C11.1 Bậc Thánh thứ nhất (Dự lưu).
Cần phải đoạn tận ba hạ phần kiết sử: Thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Tâm hành giả đã không còn thân kiến, không còn nghi, không còn giới cấm thủ gọi là chứng ngộ bậc Thánh dự lưu còn tái sanh lại tối đa 7 lần rồi nhập Niết Bàn.
C11.1.1 Thế nào là không thân kiến?
Dưới đây là đoạn trích từ kinh Tương ưng ba - Năm uẩn nói về không thân kiến.
Bài kinh 1
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
19) Ở đây, này Gia chủ, vị đa văn Thánh đệ tử hiểu rõ các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, hiểu rõ các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy không bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của ta" khi sắc biến hoại, đổi khác; nên không do sắc biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
20) Không quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ. Vị ấy không bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta" khi thọ biến hoại, đổi khác; nên không do thọ biến hoại, đổi khác, mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
21) Không quán tưởng như là tự ngã, hay tự ngã như là có tưởng, hay tưởng ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong tưởng. Vị ấy không bị ám ảnh: "Tưởng là ta, tưởng là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Tưởng là ta, tưởng là của ta" khi tưởng biến hoại, đổi khác; nên không do tưởng biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
22) Không quán các hành như là tự ngã, hay tự ngã như là có hành, hay các hành ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong các hành. Vị ấy không bị ám ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta" khi các hành biến hoại, đổi khác; nên không do các hành biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
23) Không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy không bị ám ảnh: "Thức là ta, thức là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Thức là ta, thức là của ta" khi thức biến hoại, đổi khác; nên không do thức biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
24) Như vậy, này Gia chủ, là thân có bịnh, nhưng tâm không có bịnh.
25) Tôn giả Sàriputta thuyết như vậy, gia chủ Nakulapità hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Sàriputta thuyết.
Tác giả phân tích.
Thân kiến sẽ biến mất, nếu biết quán 12 nhân duyên bắt đầu từ duyên Lục Nhập, Thức, Xúc, Thọ, Ái vì thân kiến thành hình từ các duyên đó. Có một bài kinh khác nữa giải thích cũng dễ hiểu nữa xin trích ra đây để tham khảo cho rõ ràng hơn.
Bài kinh 2.
Nguyên văn từ kinh Tương Ưng ba - Năm uẩn.
2) Dầu cho, này các Tỳ-kheo, các pháp được Ta giải thích, thuyết giảng như vậy, nhưng ở đây có Tỳ-kheo khởi lên suy nghĩ sau đây: "Biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?
★ Quán sắc như là tự ngã, sự quán như vầy là hành.
13-16) Này các Tỳ-kheo, biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức? Ở đây, này các Tỳ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, sự quán như vầy là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỳ-kheo, cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Từ khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Thọ ấy... xúc ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, do thấy vậy, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
★ Có thể không quán sắc như là tự ngã, nhưng có thể quán tự ngã như là có sắc.
17) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, nhưng có thể quán tự ngã như là có sắc. Sự quán ấy, này các Tỳ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỳ-kheo, cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... xúc ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỳ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
★ Nhưng có thể quán sắc ở trong tự ngã.
18) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, không quán tự ngã như là có sắc, nhưng có thể quán sắc ở trong tự ngã. Quán ấy, này các Tỳ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỳ-kheo, cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... xúc ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỳ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
★ Nhưng có thể quán tự ngã ở trong sắc.
19) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, có thể không quán tự ngã như là có sắc, có thể không quán sắc ở trong tự ngã, nhưng có thể quán tự ngã ở trong sắc. Sự quán ấy, này các Tỳ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... xúc ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỳ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
20-21) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, có thể không quán tự ngã như là có sắc, có thể không quán sắc ở trong tự ngã, có thể không quán tự ngã ở trong sắc. Nhưng có thể quán thọ như là tự ngã, và có thể quán tự ngã như là có thọ, có thể quán thọ ở trong tự ngã, và có thể quán tự ngã ở trong thọ.
22-23). .. có thể quán tưởng... có thể quán các hành...
24). .. có thể quán thức như là tự ngã, có thể quán tự ngã như là có thức; có thể quán thức ở trong tự ngã; và có thể quán tự ngã ở trong thức. Sự quán ấy, này các Tỳ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... xúc ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỳ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
★ Nhưng có thể có (tà) kiến (thường kiến) như sau: "Ðây là tự ngã, đây là thế giới; sau khi chết, tôi sẽ trở thành thường còn.
25) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã; có thể không quán thọ như là tự ngã; có thể không quán tưởng... không quán các hành... không quán thức như là tự ngã. Nhưng có thể có (tà) kiến như sau: "Ðây là tự ngã, đây là thế giới; sau khi chết, tôi sẽ trở thành thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại". Nhưng thường kiến ấy, này các Tỳ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi... Do biết như vậy, thấy như vậy, này các Tỳ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
★ Nhưng vị ấy có thể có (tà) kiến (đoạn kiến) như sau: "Nếu trước ta không có, thời nay không có của ta. Nếu ta sẽ không có, thời sẽ không có của ta"
26) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã; không quán thọ... không quán tưởng... không quán các hành... không quán thức là tự ngã; có thể không có (tà) kiến như sau: "Ðây là tự ngã, đây là thế giới; sau khi chết, tôi sẽ trở thành thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại". Nhưng vị ấy có thể có (tà) kiến như sau: "Nếu trước ta không có, thời nay không có của ta. Nếu ta sẽ không có, thời sẽ không có của ta".
27) Ðoạn kiến ấy, này các Tỳ-kheo, là hành. Nhưng hành ấy, lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh khởi, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỳ-kheo, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỳ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
Tác giả phân tích.
Bài kinh trên cho biết thân kiến bắt đầu duyên Xúc sanh ra duyên Thọ rồi sanh ra duyên Ái. Nếu nguyên nhân xa nữa từ duyên Lục nhập phát sanh ra thân kiến. Nếu biết vậy, thấy vậy thì các lậu hoặc đoạn tận lập tức đồng nghĩa thân kiến mất. Nếu không biết, không thấy Lý duyên khởi thì các lậu hoặc sanh khởi.
C11.1.2 Thế nào là không nghi?
Dưới đây là đoạn kinh trích từ kinh Tương ưng hai: Nhân duyên-phẩm gia chủ.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử đầy đủ lòng tin bất động, đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Tuệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn".
Vị ấy đầy đủ lòng tin bất động đối với Pháp: "Ðây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu".
Vị ấy đầy đủ lòng tin bất động đối với chúng Tăng: "Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Thiện hạnh, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Trực hạnh, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Chánh hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Như pháp hạnh; tức là bốn đôi, tám chúng. Chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn đáng được cúng dường, đáng được hiến dâng, đáng được bố thí, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở trên đời".
Tác giả phân tích.
Tin Phật là tin 10 Ân đức đã nêu trên, chứ nghe nói tin Phật nhưng không biết tin gì. Ý nghĩa 10 Ân đức đã giải thích trong phần Phụ lục. Biết ý nghĩa thì tin Phật mới chánh tín.
Tin Pháp là tin Pháp do Thế Tôn thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời. Ví dụ chưa học Pháp thì tham, sân, si nhiều sau khi học tham, sân, si giảm nhiều tức là có kết quả tức thì.
Tin Tăng là tin bốn đôi tức là tám bậc Thánh, khi cúng dường phước vô lượng. Có 14 hạng người để cúng dường nhưng tin Tăng là đệ tử Thế Tôn chỉ còn bốn đôi tám chúng tức là tám bậc Thánh. Trích từ kinh Trung bộ số 142.
Bố thí các đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, là cúng dường thứ nhất, phân loại theo hạng người.
Bố thí các vị Ðộc Giác Phật, là cúng dường thứ hai, phân loại theo hạng người.
1-Bố thí các bậc A-la-hán, đệ tử Như Lai, là cúng dường thứ ba, phân loại theo hạng người.
2-Bố thí các vị trên con đường chứng quả A-la-hán là cúng dường thứ tư, phân loại theo hạng người.
3- Bố thí các vị chứng quả Bất lai, là cúng dường thứ năm, phân loại theo hạng người.
4-Bố thí các vị trên con đường chứng quả Bất lai là cúng dường thứ sáu, phân loại theo hạng người.
5-Bố thí các vị chứng quả Nhất lai là cúng dường thứ bảy, phân loại theo hạng người.
6-Bố thí các vị trên con đường chứng quả Nhất lai là cúng dường thứ tám, phân loại theo hạng người.
7-Bố thí các vị chứng quả Dự lưu là cúng dường thứ chín, phân loại theo hạng người.
8-Bố thí các vị trên con đường chứng quả Dự lưu là cúng dường thứ mười, phân loại theo hạng người.
Bố thí những vị ngoại học (bahiraka) đã ly tham trong các dục vọng là cúng dường thứ mười một, phân loại theo hạng người. Bố thí những phàm phu gìn giữ giới luật là cúng dường thứ mười hai, phân loại theo hạng người.
Bố thí những phàm phu theo ác giới là cúng dường thứ mười ba, phân loại theo hạng người. Bố thí các loại bàng sanh là cúng dường thứ mười bốn, phân loại theo hạng người.
Chỉ cúng dường đệ tử Như Lai mà đã chứng tám bậc Thánh thì phước vô lượng.
Sau khi bố thí cho các vị trên con đường chứng quả Dự lưu, cúng dường này có hy vọng đem lại vô số vô lượng công đức. Còn nói gì đến những vị đã chứng quả Dự lưu? Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả Nhất lai? Còn nói gì đến những vị đã chứng quả Nhất lai? Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả Bất lai? Còn nói gì đến những vị đã chứng quả Bất lai? Còn nói gì đến những vị trên con đường chứng quả A-la-hán? Còn nói gì đến những vị đã chứng quả A-la-hán, đệ tử Như Lai? Còn nói gì đến những vị Ðộc Giác Phật? Còn nói gì đến các Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác?
C11.1.3 Thế nào là không giới cấm thủ?
Đoạn kinh dưới đây trích từ kinh tâm hoang vu kinh trung bộ số 16.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Và lại nữa, chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào sống phạm hạnh, không mong cầu được sanh thiên giới với ý nghĩ: "Ta với giới này, với hạnh này, với khổ hạnh này, hay với phạm hạnh này, sẽ được sanh làm chư Thiên này hay chư Thiên khác". Chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào sống phạm hạnh, không mong cầu được sanh thiên giới với ý nghĩ: "Ta với giới này, với hạnh này, với khổ hạnh này, hay với phạm hạnh này, sẽ được sanh làm chư Thiên này hay chư Thiên khác", tâm vị ấy hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm triền phược thứ năm đã được đoạn tận.
Thành tựu giới.
Vị ấy đầy đủ các giới đức, được bậc Thánh quý mến, không bị bể vụn, không bị hủy hoại, không có tỳ vết, không có vết nhơ, đưa đến tự do, được người trí tán thán, không bị nhiễm trước, đưa đến Thiền định, bốn Dự lưu chi này được đầy đủ.
4) Thế nào là năm sợ hãi, hận thù được nhiếp phục?
5) Này Gia chủ, sợ hãi, hận thù do người sát sinh, vì duyên sát sinh đưa đến trong hiện tại; sợ hãi, hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ. Ðối với vị đoạn tuyệt sát sanh, như vậy sợ hãi, hận thù được nhiếp phục.
6) Này Gia chủ, sợ hãi, hận thù do người lấy của không cho, vì duyên lấy của không cho đưa đến trong hiện tại; sợ hãi, hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ. Ðối với vị đoạn tuyệt lấy của không cho, như vậy sợ hãi, hận thù được nhiếp phục.
7) Này Gia chủ, sợ hãi, hận thù do người sống tà hạnh trong các dục, vì duyên sống tà hạnh trong các dục đưa đến trong hiện tại; sợ hãi, hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ. Ðối với vị đoạn tuyệt sống tà hạnh trong các dục vọng, như vậy sợ hãi, hận thù được nhiếp phục.
8) Này Gia chủ, sợ hãi, hận thù do người nói láo, và duyên nói láo đưa đến trong hiện tại; sợ hãi, hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ. Ðối với vị đoạn tuyệt nói láo, như vậy sợ hãi, hận thù được nhiếp phục.
9) Này Gia chủ, sợ hãi, hận thù do người đắm say rượu men, rượu nấu, và duyên đắm say rượu men, rượu nấu đưa đến trong hiện tại; sợ hãi hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ. Ðối với vị đoạn tuyệt đắm say rượu men, rượu nấu, như vậy sợ hãi hận thù được nhiếp phục.
Như vậy, năm sợ hãi, oán thù này được nhiếp phục.
C11.1.4 Có một phương pháp khác chứng bậc Thánh Dự lưu.
Thông thường tin Phật, tin Pháp, tin Tăng bất động và thành tựu năm giới là bậc Thánh Dự lưu. Tuy nhiên trong kinh Trung bộ và kinh Tương ưng 5, cho biết rằng biết rõ Tứ Thánh đế cũng chứng Thánh Dự lưu xin trích dẫn ra đây.
★ Theo kinh Trung bộ số 2 - Các lậu hoặc.
Vị ấy như lý tác ý: "Ðây là khổ", như lý tác ý: "Ðây là khổ tập", như lý tác ý: "Ðây là khổ diệt", như lý tác ý: "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt". Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt: thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Này các Tỳ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ.
Theo kinh Tương ưng - Đại phẩm -Tương ưng Sự thật.
Núi Sineru (1) (Tu Di) (S.v,457)
1) Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, Ðại Lâm, tại Trùng Các giảng đường.
2) -- Ví như, này các Tỳ-kheo, một người đặt trên núi Sineru, vua các loài núi, các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu.
3) Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỳ-kheo, cái gì là nhiều hơn, các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu được đặt như vậy hay núi chúa Sineru?
-- Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là vua núi Sineru. Rất ít là các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu được đặt như vậy, chúng không có thể ước tính được, chúng không có thể so sánh được, chúng không có thể thành một phần nhỏ được, khi đem đặt các viên sạn lớn bằng bảy hạt đậu so sánh với núi chúa Sineru.
4) -- Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, với vị Thánh đệ tử thành tựu chánh kiến, với người đã chứng ngộ, cái này là nhiều hơn, tức là sự khổ đã được đoạn tận, đã được tiêu mòn này. Rất ít là khổ còn tồn tại, không có thể ước tính, không có thể so sánh, không có thể thành một phần nhỏ, nếu so sánh với khổ trước đã được đoạn tận, đã được tiêu mòn. Tức là trong thời gian tối đa là bảy lần đối với người đã rõ biết: "Ðây là Khổ"... đã rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
5) Do vậy, này các Tỳ-kheo, một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Khổ"... một cố gắng cần phải làm để rõ biết: "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt".
Qua hai bài kinh trên xác quyết rằng giác ngộ Tứ Thánh đế là bậc Thánh Dự lưu.
Những hành giả đã tìm hiểu và biết rõ Lý Duyên khởi và Lý duyên diệt tức là đã biết Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế đồng nghĩa quý vị đã rõ biết Tứ Thánh đế là quả dự lưu rồi.