C12.8: Chánh định.
Có Chánh định là đi trên con đường của bậc Thánh nên hằng ngày tu tập để thành Thánh ngược lại là phàm phu phải luân hồi sẽ khổ dài dài.
Học thuộc và suy tư Chánh định cho đến khi hiểu tại sao hành giả cần phải tu tập Chánh định. Khi hiểu rồi nên thực hành Chánh định viên mãn thì Tà định biến mất.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Tà định, này các Tỳ-kheo do chánh định làm cho tiêu diệt. Và những ác bất thiện pháp được tà định duyên khởi, các pháp ấy được tiêu diệt trong người có chánh định. Và những thiện pháp được chánh định duyên khởi, các pháp ấy được tu tập và trở thành viên mãn.
Tổng thuyết.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Thế nào là chánh định?
Này chư Hiền, ở đây, Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ. Vị Tỳ-kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Tỳ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Tỳ-kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh định.
Tác giả phân tích.
Phần tổng thuyết trình bày rất khó hiểu, có hai bài kinh đã trích dẫn giúp cho hành giả hiểu rõ chi tiết để có thể chứng được sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Hầu hết những hành giả không hiểu chánh định là gì mà cứ mù quáng bắt chước ai làm sao cứ nhắm mắt làm theo vì không tham khảo các bài kinh khác. Vì vậy những hành giả nên tìm hiểu rốt ráo hai bài kinh dưới đây cho xong rồi hạ thủ công phu có thể chứng được túc mạng minh, thiên nhãn minh.
C12.8.A Năm dục trưởng dưỡng
Có năm dục trưởng dưỡng. Thế nào là năm?
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Này các Tỳ-kheo, có năm dục trưởng dưỡng. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức, sắc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... (như trên)... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân cảm xúc là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Này các Tỳ-kheo, như vậy, là năm dục trưởng dưỡng.
Đoạn kinh trên giúp hành giả hiểu dục do những sắc, thanh, hương, vị, xúc khả ái khả lạc.
★ Không thấy sự nguy hại của chúng, không biết rõ sự xuất ly khỏi chúng.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Này các Tỳ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào bị trói buộc, bị tham đắm, bị mê say bởi năm dục trưởng dưỡng này, không thấy sự nguy hại của chúng, không biết rõ sự xuất ly khỏi chúng, mà thọ dụng chúng, những vị ấy cần phải được hiểu là: "Các Người đã rơi vào bất hạnh, đã rơi vào tai họa, đã bị Ác ma sử dụng như ý muốn". Này các Tỳ-kheo, như một con nai sống trong rừng bị sập bẫy nằm xuống, con nai ấy cần phải được hiểu là: "Nó đã rơi vào bất hạnh, đã rơi vào tai họa, đã bị thợ săn sử dụng như ý muốn. Khi người thợ săn đến, con nai không thể bỏ đi như ý muốn. Này các Tỳ-kheo, cũng vậy, những vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào bị trói buộc... (như trên)... đã bị Ác ma sử dụng như ý muốn.
Đoạn kinh trên cho biết những hành giả nếu tu tập mà còn say mê năm dục thì bị ác ma chi phối không thể nào vào sơ thiền được đâu.
★ Thấy sự nguy hại của chúng, biết rõ sự xuất ly khỏi chúng.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Này các Tỳ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không bị trói buộc, không bị tham đắm, không bị mê say bởi năm dục trưởng dưỡng này, thấy sự nguy hại của chúng, biết rõ sự xuất ly khỏi chúng, và thọ dụng chúng, những vị ấy cần phải được hiểu là: "Các Người không rơi vào bất hạnh, không rơi vào tai họa, không bị Ác ma sử dụng như ý muốn". Này các Tỳ-kheo, như một con nai sống trong rừng, không bị sập bẫy phải nằm xuống, con nai ấy cần phải được hiểu là: "Nó không rơi vào bất hạnh, nó không rơi vào tai họa, nó không bị người thợ săn sử dụng như ý muốn". Khi người thợ săn đến, con nai có thể bỏ đi như ý muốn. Này các Tỳ-kheo, cũng vậy, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không bị trói buộc... không bị Ác ma sử dụng như ý muốn.
Đoạn kinh trên xác quyết nếu thấy vị ngọt dục, nguy hiểm dục, xuất ly sẽ không còn ác ma chi phối sẽ giúp hành giả tâm có định rồi sẽ vào bốn tầng thiền dễ dàng như những gì được diễn tả dưới đây.
Chư Tỳ-kheo, ví như con nai sống trong rừng, đi qua đi lại trong rừng, an tâm nó đi, an tâm nó đứng, an tâm nó ngồi, an tâm nó nằm. Tại sao vậy? Này các Tỳ-kheo, vì nó vượt khỏi tầm tay của người thợ săn. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc, do ly dục sanh, có tầm có tứ. Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ấy được gọi là: một vị đã làm Ác Ma mù mắt, đã diệt trừ mọi vết tích, đã vượt khỏi tầm mắt Ác ma.
C12.8.B Năm triền cái phải đoạn tận.
Đức phật cũng có một cách khác chỉ cho những hành giả biết để có tâm định xong vào tứ thiền dễ dàng. Hành giả hãy đọc kỹ phần quán năm triền cái này và kết luận đoạn kinh dưới đây sẽ giúp cho hành giả tu tập dễ dàng và vào sơ thiền dễ dàng không có khó khăn.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Vị ấy với sự thành tựu Thành giới uẩn này, với sự thành tựu Thánh hộ trì căn này, và với Thánh chánh niệm tỉnh giác này, lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm. Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết-già, lưng thẳng, tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa, tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên. Từ bỏ trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử, hối tiếc. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.
Sau khi từ bỏ năm triền cái làm ô nhiễm tâm, làm cho yếu ớt trí tuệ, vị ấy ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm giác sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là "xả niệm lạc trú", chứng và trú Thiền thứ ba. Lại nữa, này các Tỳ-kheo, vị Tỳ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.
C12.8.1: Sơ thiền.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Tỳ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ.
Trước khi vào sơ thiền, hành giả cần phải muội lược năm triền cái (tham, sân, hôn trầm thụy miên, nghi, trạo hối) nếu không thì không thể nào nhập sơ thiền được. Nếu hành giả nào đã thực hành từ Chánh kiến cho đến Chánh niệm rồi thì vào sơ thiền rất nhanh.
C12.8.2: Nhị thiền.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Vị Tỳ-kheo ấy diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm
Tầm, tứ không còn nữa gọi là diệt khi đó sẽ có trạng thái như trong kinh diễn tả. Mỗi hành giả cần kiểm chứng nhị thiền chứ không phải tin. Cố gắng thực hành cho đến khi chứng nghiệm nhị thiền.
C12.8.3: Tam thiền.
Nguyên văn kinh Pali -Việt.
Tỳ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba.
Hành giả không dính mắc vào hỷ gọi là xả
C12.8.4: Tứ thiền.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Tỳ-kheo ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh định.
Hành giả vào tầng thiền có trạng thái không khổ không lạc được ghi nhớ thanh tịnh. Hành giả không dính mắc trạng thái này gọi là xả. Sau thiền thứ tư, hành giả hướng tâm, dẫn tâm đến túc mạng minh, hướng tâm dẫn tâm đến sanh tử minh. Hành giả có được hai minh đầu tiên trong ba minh.
Hành giả nào muốn thực hành Chánh định nên tìm hiểu kỹ bài kinh dưới đây sẽ giúp hành giả hiểu ý nghĩa được hỷ lạc không liên hệ đến vật chất đồng nghĩa với sơ thiền.
Biệt thuyết - Thanh Tịnh, Không Liên Hệ Ðến Vật Chất.
1) ...
2) -- Này các Tỳ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỳ-kheo, đây là ba thọ.
3) Này các Tỳ-kheo, có hỷ liên hệ đến vật chất, có hỷ không liên hệ đến vật chất, có hỷ không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại hỷ không liên hệ đến vật chất kia; có lạc liên hệ đến vật chất, có lạc không liên hệ đến vật chất, có lạc không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại lạc không liên hệ đến vật chất kia; có xả liên hệ đến vật chất, có xả không liên hệ đến vật chất, có xả không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại xả không liên hệ đến vật chất kia; có giải thoát liên hệ đến vật chất, có giải thoát không liên hệ đến vật chất, có giải thoát không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại giải thoát không liên hệ đến vật chất kia.
4) Và này các Tỳ-kheo, thế nào là hỷ liên hệ đến vật chất? Này các Tỳ-kheo, có năm dục công đức này. Thế nào là năm? Có các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn... Có xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỳ-kheo, đây là năm dục công đức này. Này các Tỳ-kheo, do duyên năm dục công đức này, hỷ khởi lên. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là hỷ liên hệ đến vật chất.
5) Và này các Tỳ-kheo, thế nào là hỷ không liên hệ đến vật chất? Ở đây, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Làm tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là hỷ không liên hệ đến vật chất.
6) Và này các Tỳ-kheo, thế nào là hỷ không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại hỷ không liên hệ đến vật chất kia? Tỳ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, khi quán sát tâm giải thoát khỏi tham, khi quán sát tâm giải thoát khỏi sân, khi quán sát tâm giải thoát khỏi si, hỷ được khởi lên. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là hỷ không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại hỷ không liên hệ đến vật chất kia.
7) Và này các Tỳ-kheo, thế nào là lạc liên hệ đến vật chất? Này các Tỳ-kheo, có năm dục công đức. Thế nào là năm? Có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn... Có những xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỳ-kheo, đây là năm dục công đức. Này các Tỳ-kheo, do duyên năm dục công đức này, khởi lên lạc hỷ gì, này các Tỳ-kheo, đây gọi là lạc liên hệ đến vật chất.
8) Và này các Tỳ-kheo, thế nào là lạc không liên hệ đến vật chất? Ở đây, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Tịnh chỉ các tầm và tứ, vị ấy chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhứt tâm. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, vị ấy chứng đạt và trú Thiền thứ ba. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là lạc không liên hệ đến vật chất.
9) Và này các Tỳ-kheo, thế nào là lạc không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại lạc không liên hệ đến vật chất kia? Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, khi quán sát tâm giải thoát khỏi tham, quán sát tâm giải thoát khỏi sân, quán sát tâm giải thoát khỏi si, lạc và hỷ khởi lên. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là lạc không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại lạc không liên hệ đến vật chất kia.
10) Và này các Tỳ-kheo, thế nào là xả liên hệ đến vật chất? Này các Tỳ-kheo, có năm dục công đức này. Thế nào là năm? Có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn... Có những xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỳ-kheo, do duyên năm dục công đức này, xả khởi lên. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là xả liên hệ đến vật chất.
11) Và này các Tỳ-kheo, thế nào là xả không liên hệ đến vật chất? Ở đây, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo đoạn lạc, đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là xả không liên hệ đến vật chất.
12) Và này các Tỳ-kheo, thế nào là xả không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại xả không liên hệ đến vật chất kia? Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, quán sát tâm giải thoát khỏi tham, quán sát tâm giải thoát khỏi sân, quán sát tâm giải thoát khỏi si, xả khởi lên. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là xả không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại xả không liên hệ đến vật chất kia.
13-14) Và này các Tỳ-kheo, thế nào là giải thoát liên hệ đến vật chất? Sự giải thoát liên hệ đến sắc là liên hệ đến vật chất... Sự giải thoát liên hệ đến vô sắc là không liên hệ đến vật chất.
16) Và này các Tỳ-kheo, thế nào là sự giải thoát không liên hệ đến vật chất còn hơn cả sự giải thoát không liên hệ đến vật chất kia? Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo đoạn tận các lậu hoặc, quán sát tâm giải thoát khỏi tham, quán sát tâm giải thoát khỏi sân, quán sát tâm giải thoát khỏi si, giải thoát khởi lên. Này các Tỳ-kheo, đây là sự giải thoát không liên hệ đến vật chất còn hơn cả sự giải thoát không liên hệ đến vật chất kia.
Kết Luận về Chánh định.
Tu tập chánh định vô cùng khó khăn vì đã ly dục rồi hoặc năm triền cái diệt thì mới vào Chánh định được. Có nhiều người ham tu thiền cứ nghĩ nhắm mắt lim dim rồi tưởng mình vào sơ thiền thật ra là Tà định. Tu tập Chánh định sẽ diệt Tà định vì Tà định là nhân sanh khổ. Điều kiện tu Chánh định cần ly dục sắc, ly dục thanh, ly dục hương, ly dục vị, ly dục xúc. Nếu chưa được thì sơ thiền không thể nhập được mà chỉ là Tà định. Có thể tìm hiểu bài kinh Thanh tịnh để biết thêm ý nghĩa hỷ lạc không liên hệ với vật chất và có những hỷ lạc liên hệ vật chất đã có trích dẫn ở trên.
Tu Chánh định sẽ đạt đến Tứ thiền sẽ có tam minh: Túc mạng minh, Sanh tử minh. Lậu tận minh. Đây là không phải việc dễ vào thế kỷ 21 này, không có mấy ai chứng được Túc mạng minh hoặc Thiên nhãn minh chứ nói chi Lậu tận minh.
Tìm hiểu Chánh định cho kiếp vị lai trở lại thế gian vào một thời điểm khác mà loài người có đời sống đơn giản có thể tu tập được, thời đại này mà nói chuyện Ly dục là chuyện rất khó thực hành.