Khổ Thánh Đế cần phải liễu tri ---- Khổ Tập Thánh Đế cần phải đoạn tận ---- Khổ Diệt Thánh Đế cần phải chứng ngộ ---- Khổ Diệt Đạo Thánh Đế cần phải tu tập.

Lượt xem: 389


C6.2: Duyên Hành
Đại cương
Thế nào là hành?
Nguyên văn kinh Pali- Việt.
Định nghĩa 1: Có sáu tư thân này: sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư, pháp tư. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là hành.
Định nghĩa 2: Này các Tỳ-kheo, có ba hành này: thân hành, khẩu hành, ý hành. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là hành..
Định nghĩa 3: Này các Tỳ-kheo, Ta tuyên bố rằng suy tư là nghiệp; sau khi suy tư, tạo nghiệp về thân, về lời, về ý ..
Tác giả phân tích.
Hành hay Nghiệp là sáu tư dẫn đến ý hành, khẩu hành, thân hành.
Đơn giản lại định nghĩa Hành là ý hành, khẩu hành, thân hành.
Định nghĩa ý hành thiện ác, khẩu hành thiện ác và thân hành thiện ác đều trích từ kinh trung bộ số 41.
C6.2.1: Ý hành.
Nguyên văn Pali- Việt trích từ Kinh tương ưng 2, Chương IV - Phẩm cây - Tư lường.
Dự tính làm phước hành, thức (của người ấy) đi đến phước. Nếu người ấy dự tính làm phi phước hành, thức (của người ấy) đi đến phi phước. Nếu người ấy dự tính làm bất động hành, thức (của người ấy) đi đến bất động.
Ý là gốc nên chọn ý mà không chọn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân nên chỉ nói ý hành là đủ. Ý hành gồm có: ý hành thiện, ý hành ác, ý hành bất động.
C6.2.1.1: Ý hành thiện.
●    Không tham: Không có tham ái, không tham lam tài vật của kẻ khác, không nghĩ rằng: "Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình.
●    Không sân: Lại có người không có tâm sân, không có khởi lên hại ý, hại niệm, nhưng nghĩ rằng: "Mong rằng những loài hữu tình này sống không thù hận, không oán thù, không nhiễu loạn, được an lạc, lo nghĩ tự thân!
●    Chánh kiến: Có chánh kiến, không có tưởng điên đảo, nghĩ rằng: "Có bố thí, có kết quả của bố thí, có tế lễ, có cúng dường, các hành vi thiện ác có kết quả dị thục, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, trong đời, có các Sa-môn, Bà-la-môn chân chánh hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự tri, tự chứng lại tuyên bố cho đời này và cho đời sau."
C6.2.1.2: Ý hành ác.
●    Tham: Tham ái, tham lam tài vật kẻ khác, nghĩ rằng: "Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình!
●    Sân: Lại có người có tâm sân, khởi lên hại ý, hại niệm như sau: "Mong rằng những loài hữu tình này bị giết, hay bị tàn sát, hay bị tiêu diệt, hay bị tàn hại, hay mong chúng không còn tồn tại.
●    Tà kiến: Không có bố thí, không có kết quả của bố thí, không có tế lễ, không có cúng dường, các hành vi thiện ác, không có kết quả dị thục, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, trong đời không có các Sa-môn, Bà-la-môn chân chính hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự tri, tự chứng lại tuyên bố cho đời này và cho đời sau.
Một số loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
C6.2.1.3: Ý hành bất động.
Tâm bất động trước năm cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc do chứng đắc các tầng thiền sắc giới và bốn tầng thiền vô sắc giới, tâm các vị không còn tham sân si nhưng chưa hết vô minh.
C6.2.2: Khẩu hành.
Có ý hành rồi dẫn đến khẩu hành nhưng có khẩu hành thiện và khẩu hành ác.
C6.2.2.1: Khẩu hành thiện.
●    Không nói láo.
Từ bỏ vọng ngữ, tránh xa vọng ngữ, đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi được dẫn ra làm chứng và được hỏi: "Này người kia, hãy nói những gì Ông biết", nếu biết, người ấy nói: "Tôi biết"; nếu không biết, người ấy nói: "Tôi không biết"; hay nếu không thấy, người ấy nói: "Tôi không thấy"; nếu thấy, người ấy nói: "Tôi thấy". Như vậy, lời nói của người ấy không trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ, hoặc vì nguyên nhân tha nhân, hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì.
●    Không nói hai lưỡi.
Từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đi đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia; như vậy, người ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ hòa hợp, ưa thích hòa hợp, vui thích hòa hợp, thích thú hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp.
●    Không nói lời độc ác.
Từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, những lời nói nhu hòa, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người, người ấy nói những lời như vậy.
●    Không nói lời phù phiếm.
 Từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, người ấy nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về Chánh pháp, nói những lời về Luật, nói những lời đáng được gìn giữ. Vì nói hợp thời, nên lời nói thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có ích lợi. Như vậy, này các Gia chủ, có bốn loại khẩu hành đúng pháp, đúng chánh đạo.
C6.2.2.2: Khẩu hành ác.
●    Nói láo.
Này các Gia chủ, có người vọng ngữ, đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi được dẫn ra làm chứng và được hỏi: "Này người kia, hãy nói những gì Ông biết"; dầu cho người ấy không biết, người ấy nói: "Tôi biết"; dầu cho người ấy biết, người ấy nói: "Tôi không biết"; hay dầu cho người ấy không thấy, người ấy nói: "Tôi thấy"; hay dầu cho người ấy thấy, người ấy nói: "Tôi không thấy". Như vậy, lời nói của người ấy trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ, hoặc vì nguyên nhân tha nhân, hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì. 
●    Nói hai lưỡi.
Và người ấy là người nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, đến chỗ kia, nói đễ sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia, đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy, người ấy ly gián những kẻ hòa hợp hay xúi dục những kẻ ly gián, ưa thích phá hoại, vui thích phá hoại, thích thú phá hoại, nói những lời đưa đến phá hoại. 
●    Nói lời độc ác.
Và người ấy là người nói lời thô ác. Bất cứ lời gì thô ác, tàn ác, khiến người đau khổ, khiến người tức giận, liên hệ đến phẫn nộ, không đưa đến Thiền định, người ấy nói những lời như vậy. 
●    Nói lời phù phiếm.
 Nói những lời phù phiếm, nói phi thời, nói những lời phi chơn, nói những lời không lợi ích, nói những lời phi pháp, nói những lời phi luật, nói những lời không đáng gìn giữ. Vì nói phi thời, nên lời nói không có thuận lý, không có mạch lạc, hệ thống, không có lợi ích.
C6.2.3: Thân hành.
Có thân hành sẽ dẫn đến thân hành thiện và thân hành ác.
C6.2.3.1: Thân hành thiện.
●    Không sát sanh.
Có người từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình;
●    Từ bỏ lấy của không cho.
Từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác, hoặc tại thôn làng, hoặc tại rừng núi không cho người ấy, người ấy không lấy trộm tài vật ấy.
●    Từ bỏ tà hạnh.
Từ bỏ sống theo tà hạnh đối với các dục, không giao cấu với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa.
C6.2.3.2: Thân hành ác.
●    Sát sanh
Ở đây, này các Gia chủ, có người sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình. 
●    Trộm cắp.
Người này lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác hoặc tại thôn làng hoặc tại rừng núi không cho người ấy, người ấy lấy trộm tài vật ấy. 
●    Tà hạnh
Người ấy sống tà hạnh đối với các dục lạc, giao cấu với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa. 
Những định nghĩa về ý hành thiện, ý hành ác, khẩu hành thiện, khẩu hành ác, thân hành thiện, thân hành ác vừa nêu trên được trích dẫn từ kinh Trung bộ 41.
 C6.2.4 Kết luận
Duyên Hành là những hành động đã từng tạo ra quá khứ gồm có ba phần: ý hành, khẩu hành, thân hành. Cõi dục là cõi âm dương có hai hướng: Có ý hành thiện sanh vào cõi người và cõi trời như chúng ta hôm nay được làm người do ý hành thiện và có ý hành ác sanh vào ba đường ác: địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ. Có ý hành bất động sanh vào Cõi sắc giới tức là cõi nhất nguyên (không có thiện, ác) và cõi vô sắc (không có hình tướng). Nếu trong kiếp sống này mà chúng ta Vô minh tiếp tục tạo ra ý hành thiện, ý hành ác, ý hành bất động vẫn luân hồi. Chúng ta biết duyên Vô minh, duyên Hành ... do đức Phật đã nói. Tuy nhiên chúng ta có thể kiểm chứng tâm chúng ta hằng ngày có khởi ra ba hành liên tục hay không? Nếu khởi ra ý hành thiện có đem đến an lạc không? Nếu khởi ra khẩu hành thiện có đem đến an lạc không? Nếu khởi ra thân hành thiện có đem đến an lạc không? Tương tự tâm chúng ta khởi ra ý hành ác, khẩu hành ác, thân hành ác có đem đến đau khổ hay không? Quý vị nên kiểm chứng khi thấy đúng thì theo, nếu thấy không đúng thì bỏ đi.

 

XEM THÊM

Thông tin liên hệ

Website này do nhóm học trò cư sĩ Võ Thế Hòa quản lý và biên tập để chia sẻ giáo pháp và những lời dạy của thầy, dựa trên nền tảng là 5 bộ kinh Nikaya. hochoinghiencuunikaya@gmail.com

Thống kế số lượt truy cập

Thỉnh sách

Bạn đọc muốn thỉnh sách Tứ Thánh Đế là Tối Thượng hoặc tham gia lớp học, Xin vui lòng liên hệ facebook

Tải sách Tứ Thánh Đế là Tối Thượng

Tải xuống: 
 
Copyright © 2021 — msvietnam. All Rights Reserved