C11.1.1 Thế nào là không thân kiến?
Dưới đây là đoạn trích từ kinh Tương ưng ba - Năm uẩn nói về không thân kiến.
Bài kinh 1
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
19) Ở đây, này Gia chủ, vị đa văn Thánh đệ tử hiểu rõ các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, hiểu rõ các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy không bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của ta" khi sắc biến hoại, đổi khác; nên không do sắc biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
20) Không quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ. Vị ấy không bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta" khi thọ biến hoại, đổi khác; nên không do thọ biến hoại, đổi khác, mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
21) Không quán tưởng như là tự ngã, hay tự ngã như là có tưởng, hay tưởng ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong tưởng. Vị ấy không bị ám ảnh: "Tưởng là ta, tưởng là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Tưởng là ta, tưởng là của ta" khi tưởng biến hoại, đổi khác; nên không do tưởng biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
22) Không quán các hành như là tự ngã, hay tự ngã như là có hành, hay các hành ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong các hành. Vị ấy không bị ám ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta" khi các hành biến hoại, đổi khác; nên không do các hành biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
23) Không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy không bị ám ảnh: "Thức là ta, thức là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Thức là ta, thức là của ta" khi thức biến hoại, đổi khác; nên không do thức biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!
24) Như vậy, này Gia chủ, là thân có bịnh, nhưng tâm không có bịnh.
25) Tôn giả Sàriputta thuyết như vậy, gia chủ Nakulapità hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Sàriputta thuyết.
Tác giả phân tích.
Thân kiến sẽ biến mất, nếu biết quán 12 nhân duyên bắt đầu từ duyên Lục Nhập, Thức, Xúc, Thọ, Ái vì thân kiến thành hình từ các duyên đó. Có một bài kinh khác nữa giải thích cũng dễ hiểu nữa xin trích ra đây để tham khảo cho rõ ràng hơn.
Bài kinh 2.
Nguyên văn từ kinh Tương Ưng ba - Năm uẩn.
2) Dầu cho, này các Tỳ-kheo, các pháp được Ta giải thích, thuyết giảng như vậy, nhưng ở đây có Tỳ-kheo khởi lên suy nghĩ sau đây: "Biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?
★ Quán sắc như là tự ngã, sự quán như vầy là hành.
13-16) Này các Tỳ-kheo, biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức? Ở đây, này các Tỳ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, sự quán như vầy là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỳ-kheo, cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Từ khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Thọ ấy... xúc ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, do thấy vậy, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
★ Có thể không quán sắc như là tự ngã, nhưng có thể quán tự ngã như là có sắc.
17) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, nhưng có thể quán tự ngã như là có sắc. Sự quán ấy, này các Tỳ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỳ-kheo, cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... xúc ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỳ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
★ Nhưng có thể quán sắc ở trong tự ngã.
18) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, không quán tự ngã như là có sắc, nhưng có thể quán sắc ở trong tự ngã. Quán ấy, này các Tỳ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỳ-kheo, cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... xúc ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỳ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
★ Nhưng có thể quán tự ngã ở trong sắc.
19) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, có thể không quán tự ngã như là có sắc, có thể không quán sắc ở trong tự ngã, nhưng có thể quán tự ngã ở trong sắc. Sự quán ấy, này các Tỳ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... xúc ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỳ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
20-21) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, có thể không quán tự ngã như là có sắc, có thể không quán sắc ở trong tự ngã, có thể không quán tự ngã ở trong sắc. Nhưng có thể quán thọ như là tự ngã, và có thể quán tự ngã như là có thọ, có thể quán thọ ở trong tự ngã, và có thể quán tự ngã ở trong thọ.
22-23). .. có thể quán tưởng... có thể quán các hành...
24). .. có thể quán thức như là tự ngã, có thể quán tự ngã như là có thức; có thể quán thức ở trong tự ngã; và có thể quán tự ngã ở trong thức. Sự quán ấy, này các Tỳ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... xúc ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỳ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
★ Nhưng có thể có (tà) kiến (thường kiến) như sau: "Ðây là tự ngã, đây là thế giới; sau khi chết, tôi sẽ trở thành thường còn.
25) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã; có thể không quán thọ như là tự ngã; có thể không quán tưởng... không quán các hành... không quán thức như là tự ngã. Nhưng có thể có (tà) kiến như sau: "Ðây là tự ngã, đây là thế giới; sau khi chết, tôi sẽ trở thành thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại". Nhưng thường kiến ấy, này các Tỳ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi... Do biết như vậy, thấy như vậy, này các Tỳ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
★ Nhưng vị ấy có thể có (tà) kiến (đoạn kiến) như sau: "Nếu trước ta không có, thời nay không có của ta. Nếu ta sẽ không có, thời sẽ không có của ta"
26) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã; không quán thọ... không quán tưởng... không quán các hành... không quán thức là tự ngã; có thể không có (tà) kiến như sau: "Ðây là tự ngã, đây là thế giới; sau khi chết, tôi sẽ trở thành thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại". Nhưng vị ấy có thể có (tà) kiến như sau: "Nếu trước ta không có, thời nay không có của ta. Nếu ta sẽ không có, thời sẽ không có của ta".
27) Ðoạn kiến ấy, này các Tỳ-kheo, là hành. Nhưng hành ấy, lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh khởi, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỳ-kheo, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỳ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỳ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
Tác giả phân tích.
Bài kinh trên cho biết thân kiến bắt đầu duyên Xúc sanh ra duyên Thọ rồi sanh ra duyên Ái. Nếu nguyên nhân xa nữa từ duyên Lục nhập phát sanh ra thân kiến. Nếu biết vậy, thấy vậy thì các lậu hoặc đoạn tận lập tức đồng nghĩa thân kiến mất. Nếu không biết, không thấy Lý duyên khởi thì các lậu hoặc sanh khởi.