C11.4 Bậc Thánh A la hán
Cần phải đoạn tận năm hạ phần kiết sử: Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham, sân và năm thượng phần kiết sử: Ái sắc giới. Ái vô sắc giới, mạn, trạo cử, vô minh. Tâm hành giả đã biết không còn 10 kiết sử gọi là chứng ngộ A la hán. Sau khi thân hoại mạng chung thì nhập Niết bàn và không còn tái sanh lại bất cứ hình thức nào trong tam giới. Có nhiều quan điểm trong Phật giáo cho rằng vị Thánh A la hán phát nguyện ở lại thế gian và độ chúng sanh sau đó sẽ thành Phật A La Hán Chánh đẳng giác. Đây là quan điểm sai lầm, quý vị cần phải tìm hiểu lý duyên khởi trong kinh tương ưng 2, nếu không muốn tái sanh vào địa ngục do chấp quan điểm sai lầm dù có nhân danh tôi là Phật tử đã quy y tam bảo.
C11.4.1 Đoạn tận năm hạ phần kiết sử như bậc Thánh bất lai.
Xem phần đoạn tận năm hạ phần kiết sử ở trên.
C11.4.2 Đoạn tận năm thượng phần kiết sử.
Đoạn tận năm thượng phần kiết sử không quan trọng lắm, theo kinh Nikaya, những vị nào đã chứng bậc Thánh bất lai sanh vào cõi sắc giới hưởng hết tuổi thọ rồi nhập Niết Bàn.
Vì vậy việc tìm hiểu năm thượng phần kiết sử cũng khó.
Không dính mắc hay trói buộc vào sắc giới (bốn tầng thiền), biết những hỉ lạc các cõi trời như vậy không bám vào nó vì nó hữu vi rồi biến hoại nên giải thoát. Không dính mắc vào bốn tầng thiền vô sắc giới, biết chúng hữu vi, biến hoại nên không bám chặt nó nên tâm không chấp thủ. Mạn không còn so sánh hơn người hay bằng người hay thua người. Không còn Trạo cử là không còn lao chao, hoàn toàn định tĩnh. Vô minh chấm dứt vì đã biết rõ lậu hoặc, biết rõ nguyên nhân lậu hoặc, biết rõ diệt lậu hoặc, biết rõ con đường dẫn đến diệt lậu hoặc.
C11.5 Chứng bậc Thánh A La Hán đồng nghĩa Sanh đã tận.
Trong kinh kinh Tương Ưng 2 - Thiên Nhân duyên nói về ý nghĩa sanh đã tận xin trích dẫn sau đây:
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
1) ... Trú ở Sàvatthi.
2) Rồi Tỳ-kheo Kalàra Khattiya (dòng Sát-đế-lỵ) đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sàriputta những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tỳ-kheo Kalàra Khattiya nói với Tôn giả Sàriputta:
-- Này Hiền giả Sàriputta, Tỳ-kheo Moliyaphagguna đã từ bỏ học tập và hoàn tục.
-- Vậy vị Tôn giả ấy, không tìm được sự an ủi trong Pháp và Luật này?
4) -- Vậy Tôn giả Sàriputta đã đạt được sự an ủi trong Pháp và Luật này?
-- Này Hiền giả, tôi không có nghi ngờ gì!
5) -- Này Hiền giả, còn đối với tương lai?
-- Tôi không có băn khoăn, này Hiền giả.
6) Rồi Tỳ-kheo Kalàra Khattiya từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
7) Ngồi xuống một bên, Tỳ-kheo Kalàra Khattiya bạch Thế Tôn:
-- Con được biết, bạch Thế Tôn, Tôn giả Sàriputta tuyên bố được chánh trí như sau: "Sanh đã tận; Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm; không còn trở lại trạng thái này nữa".
8) Rồi Thế Tôn gọi một Tỳ-kheo:
-- Này Tỳ-kheo, hãy đi và nhân danh Ta, gọi Sàriputta: "Hiền giả Sàriputta, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả".
9) -- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tỳ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, nói với Tôn giả Sàriputta: "Bậc Ðạo Sư cho gọi Hiền giả".
10) -- Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Sàriputta vâng đáp Tỳ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
II
11) Thế Tôn nói với Tôn giả Sàriputta đang ngồi một bên:
-- Này Sàriputta, có đúng sự thật chăng là Ông có tuyên bố đã chứng được chánh trí: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa"?
-- Bạch Thế Tôn, không phải với những câu ấy, với những chữ ấy, ý nghĩa ấy được con nói đến như vậy.
12) -- Vậy với pháp môn nào, này Sàriputta, Thiện nam tử nói đến sự chứng đắc trí, lời tuyên bố cần phải được xem đúng như lời tuyên bố.
13) -- Bạch Thế Tôn, chính con đã nói như sau: "Bạch Thế Tôn, không phải với những câu ấy, với những chữ ấy, ý nghĩa ấy được con nói đến như vậy".
14) -- Nếu họ có hỏi Ông, này Sàriputta: "Ông biết như thế nào, này Sàriputta, Ông thấy như thế nào mà Ông tuyên bố trí đã được chứng đắc: 'Ta biết sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui lại trạng thái này nữa'?" Ðược hỏi vậy, này Sàriputta, Ông trả lời như thế nào?
15) -- Nếu họ có hỏi con, bạch Thế Tôn: "Hiền giả biết như thế nào, này Hiền giả Sàriputta, Hiền giả thấy như thế nào mà tuyên bố trí đã được chứng đắc: 'Ta đã biết, sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lại trạng thái này nữa'?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau:
16) "Vì rằng này Hiền giả, trong (danh từ) tận diệt, ta hiểu được là sự tận diệt của nhân, chính do nhân ấy sanh sanh khởi. Sau khi hiểu được nghĩa tận diệt trong (danh từ) tận diệt, ta mới biết: 'Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa."
Ðược hỏi như vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
17) -- Này Sàriputta, nếu Ông được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, sanh lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?" Ðược hỏi như vậy, này Sàriputta, Ông trả lời như thế nào?
18) -- Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, sanh lấy gì làm nhân... (như trên)... lấy gì làm hiện hữu?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau: "Sanh lấy hữu làm nhân, lấy hữu tập khởi, lấy hữu tác sanh, lấy hữu làm hiện hữu". Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
19) -- Này Sàriputta, nếu Ông được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, hữu lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?" Ðược hỏi vậy này Sàriputta, Ông trả lời như thế nào?
20) -- Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, hữu lấy gì làm nhân... lấy gì làm hiện hữu?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau: "Hữu lấy thủ làm nhân, lấy thủ tập khởi, lấy thủ tác sanh, lấy thủ làm hiện hữu". Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
21) -- Này Sàriputta, nếu Ông được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, thủ lấy gì làm nhân... (như trên)..".
22-23) -- Và này Sàriputta, nếu Ông được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, ái lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu?" Ðược hỏi vậy, này Sàriputta, Ông trả lời như thế nào?
24) -- Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, ái lấy gì làm nhân, lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì hiện hữu?". Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con sẽ trả lời như sau: "Này Hiền giả, ái lấy thọ làm nhân, lấy thọ tập khởi, lấy thọ tác sanh, lấy thọ làm hiện hữu". Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
25) -- Này Sàriputta, nếu Ông được hỏi: "Làm sao, này Hiền giả Sàriputta, Hiền giả biết như thế nào, Hiền giả thấy như thế nào, cảm thọ diệu lạc ấy không tồn tại?" Ðược hỏi vậy, này Sàriputta, Ông trả lời như thế nào?
26) -- Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi: "Này Hiền giả Sàriputta, Hiền giả biết như thế nào, Hiền giả thấy như thế nào, cảm thọ diệu lạc không tồn tại?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau:
27) "Này Hiền giả, có ba cảm thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, phi khổ phi lạc thọ. Này Hiền giả, ba cảm thọ này vô thường, khi biết được cái gì vô thường là khổ, thời cảm thọ diệu lạc ấy không tồn tại".
Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
28) -- Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Pháp môn (phương tiện) này, này Sàriputta, có thể trả lời tóm tắt như sau: Cái gì được cảm thọ, cái ấy nằm trong đau khổ.
29) -- Này Sàriputta, nếu Ông được hỏi: "Hiền giả được giải thoát như thế nào, này Hiền giả Sàriputta, mà Hiền giả tuyên bố trí đã được chứng đắc: 'Ta biết: Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa'?" Ðược hỏi vậy, này Sàriputta, Ông trả lời như thế nào?
30) -- Bạch Thế Tôn, nếu con được hỏi: "Hiền giả được giải thoát như thế nào, này Hiền giả Sàriputta, mà Hiền giả tuyên bố trí đã được chứng đắc: 'Ta biết: Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa'?" Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như sau:
31) "Do tự giải thoát, chư Hiền giả, do đoạn diệt tất cả chấp thủ, ta sống an trú chánh niệm như vậy. Nhờ sống an trú chánh niệm như vậy, các lậu hoặc không còn tiếp tục rỉ chảy, và ta không chấp nhận tự ngã".
Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời như vậy.
32) -- Lành thay, lành thay, này Sàriputta! Pháp môn (phương tiện) này, này Sàriputta, có thể trả lời tóm tắt như sau: Những cái gì được vị Sa-môn gọi là lậu hoặc, ta không còn nghi ngờ gì nữa, chúng đã được ta diệt tận. Ta không còn phân vân gì nữa.
33) Nói vậy xong, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy đi vào tịnh xá.
Tác giả phân tích.
Khi một vị đã chứng A La hán tuyên bố: ""Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa"?
Có nghĩa là vị này phải giác ngộ Lý Duyên khởi tức là giác ngộ 12 Nhân Duyên. Ngày nay có những nhà tu không học hoặc không chịu tìm hiểu Lý Duyên khởi cho rốt ráo thì thử hỏi các vị đó có thoát khỏi sanh tử hay không? Theo tác giả dù có tu muôn kiếp cũng không bao giờ thoát khỏi luân hồi mặc dù nhân danh mình là đệ tử của Thế Tôn Gotama. Vì 12 Nhân duyên là con đường xưa cũ mà các vị Chánh Đẳng Giác xưa và nay đều phải bước trên con đường này. Chúng ta là ai mà không bước theo các Ngài. Do đó Phần III đã bàn kỹ về Lý Duyên khởi nên những người nào muốn thoát khỏi dục giới, sắc giới, vô sắc giới cần phải biết và chứng nghiệm Lý Duyên khởi và Lý duyên diệt thì may ra thoát được sanh tử.
C11.6 Kết luận về Chương 11.
Chương này cho biết sự chứng ngộ diệt khổ là tâm hành giả biết rõ những kiết sử không còn khởi lên trong tâm hành giả gọi là chứng ngộ Diệt khổ. Ngày nào còn kiết sử trong tâm thì không có chứng ngộ sẽ phải luân hồi. Người tu tập Phật cần nhận diện 10 kiết sử trên hay đơn giản là sáu ái (sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái) hay dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Để 10 kiết sử (tham, sân, si) hay sáu ái biến mất không phải ngồi tụng kinh hay cầu nguyện hay cầu xin ai đó cho hết tham, sân, si. Chuyện đó không tưởng, không bao giờ xảy ra. Như vậy cần thực hành bát Thánh đạo, chắc chắn mười kiết sử hay tham sân si sẽ biến mất. Chương 12 sẽ nói chi tiết về bát Thánh Đạo để thực hành và chấm dứt mười kiết sử hoàn toàn.