Chương Chín: Quả khổ tương lai
C9.1: Sanh
C9.1.0 Đại cương
Sanh trong 12 nhân duyên nên hiểu rằng khi thân hoại mạng chung kiếp sống hiện tại và sanh lại trong ba cõi. Theo kinh Nikaya, chúng sanh khi chết sẽ sanh vào ba đường ác nhiều như đất trên quả địa cầu còn được sanh lại làm người như đất dính trên 10 đầu ngón tay. Nếu hiểu được 12 Nhân duyên thì việc sanh vào cõi ác rất dễ dàng vì lúc nào tâm cũng đi theo tiến trình Xúc, Thọ, Ái liên tục nên chuyện sanh lại làm người vô cùng khó. Qúy vị nên tin Thiên nhãn minh của đức Phật đã thấy cõi ác nên đã chỉ cho chúng sanh biết để tránh những hố thẳm đó. Qúy vị không tin Thiên nhãn minh của đức Phật thì bệnh nan y của qúy vị không thể cứu được. Chia buồn cho những ai không có lòng tin 10 ân đức, 10 Như lai lực của đức Phật.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Thế nào là sanh?
Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác bị sanh, xuất sanh, giáng sanh, đản sanh, sự xuất hiện các uẩn, sự thành tựu các xứ. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là sanh.
C9.1.1: Loài trời.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, được tái sanh giữa chư Thiên. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, phải tái sanh vào địa ngục... phải tái sanh vào loài bàng sanh... phải tái sanh vào cõi ngạ quỷ.
Và này Sariputta, Ta cũng tuệ tri chư Thiên, con đường đưa đến Thiên giới và hành lộ đưa đến Thiên giới. Tùy theo hành nghiệp, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào thiện thú, Thiên giới, thế giới này, sự việc này Ta cũng tuệ tri.
Hãy đọc kinh tiểu bộ tập 2 phẩm thiên giới để biết hưởng phúc do biết tu 10 thiện pháp. Có vài câu chuyện trong kinh.
Nguyên văn trích từ kinh Tiểu bộ 2 - Thiên Cung sự.
Chuyện thứ nhất - Lâu Ðài Của Nữ Tỳ.
Trong khi đức Thế Tôn trú tại Kỳ Viên, một đệ tử tại gia ở Sàvatthi đến tinh xá về buổi chiều cùng nhiều cư sĩ khác và nghe pháp. Khi hội chúng đã đứng lên, vị ấy đến gần đức Thế Tôn và thưa:
- Bạch Thế Tôn, từ nay về sau con xin cúng dường bốn buổi ngọ trai vĩnh viễn.
Sau đó, đức Thế Tôn thuyết pháp thoại cho vị ấy được lợi lạc nhân dịp này và bảo vị ấy ra về. Vị ấy trình với Tỳ-kheo phụ trách ngọ trai:
- Bạch Tôn giả, con đã chuẩn bị bốn buổi ngọ trai vĩnh viễn cúng dường Tăng chúng. Từ ngày mai, xin chư vị Tôn giả đến nhà con.
Xong vị ấy ra về. Vị ấy giải thích vấn đề này cho người nữ tỳ và bảo:
- Trong vấn đề này, nhà ngươi phải luôn luôn tinh cần.
- Thưa vâng, được lắm. Nàng đáp.
Bản tính nàng đầy thành tín, mong muốn làm công đức, có thiện hạnh, vì thế mỗi ngày nàng dậy rất sớm, chuẩn bị các món ăn thức uống hảo hạng.
Sau khi quét dọn chỗ ngồi thật sạch sẽ, nàng lau chùi cẩn thận với nước hoa, sắp đặt sàng tọa và khi chư Tỳ-kheo đến, nàng mời chư vị ngồi đó, cung kính đảnh lễ, cúng dường chư vị hương liệu, vòng hoa, chiên-đàn, đèn và phục vụ chư vị thật trọng thể.
Bấy giờ, một hôm, khi chư Tỳ-kheo đã thọ thực xong, nàng đến gần đảnh lễ và nói như vầy:
- Bạch chư Tôn giả, xin chư Tôn giả cho biết, làm thế nào được giải thoát hoàn toàn các khổ đau do sanh, lão, bệnh, tử?
Chư Tỳ-kheo ấy bèn cho nàng thọ Tam quy và Ngũ giới, giảng giải bản chất của sắc thân, và gợi cho nàng suy nghĩ về lão tử. Sau đó, chư vị thuyết giảng cho nàng nghe về tính vô thường.
Nàng giữ giới suốt mười sáu năm liền, thỉnh thoảng nàng tác ý suy tư thật chuyên tâm. Một ngày kia, nàng đã được lợi lạc vì nghe pháp, lại nhờ tri kiến của nàng đạt đến thuần thục, nàng phát triển tuệ quán và chứng đắc quả Dự Lưu.
Chẳng bao lâu sau, nàng từ trần và tái sanh làm vị Thiên nữ hầu cận được Sakka Thiên chủ sủng ái. Khi nàng thơ thẩn trong...................
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
5. Khi được làm người giữa chúng sanh,
Con là tỳ nữ một gia đình,
Môn đồ của Trí Nhân Viên Giác,
Ðức Phật Cồ-đàm đại hiển vinh.
6. Thành công nhờ nỗ lực tinh cần,
Trong Giáo pháp Ngài bất động nhân,
Mong ước thân này dầu hủy hoại,
Con không hề giảm sút chuyên tâm.
7. Con đường Ngũ giới để tu thân
Thật vững chắc và tạo phước ân,
Ðược bậc trí hiền này dạy bảo,
Không gai, lưới, bẫy, thẳng như chân.
8. Hãy nhìn kết quả của tinh cần
Thành tựu do tỳ nữ tiểu nhân,
Nay được hầu bên Thiên chủ ấy,
Sak-ka với tối thượng quyền năng.
9. Sáu mươi ngàn nhạc cụ đàn tơ
Thức tỉnh con từ giấc ngủ mơ,
Alamba, Gaggara, Bhìma,
Sàdhuvàdin và Samsaya.
10. Pokkhara và Suphassa,
Vinàmokkhà cùng các nàng kia,
Nandà cũng như Sunandà,
Sonadinnà và Sucimhità.
11. Alambusà, Missakesi,
Cùng nàng tiên ác Pundarìkà,
Eniphassa và Suphassà,
Subhaddà và Muduvàdinì.
12. Các nàng Thiên nữ diễm kiều này
Ðánh thức thần tiên lúc ngủ say,
Buổi sáng các nàng thường đến bảo:
- Chúng em múa hát giúp vui đây.
13. Nan-da-na, Hỷ lạc Viên này,
Không phải để dành cho những ai
Chẳng tạo tác nên nhiều phước nghiệp,
Mà dành riêng biệt để cho người
Ðã hoàn thành được nhiều công đức,
Là Ðại Lâm viên của cõi trời
Tam thập tam thiên đầy lạc thú,
Không gì phiền não, mãi vui tươi.
14. Chẳng đời này hoặc cõi đời sau,
Cực lạc dành cho những kẻ nào
Không tạo tác nên nhiều phước nghiệp,
Song đời này lẫn cõi đời sau,
Ðể dành cực lạc cho bao kẻ
Làm các thiện hành phước nghiệp cao.
15. Vậy những ai mong chúng bạn hiền,
Phải làm thiện nghiệp thật tinh chuyên,
Vì người tạo được nhiều công đức,
Hưởng lạc thú nhiều ở cõi thiên.
Tác giả phân tích.
Do khi sống nhân gian, đã tạo các nghiệp thiện sanh vào cung trời hưởng Thiên lạc.
C9.1.2: Loài người.
Tác giả phân tích.
Khi nói sanh phải theo định nghĩa trên như vậy trước khi có cảm thọ khổ cần sinh ra đời tức là phải có mắt, tai, lưỡi, mũi, thân, ý và phải có sáu ngoại cảnh như sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp duyên khởi sáu thức. Sự gặp gỡ ba pháp sanh ra duyên xúc sanh khởi những cảm thọ lạc/khổ không phải tự nhiên có cảm thọ.
Đức Phật cũng tuệ tri con đường đưa đến loài người và tuệ tri con người khi chết sanh làm người lại rất khó, xin trích dẫn sau đây.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Và này Sariputta, Ta cũng tuệ tri loài Người, con đường đưa đến thế giới loài Người và hành lộ đưa đến thế giới loài Người. Tùy theo hành nghiệp, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào loài Người, sự việc này Ta cũng tuệ tri.
Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá) tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.2) Rồi Thế Tôn lấy lên một ít đất trên đầu móng tay và bảo các Tỳ-kheo:
3) -- Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỳ-kheo, cái nào là nhiều hơn, một ít đất Ta lấy trên đầu móng tay, hay quả đất lớn này?
-- Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là quả đất. Và ít hơn là một ít đất mà Thế Tôn lấy trên đầu móng tay, không thể ước tính được, không thể so sánh được, không thể thành một phần nhỏ được, nếu đem so sánh quả đất lớn với một ít đất mà Thế Tôn lấy trên đầu móng tay.
4) -- Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, được tái sanh làm người lại. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, phải tái sanh trong địa ngục.
Tác giả phân tích.
Theo bài kinh trên cho biết con người khi thân hoại mạng chung trở lại làm thân người như đất dính trên đầu móng tay có nghĩa là xác xuất làm thân người cực kỳ nhỏ còn xác suất rơi vào 3 đường ác như đất quả địa cầu có nghĩa là làm người lại cực kỳ khó. Hôm nay có được thân người không tu tập Bát Thánh đạo rất uổng vì không biết bao giờ làm được thân người lại và gặp lại chánh pháp.
C9.1.3: Loài ngạ quỷ.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, được tái sanh làm người lại. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, phải tái sanh vào cõi ngạ quỷ.
Và này Sariputta, Ta tuệ tri ngạ quỷ, con đường đưa đến ngạ quỷ và hành lộ đưa đến ngạ quỷ. Tùy theo hành nghiệp, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào ngạ quỷ, sự việc này Ta cũng tuệ tri.
Tác giả phân tích.
Khi mất thân người rồi, xác xuất sanh làm ngạ quỷ rất dễ và sự đau khổ như thế nào, quý vị đọc bài kinh ngạ quỷ sự kinh tiểu bộ tập 2 như sau.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Chuyện Con Lợn Rừng (Sukàra)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại chỗ nuôi sóc ở Veluvana (Trúc Lâm) gần Ràjagaha (Vương Xá).
Tương truyền ngày xưa khi đức Thế Tôn Kassapa (Ca-diếp) thuyết Pháp, một Tỳ-kheo đã điều phục tự thân, nhưng thiếu phòng hộ ngôn ngữ, nên đã mạ ly các Tỳ-kheo khác. Lúc từ trần, vị ấy tái sanh vào địa ngục. Sau khi đã bị thiêu đốt tại đó cả một kiếp, vị ấy rời cõi ấy và trong kiếp này tái sanh gần thành Ràjagaha, dưới chân núi Gijjhakùta (Linh Thứu), vị ấy luôn bị đói khát giày vò. Thân thể vị ấy có màu vàng ròng, nhưng miệng lại giống mõm lợn rừng.
Vào thời ấy, Tôn giả Nàrada đang trú tại núi Linh Thứu. Vừa cầm y bát, vị ấy khởi hành từ sáng sớm để khất thực. Trong lộ trình đến Ràjagaha, vị ấy thấy ngạ quỷ kia trên đường. Khi hỏi về hạnh nghiệp mà ngạ quỷ kia đã tạo, vị ấy đã ngâm các vần kệ sau:
1. Nhà ngươi vàng rực khắp toàn thân,
Chiếu ánh sáng ra khắp mọi vùng,
Song miệng ngươi như mồm lợn đực,
Nghiệp gì ngươi tạo kiếp xưa chăng?
Ngạ quỷ đáp lời:
2. Xưa con điều phục khéo về thân,
Nhưng khẩu con không được hộ phòng,
Vì thế hình hài con vậy đó,
Nà-ra-da thấy rõ con cùng.
Ngạ quỷ ấy còn nói lời khuyên này với Trưởng lão:
3. Nà-ra-da, vậy hãy xem đây,
Con muốn trình Tôn giả việc này:
Ðừng phạm ác tà về khẩu nghiệp,
E ngài sẽ hóa mõm heo vầy!
Thế rồi Tôn giả Nàrada, sau khi đã đi khất thực trong thành Vương Xá và sau buổi ngọ trai, trở về trình sự việc này với bậc Ðạo Sư, Ngài dùng đó làm đề tài thuyết pháp.
C9.1.4: Loài bàng sanh.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, được tái sanh làm người lại. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, phải tái sanh trong loài bàng sanh.
Và này Sariputta, Ta tuệ tri bàng sanh, con đường đưa đến bàng sanh và hành lộ đưa đến bàng sanh. Tùy theo hạnh nghiệp, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào bàng sanh, sự việc này Ta cũng tuệ tri.
Đức Phật đã diễn tả cảnh khổ của bàng sanh như dưới đây.
Nguyên văn trích từ kinh Trung bộ số 129.
Này các Tỳ-kheo, có những loại sanh vật thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, ăn cỏ. Chúng ăn những cỏ ướt và khô, với răng nhai nghiền, cỏ ấy. Này các Tỳ-kheo, những sanh vật ấy thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, ăn cỏ là gì? Các loại ngựa, trâu, bò, lừa, dê, nai hay các sanh vật khác, thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, ăn cỏ. Này các Tỳ-kheo, người ngu ấy do trước kia hưởng thọ ở đây, do trước kia làm các ác nghiệp ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, sanh ra cọng trú với các loài hữu tình ấy, những loại hữu tình ăn cỏ.
Này các Tỳ-kheo, có các sanh vật thuộc loại bàng sanh, có hơi thở và ăn phân. Chúng ngửi được mùi phân từ đường xa, liền chạy tới, nghĩ rằng: "Chúng ta sẽ ăn ở đây, chúng ta sẽ ăn ở đây". Ví như các Bà-la-môn chạy đến, ngửi được mùi lễ tế sanh, nghĩ rằng: "Chúng ta sẽ ăn ở đây, chúng ta sẽ ăn ở đây". Cũng vậy này các Tỳ-kheo, có các loại sanh vật, thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, và ăn phân. Chúng ngửi được mùi phân từ đường xa, liền chạy tới, nghĩ rằng: "Chúng ta sẽ ăn ở đây, chúng ta sẽ ăn ở đây". Và này các Tỳ-kheo, các sanh vật ấy, thuộc loại bàng sanh, có hơi thở và ăn phân là gì? Các loại gà, heo, chó, chó rừng (giả can), hay tất cả các sanh vật khác, thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, ăn phân. Này các Tỳ-kheo, người ngu ấy do trước kia hưởng thọ ở đây, do trước kia làm các ác nghiệp ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, sanh ra cọng trú với các loại hữu tình ấy, những loại hữu tình ăn phân.
Này các Tỳ-kheo, có các loại sanh vật thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, sanh ra trong bóng tối, già trong bóng tối và chết trong bóng tối. Này các Tỳ-kheo, những sanh vật ấy, thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, sanh ra trong bóng tối, già trong bóng tối và chết trong bóng tối là gì? Các loại côn trùng, con sùng, con dòi, con sâu đôm đốm và các loại sanh vật khác thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, sống trong bóng tối. Này các Tỳ-kheo, người ngu ấy do trước kia hưởng thọ ở đây, do trước kia làm các ác nghiệp ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, sanh ra cọng trú với các loài hữu tình ấy tức là các loại hữu tình sinh ra trong bóng tối, già trong bóng tối, chết trong bóng tối.
Này các Tỳ-kheo, có những sanh vật, thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, sinh ra trong nước, già trong nước, chết trong nước. Và này các Tỳ-kheo, các sanh vật ấy thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, sanh ra trong nước, già trong nước, chết trong nước là gì? Các loại cá, rùa, cá sấu, hay các sanh vật khác, thuộc loại bàng sanh, có hơi thở, sanh ra trong nước, già trong nước, chết trong nước. Này các Tỳ-kheo, người ngu ấy, do trước kia hưởng thọ ở đây, do trước kia làm các ác nghiệp ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, sanh ra cọng trú với các loài hữu tình ấy, tức là các loài hữu tình sanh ra trong nước, già trong nước, chết trong nước.
Này các Tỳ-kheo, có các sanh vật thuộc loài bàng sanh, có hơi thở, sanh ra trong bất tịnh, già trong bất tịnh, chết trong bất tịnh. Và này các Tỳ-kheo, các sanh vật ấy, các loại thuộc bàng sanh, có hơi thở, sanh ra trong bất tịnh, già trong bất tịnh, chết trong bất tịnh là gì? Này các Tỳ-kheo, các loài hữu tình nào sanh ra trong cá thúi hay già trong cá thúi, hay chết trong cá thúi, hay trong tử thi thúi, hay trong đồ ăn thúi, hay trong vũng nước, hay sinh ra trong đầm nước (nhớp)... già... hay chết trong đầm nước (nhớp). Này các Tỳ-kheo, người ngu ấy, do trước kia hưởng thọ ở đây, do trước kia làm các ác nghiệp ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, sanh ra cọng trú với các loài hữu tình ấy, tức là các loài hữu tình sanh ra trong bất tịnh, già trong bất tịnh, chết trong bất tịnh.
Này các Tỳ-kheo, với rất nhiều pháp môn, Ta nói về các loại bàng sanh, nhưng thật khó nói cho được đầy đủ, này các Tỳ-kheo, vì đau khổ ở loài bàng sanh quá nhiều.
Tác giả phân tích.
Nếu ngay bây giờ không lo tu gấp mà cứ hẹn từ từ sẽ tu. Nếu chết bất ngờ sanh vào bàng sanh có khổ hay không? Vì con người đa số làm ác rất khó làm người. Phước cho ai biết tu thiện nghiệp bây giờ.
C9.1.5: Loài địa ngục.
Nguyên văn kinh trích từ Tương ưng 5 - Phẩm sanh thú.
4) -- Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, ít hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, được tái sanh làm người lại. Và nhiều hơn là các chúng sanh sau khi chết từ thân người, phải tái sanh trong địa ngục.
Này Sariputta, Ta tuệ tri địa ngục, con đường đưa đến địa ngục và hành lộ đưa đến địa ngục. Tùy theo hạnh nghiệp, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, sự việc này ta cũng tuệ tri. (kinh Trung bộ số 12)
Tác giả phân tích.
Cơ hội làm người rất khó nếu ai đọc tập sách này. Hãy cố gắng tu gấp gấp nếu không tu rơi vào địa ngục rất khổ. Hãy đọc kinh Trung bộ số 130 sẽ thấy khổ ở địa ngục không tả hết được.
C9.2 Kết Luận Chương chín.
Quả khổ tương lai sau khi chết nhờ Đức Phật có Thiên nhãn minh thấy nói lại cho chúng ta biết mà lo tu giải thoát nếu ai muốn thấy các cảnh khổ địa ngục hay ngạ quỷ hay chư thiên. Hãy tu thiền định sẽ có thiên nhãn minh cũng sẽ thấy như Đức Phật.
Đạo Phật chỉ cho chứng nghiệm chứ không phải tin mù quáng như nhiều người hiểu lầm. Có một số tu sĩ trong Phật giáo tuyên bố không có các cõi trời hoặc địa ngục hay ngạ quỷ. Tội rất lớn vì họ dùng cái tưởng suy diễn trên kinh nghiệm sống của họ nhưng không thật có Thiên nhãn minh. Trong đạo Phật hãy tu cho được Tứ thiền sẽ thấy chứ dùng cái tưởng của mình nói bậy nói bạ sẽ có quả báo kiếp sau rất đau khổ.
Người tu phải thận trọng ý nghiệp, khẩu nghiệp, thân nghiệp, nhất là học chánh ngữ khi thấy nói thấy, không thấy nói không thấy, không biết nói không biết, biết nói biết, không nghe nói không nghe, nghe nói nghe.v.v.
Không thấy địa ngục thì nói không thấy địa ngục chứ có suy diễn không có cõi địa ngục, tội rất lớn vì con người chưa có Thiên nhãn minh chứ không phải không có địa ngục.
Ví dụ không thấy trong nước có vi khuẩn rồi tuyên bố không có vi khuẩn là sai, nhưng các nhà khoa học có kính hiển vi nên thấy có vi khuẩn nói lại. Tương tự chúng ta có đức Phật có Thiên nhãn minh nói cho chúng ta biết nên tin.Nếu thật sự muốn thấy cố gắng tu Thiền sẽ có Thiên nhãn minh.
.
Duyên Già, Bênh, Chết: http://tuthanhdelatoithuong.org/12-duyen-gia-benh-chet-c4032.html