biết được giải thích như dưới đây:
Thức là biết một phần của cảnh sắc lúc ban đầu, còn rõ biết là biết đầy đủ từ lúc sanh đến lúc diệt. Biết rõ chỉ thuần quan sát và ghi nhận sự vật thông qua mắt hay qua tai ... qua ý mà không suy diễn hay không tưởng tri, còn rõ biết là biết sự vật qua bốn giai đoạn sanh, trụ, hoại, diệt do sự quan sát và ghi nhận.
C12.1.1: Rõ biết khổ.
Rõ biết là một động từ cần có một danh từ theo sau là sự khổ nhưng khổ là quả là cái gì hình thành rồi. Có tất cả tám cái khổ như đã nói trong chương hai nhưng cần phân biệt khổ do nghiệp quá khứ tạo thành và do nghiệp mới đã tạo trong kiếp sống hiện tại.
Khổ căn bản như sanh, già, bệnh, chết do nghiệp quá khứ tạo thành không có nghi ngờ còn những cái khổ như ái biệt ly, ghét mà gặp, cầu bất đắc có thể do nghiệp quá khứ hay do nghiệp hiện tại. Nếu xét rằng mình không tạo nghiệp trong kiếp này mà có những quả khổ như vậy suy ra biết được do quá khứ nên chấp nhận còn nếu biết đã tạo nghiệp hiện tại thì quả khổ trổ ra cũng nên chấp nhận. Khổ có thể chứng nghiệm gián tiếp qua mắt như thấy những người chung quanh mình đau khổ hoặc tự bản thân trải nghiệm khổ. Nếu đã chứng nghiệm khổ rồi nên suy tư từ đâu có những quả khổ bất công hoặc có những may mắn bất ngờ thì Đức Phật chỉ cho con người chân lý thứ hai gọi là Khổ tập Thánh đế.
C12.1.2: Rõ biết nguyên nhân khổ.
Có hai nguyên nhân sanh khổ: Nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại.
● Nghiệp quá khứ đã được trình bày trong chương sáu nhưng trong chương 12 bàn sơ lược.
Có thể biểu thị bằng những mũi tên dễ hiểu như dưới đây.
Vô minh ➤ Hành ➤ Thức ➤ Danh Sắc ➤ Lục nhập ➤ Xúc ➤ Thọ
Như vậy những nhân sinh cảm thọ khổ là duyên Xúc, Lục nhập, Danh sắc, Thức, Hành, Vô minh. Quả khổ hay quả lạc mà loài người đang hưởng không có đơn giản phụ thuộc nhiều duyên rất phức tạp nhưng có Thế Tôn Gotama đã khám phá và đã chỉ lại nên người học Phật không vất vả đi tìm kiếm nữa. Bây giờ hãy tìm hiểu rốt ráo về những duyên vừa nêu trên, đã nói trong chương sáu và chương bảy. Ngày nào chưa biết những cảm thọ hạnh phúc hay đau khổ do đâu mà sanh cho dù quý vị có đọc bao nhiêu sách vở cũng không chấm dứt khổ.
● Nghiệp hiện tại cũng đã nói trong chương 8, quý vị quay về đọc cho kỹ còn ở đây tóm tắt.
● Có thể biểu thị bằng mũi tên dễ hiểu hơn.
Ái ➤Thủ ➤ Hữu ➤ Sanh ➤Già chết, sầu bi, khổ ưu não.
Như vậy nghiệp hiện tại có các duyên như Ái, thủ, hữu sẽ sanh quả khổ tương lai sanh, già chết sầu bi khổ ưu. Nghiệp hiện tại (nghiệp mới) rất khó thấy, khó nhận diện, rất vi tế do vậy người học Phật phải lo nhận diện nó sau đó mới diệt nó. Điều này nan giải cho những người tu Phật ngày nay, nhất là hàng cư sĩ khó nhận diện Ái là nhân sanh khổ còn hàng tu sĩ không hơn gì hàng cư sĩ mặc dù đã từ bỏ đời sống gia đình sống không gia đình nhưng khi vào chùa bị truyền thống chi phối rất nặng cũng như bị danh vọng, lợi dưỡng, cung kính cho nên ba con rắn độc tham, sân, si chi phối và điều khiển đã làm con người sống vào thời đại vật chất phong phú không thoát khỏi đau khổ trong vòng luân hồi.
Nghiệp hiện tại trổ ra ba thời, hiện tại, sau khi chết, sau đó một lần nữa nhưng bất định khi chưa thoát khỏi vòng luân hồi. Trong kinh Nikaya cho biết rằng đã tạo nghiệp khi đang sống kiếp hiện tại này sau khi chết có thể rơi vào địa ngục, khi trả quả địa ngục xong lên làm thân người lại trả một lần nữa. Như ngài Mục Kiền Liên đã tạo nghiệp bất hiếu giết cha mẹ đã bị đọa vào địa ngục nhiều ngàn năm, trăm ngàn năm trong địa ngục cho đến khi chứng bậc Thánh A la hán mà còn phải trả dư tàn sót lại trước khi nhập Niết Bàn. Ngài đã bị ngoại đạo chém ngài và thân ngài bị xé ra nhiều mảnh nhưng chưa chết và đã giữ thân về gặp Phật xong mới nhập Niết Bàn. Ngài là đại Thánh thanh văn có đệ nhất thần thông nhưng nghiệp trổ rồi không sao tránh khỏi quả báo.
Để thấy Ái là nhân sanh khổ tương lai có nghĩa sau khi chết, cần quan sát duyên thọ nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm sẽ biết và giác ngộ ra rằng thọ lạc làm cho cho con người dính mắc và thọ khổ làm cho con người thoát ra sự dính mắc. Nếu có ai giác ngộ rằng tất cả những sự vật trên thế gian có những cảm thọ hạnh phúc sau đó sẽ có cảm thọ những đau khổ theo sau. Quý vị thoát khỏi sự ràng buộc dính mắc thọ lạc và giải thoát còn nếu không giác ngộ khi có thọ lạc sẽ sanh ra sự dính mắc và đi luân hồi.
Giác ngộ duyên thọ thì duyên Ái sẽ diệt thì dẫn đến Thủ diệt rồi sẽ dẫn đến Hữu diệt rồi sẽ dẫn đến Sanh diệt, sẽ dẫn đến già chết, sầu bi, khổ ưu não diệt. Tóm lại Ái diệt không sanh lại thì mới hết khổ còn sanh lại phải khổ. Người tu Phật cố gắng nhận diện Ái là tướng cướp xong diệt Ái (tướng cướp) sẽ hết khổ. Vì vậy đế thứ ba về diệt khổ chỉ cho con người biết diệt khổ là gì.
C12.1.3: Rõ biết diệt khổ.
Có nhiều người hiểu sai về từ "DIỆT KHỔ" do vì không phân biệt sự khác nhau giữa nhân (tập) và khổ (quả). Do đó tưởng rằng khi có quả khổ mà lo diệt như đi chùa cầu trời, cầu Phật, cầu bồ tát, đi kiếm những người khác cứu mình v.v.. Điều này sai hoàn toàn vì thiếu hiểu biết Lý nhân quả nên những hiện tượng cầu xin, van xin thường xảy ra. Nếu hiểu biết lý duyên khởi "CÁI NÀY SANH, CÁI KIA SANH" thì quả khổ sanh do con người đã tạo cái này (nghiệp) thì tự động có cái kia sanh tức là quả khổ. Người học Phật muốn diệt khổ hay hết khổ là diệt cái này (nhân) thì cái kia (khổ) sẽ hết. Nhưng do vô minh đã tạo nhân (nghiệp) khi đủ duyên trổ ra khổ rồi có cầu ai cũng vô ích. Như vậy biết cách hết khổ là tiệu diệt nhân tham, diệt nhân sân, diệt nhân si bằng phương pháp hay con đường Bát chánh dẫn đến diệt khổ trong mục kế tiếp.
C12.1.4: Rõ biết con đường diệt khổ.
Đức Phật dạy những phương pháp hay những con đường có mục đích để đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si hay đoạn tận 10 kiết sử. Có tất cả bảy phương pháp hay bảy con đường để diệt tham, diệt sân, diệt si. Trong tập sách nói hai con đường là Thánh Đạo tám ngành và Tứ niệm xứ còn năm con đường kia người học Phật vào đọc kinh tương 5 chỉ dạy khá rõ ràng. Thật sự tu tập Thánh đạo Tám ngành sẽ diệt tất cả 10 kiết sử. Vì tác giả có nhận xét từ ngày đầu Đức Phật chuyển Pháp Luân đã giới thiệu Thánh Đạo tám ngành và cho đến vài giờ trước khi nhập Niết Bàn vẫn nhắc đến Bát Thánh đạo có bốn bậc Thánh. Do đó chọn Thánh Đạo tám ngành tu tập là hợp lý nhất do phù hợp cho tất cả mọi người muốn tu giải thoát.
C12.1.5 Kết Luận về Chánh tri kiến.
Chánh tri kiến đứng đầu trong bát Thánh đạo rất quan trọng, người học Phật cố gắng tìm hiểu cho rốt ráo về Tứ Thánh đế thì khổ đau chỉ còn bảy kiếp luân hồi thôi. Dù ai tu cỡ nào mà không có Chánh tri kiến như đã được nói trong kinh Pali - Việt thì xem như công trình tu tập trở thành vô dụng. Vì vậy những ai hữu duyên với cuốn sách này hãy cố gắng rõ biết Bốn Chân Lý mà Đức Phật đã thuyết trong kinh Chuyển Pháp Luân.