Có bài kinh Tăng chi tám pháp nói về biển có nhiều châu báu, có nhiều loại chúng sanh lớn sống trong biển, nước biển chỉ có một vị mặn dù biển bao la. Có nhiều châu báu tương ưng có bảy con đường chấm dứt khổ, có nhiều chúng sanh lớn tương ứng có tám bậc thánh. Có một vị mặn tương ứng với vị giải thoát.
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Veranjà, dưới gốc cây Nalerupucimanda. Rồi vua A-tu-la Pahàràda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên. Thế Tôn nói với vua A-tu-la Pahàràda đang đứng một bên:
- Này Pahàràda, có phải các A-tu-la thích thú biển lớn?
- Bạch Thế Tôn, các A-tu-la thích thú biển lớn.
- Này Paràhàda, có bao nhiêu sự vi diệu chưa từng có trong biển lớn mà do thấy chúng, các A-tu-la thích thú biển lớn?
- Bạch Thế Tôn, có tám vi diệu chưa từng có trong biển lớn mà do thấy chúng, các A-tu-la thích thú biển lớn. Thế nào là tám?
2. Bạch Thế Tôn, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Vì rằng bạch Thế Tôn, vì rằng biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhất, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
3. Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Vì rằng bạch Thế Tôn, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ, bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ hai, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
4. Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn không có chấp chứa xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Vì rằng bạch Thế Tôn, biển lớn không có chấp chứa xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Nên bạch Thế Tôn đây là vi diệu chưa từng có thứ ba, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
5. Lại nữa, bạch Thế Tôn, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravatì, sông Sarabhù, sông Mahì, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ cũ trở thành biển lớn. Vì rằng, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng ... trở thành biển lớn, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ tư, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
6. Lại nữa, bạch Thế Tôn, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có vơi có đầy. Bạch Thế Tôn, vì rằng, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có vơi có đầy, bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ năm, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
7. Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Vì rằng, bạch Thế Tôn, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ sáu, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
8. Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đây có những châu báu này, như thân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Vì rằng, bạch Thế Tôn, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đây có những châu báu này, như trân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ bảy, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
9. Lại nữa, bạch Thế Tôn, biển lớn là trú xứ các loại chúng sanh lớn, tại đấy, có những chúng sanh như các con Timi, Timingalà, Timiramingalà, những loại Asurà (A-tu-la), các loại Nàgà, các loại Gandhabbà. Trong biển có những loài hữu tình có tự ngã dài một trăm do tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do tuần. Vì rằng, bạch Thế Tôn, biển lớn là trú xứ các loài chúng sanh lớn ... năm trăm do tuần, nên bạch Thế Tôn, đây là vi diệu chưa từng có thứ tám, do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn. Nhưng bạch Thế Tôn, các Tỳ-kheo có thích thú trong Pháp và Luật này?
- Này Pahàràda, Tỳ-kheo có thích thú trong Pháp và Luật này.
- Bạch Thế Tôn, trong Pháp và Luật này có bao nhiêu pháp vi diệu chưa từng có mà do thấy chúng, thấy chúng, các Tỳ-kheo thích thú trong pháp và luật này?
10. - Này Pahàràda, có tám pháp vi diệu này chưa từng có trong Pháp và Luật mà do thấy chúng, thấy chúng, các Tỳ-kheo thích thú trong pháp và luật này. Thế nào là tám?
11. Ví như, này Pahàràda, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Cũng vậy, này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này Pahàràda, vì rằng trong pháp và luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình, nên này Pahàràda, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhất mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
12. Ví như, này Pahàràda, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Cũng vậy, này Pahàràda, khi các học pháp được Ta sửa soạn cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua,. Vì rằng này Pahàràda các học pháp được Ta sửa soạn cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua,. Nên này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu chưa từng có thứ hai do mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
13. Ví như, này Pahàràda, biển lớn không có chấp chứa xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Cũng vậy, này Pahàràda, người nào là ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh đáng nghi ngờ, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn, nhưng tự nhận là Sa-môn, không phải sống Phạm hạnh nhưng tự nhận có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh. Chúng Tăng không sống chung với người ấy, lập tức hội họp lại và đuổi người ấy ra khỏi. Dầu cho người ấy có ngồi giữa chúng Tỳ-kheo Tăng, nhưng người ấy sống xa chúng Tăng và chúng Tăng sống xa người ấy. Vì rằng, này Pahàràda, người ấy là ác giới, theo ác pháp, ... tánh tình bất tịnh ... và chúng Tăng sống xa vị ấy, nên này Pahàràda, trong pháp và luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ ba mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
14. Ví như, này Pahàràda, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravatì, sông Sarabhù, sông Mahì, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ cũ trở thành biển lớn. Cũng vậy, này Pahàràda, có bốn giai cấp: Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố, họ từ bỏ tên và họ của họ từ trước, và họ trở thành những Sa-môn Thích tử. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tư mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
15. Ví như, này Pahàràda, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có vơi có đầy. Cũng vậy, này Pahàràda, nếu có nhiều Tỳ-kheo nhập vào Niết-bàn giới không có dư y, Niết-bàn giới cũng không vì vậy được thấy có vơi có đầy. Này Pahàràda, nếu có nhiều vị Tỳ-kheo nhập vào Niết-bàn giới không có dư y, Niết-bàn giới cũng không vì vậy được thấy có vơi có đầy. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ năm mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
16. Ví như, này Pahàràda, biển lớn chỉ có một vị mặn. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật cũng chỉ có một vị là vị giải thoát. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ sáu mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
17. Ví như, này Pahàràda, biển lớn có nhiều châu báu, có nhiều loại châu báu, ở đây có những châu báu này, như trân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật này có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những châu báu này, như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Thánh đạo tám ngành. Này Pahàràda, vì rằng Pháp và Luật này có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những châu báu này, như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Thánh đạo tám ngành, nên này Pahàràdan, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ bảy mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
18. Ví như, này Pahàràda, biển lớn là trú xứ các loại chúng sanh lớn, tại đấy, có những chúng sanh như các con Timi, Timingalà, Timiramingalà, những loại Asurà (A-tu-la), các loại Nàgà, các loại Gandhabbà. Trong biển có những loài hữu tình với tự ngã dài một trăm do tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do tuần. Cũng vậy, này Pahàràda, Pháp và Luật là trú xứ của các loài chúng sanh lớn. Ở đấy có những loại chúng sanh này: bậc Dự lưu, bậc đã hướng đến chứng ngộ Dự lưu quả, bậc Nhất Lai, bậc đã hướng đến chứng ngộ Nhất lai quả, bậc Bất lai, bậc đã hướng đến chứng ngộ Bất lai quả, bậc A-la-hán, bậc đã hướng đến chứng ngộ quả A-la-hán. Này Pahàràda, vì rằng Pháp và Luật này là trú xứ của các loại chúng sanh lớn. Ở đấy có những chúng sanh này ... quả A-la-hán. Này Pahàràda, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tám mà do thấy vậy, thấy vậy, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Này Pahàràda, đây là tám pháp vi diệu, chưa từng có trong pháp và luật và do thấy vậy, do thấy vậy, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Tác giả phân tích.
Bài kinh trên cho chúng ta biết rằng có bảy con đường để tu tập để đoạn tận những nhân sanh khổ. Sau khi tu tập sẽ dẫn đến tám bậc Thánh và sự tu tập theo tuần tự chứ không có vấn đề đốn ngộ như nhiều người tưởng tượng. Ngủ một đêm sáng ra giác ngộ.
Thực hành bát Thánh đạo cũng theo tuần tự từ chánh tri kiến ... cho đến chánh định đến một thời điểm chín muồi thì tâm hành giả sẽ có tâm giải thoát và tuệ giải thoát.
Trong Phần III đã trình bày tại sao chúng ta có mặt ở đời và phải chiụ những cảm thọ khổ do bị sanh, bị bệnh, bị già, bị chết và cũng cho biết tại sao chúng ta sẽ có mặt trong tương lai dưới những hình tướng xấu xí mà phải nhận lãnh những cảm thọ khổ khủng khiếp. Nếu sanh vào bàng sanh, ngạ quỷ, địa ngục hoặc do làm nghiệp thiện sanh vào thiên giới hưởng thụ những cảm thọ sung sướng ở các cảnh trời thuộc dục giới hoặc tu thiền sẽ hưởng được những hỉ lạc của cõi sắc giới tuổi thọ vô lượng. Cứ như vậy luân hồi giữa các cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc không biết đến bao giờ thoát khỏi ba cõi đó.
Trong Phần IV sẽ trình bày cách chấm dứt khổ hay luân hồi và phương pháp hay con đường chấm dứt khổ hoàn toàn. Thông thường thế gian biết khổ nhưng không biết cách chấm dứt khổ thuộc Thánh đế thứ ba và không biết con đường dẫn đến diệt khổ thuộc về Thánh đế thứ tư. Chương 11 sẽ bàn về cách chấm dứt khổ và chương 12 chỉ con đường dẫn đến chấm dứt khổ. Chương 1,2,3,4 & 5 dành cho những cho người chưa biết gì về Tứ Thánh đế. Đức Phật chỉ dạy tu tập từ thấp (sơ thiện) đến vừa (trung thiện) và hậu thiện (Tứ Thánh Đế), nếu những ai chưa biết gì, chưa hiểu gì nên đọc chương 1,2,3 tu từ thấp lên cao.
Phần III và Phần IV sẽ giúp chứng một trong bốn bậc Thánh không còn phàm phu nữa. Sự khổ đau còn 7 kiếp hoặc hết khổ hoàn toàn.
Diệt khổ đế là sự diệt khổ có thật. Hành giả cần chứng ngộ chứ không phải tưởng tượng. Niết Bàn chỉ đến với hành giả đã thực hành bát chánh đạo viên mãn. Nếu không thực hành bát chánh đạo thì sự chứng ngộ Niết Bàn không có.
Đa số người học Phật hiểu lầm từ "Diệt Khổ" và tự biên tự diễn về từ này nên không thể nào chấm dứt khổ được. Trích ra đây một đoạn trong kinh Tiểu bộ 1 nói về Lý Duyên diệt như sau:
"Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Tức là duyên vô minh, có các hành; duyên các hành, có thức; duyên thức, có danh sắc; duyên danh sắc, có sáu xứ; duyên sáu xứ, có xúc; duyên xúc, có thọ; duyên thọ, có ái; duyên ái, có thủ; duyên thủ, có hữu; duyên hữu, có sanh; duyên sanh, có già, chết, sầu bi khổ ưu não. Như vậy là sự tập khởi của khổ uẩn này".
Lý duyên khởi là luôn luôn bắt đầu "Do cái này sanh "gọi là nhân và "Cái kia sanh" gọi là quả còn Lý duyên diệt luôn luôn cái khởi đầu (cái này) diệt thì cái cuối (cái kia) diệt. Như vậy quả khổ (cái kia) do nhân (cái này) sanh khởi, từ đó có trí tuệ khởi lên là "muốn hết khổ là diệt cái nhân thì khổ sẽ không bao giờ có. Còn quả khổ do có nhân sanh nên chấp nhận". Nếu ai thấy Lý Duyên khởi và Lý Duyên diệt sẽ có trí tuệ sanh khởi (biết được cách chấm dứt khổ). Sau khi thấy biết được cách diệt khổ sẽ phải chứng nghiệm diệt khổ tức là chứng nghiệm không còn tham, không còn sân, không còn si. Để chứng đạt diệt tham, diệt sân, diệt si cần phải tu tập một trong bảy con đường để chấm dứt khổ..
Chứng ngộ Niết bàn đồng nghĩa là tham sân si (10 kiết sử) mất từ từ đến mất hoàn toàn không còn sanh lại, trong khi phàm phu tham sân si cứ sanh rồi diệt rồi sanh lại. Có bốn bậc Thánh mà 10 kiết sử tiêu diệt từ từ cho đến khi không còn kiết sử nào.
Để hình dung Niết Bàn như thế nào? Đức Phật đã cho một ví dụ là một Khúc Gỗ trôi trên sông. Nếu Khúc Gỗ ra tới biển gọi là Niết Bàn. Bài kinh được trích từ kinh Tương ưng 4.
Niết Bàn như Khúc Gỗ đã trôi đến biển.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
200. IV. Khúc Gỗ (1) (S.iv,179)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, trên bờ sông Gangà.
2) Thế Tôn thấy một khúc gỗ lớn trôi theo dòng nước sông Hằng, thấy vậy liền gọi các Tỳ-kheo:
-- Này các Tỳ-kheo, các Ông có thấy khúc gỗ to lớn này đang trôi theo dòng nước sông Hằng không?
-- Thưa có, bạch Thế Tôn.
3) -- Này các Tỳ-kheo, nếu khúc gỗ không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị loài Người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị mắc vào xoáy nước, không bị mục bên trong; như vậy, này các Tỳ-kheo, khúc gỗ ấy sẽ hướng về biển, sẽ xuôi theo biển, sẽ nghiêng nhập vào biển. Vì sao? Vì rằng, này các Tỳ-kheo, dòng sông Hằng hướng về biển, xuôi theo biển, nghiêng trôi về biển. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, nếu các Ông không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị loài Người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị mắc vào xoáy nước, không bị mục bên trong; như vậy, này các Tỳ-kheo, các Ông sẽ hướng về Niết-bàn, sẽ xuôi theo Niết-bàn, sẽ nghiêng nhập vào Niết-bàn. Vì sao? Vì rằng, này các Tỳ-kheo, chánh kiến hướng về Niết-bàn, xuôi theo Niết-bàn, nghiêng nhập vào Niết-bàn.
4) Khi được nghe nói vậy, một Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, bờ bên này là gì? Bờ bên kia là gì? Thế nào là chìm giữa dòng? Thế nào là mắc cạn trên miếng đất nổi? Thế nào là bị loài Người nhặt lấy? Thế nào là bị phi nhân nhặt lấy? Thế nào là bị mắc vào xoáy nước? Thế nào là bị mục nát bên trong?
5) -- Bờ bên này, này Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với sáu nội xứ này.
6) Bờ bên kia, này Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với sáu ngoại xứ.
7) Bị chìm giữa dòng, này Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với hỷ tham.
8) Bị mắc cạn trên miếng đất nổi, này Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với ngã mạn.
9) Và này Tỳ-kheo, thế nào là bị người nhặt lấy? Ở đây, Tỳ-kheo sống quá liên hệ với cư sĩ, chung vui, chung buồn, an lạc khi họ an lạc, đau khổ khi họ bị đau khổ, tự trói buộc mình trong các công việc phải làm được khởi lên của họ. Ðây gọi là Tỳ-kheo bị loài Người nhặt lấy.
10) Và thế nào, này Tỳ-kheo, là bị phi nhân nhặt lấy? Ở đây, Tỳ-kheo sống Phạm hạnh với ước nguyện được sanh cộng trú với một hạng chư Thiên: "Mong rằng với giới luật này, với cấm giới này, với khổ hạnh này, với Phạm hạnh này, ta sẽ trở thành Thiên nhân hay một loài chư Thiên!" Ðây, này Tỳ-kheo, được gọi là bị phi nhân nhặt lấy.
11) Bị mắc vào xoáy nước, này Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với năm dục công đức.
12) Và này Tỳ-kheo, thế nào là bị mục nát bên trong? Ở đây, này Tỳ-kheo, có người thọ tà giới, theo ác pháp, bất tịnh, có những hành vi đáng nghi ngờ, có những hành động che đậy, không phải Sa-môn nhưng hiện tướng Sa-môn, không phải Phạm hạnh nhưng hiện tướng Phạm hạnh, nội tâm bị hủ bại, đầy dục vọng, là một đống rác bẩn. Ðây, này Tỳ-kheo, được gọi là bị mục nát bên trong.
11) Lúc bấy giờ Nanda, người chăn bò, đứng không xa Thế Tôn bao nhiêu.
12) Rồi người chăn bò Nanda bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, con không đâm vào bờ bên này, con không đâm vào bờ bên kia, con không bị chìm giữa dòng, con không bị mắc cạn trên miếng đất nổi, con không bị loài Người nhặt lấy, con không bị phi nhân nhặt lấy, con không bị mắc vào xoáy nước, con không bị mục nát bên trong. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho con được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới.
13) -- Này Nanda, hãy đem trả các con bò cho người chủ.
-- Bạch Thế Tôn, chúng sẽ đi trở về. Các bò mẹ đang trông mong gặp lại các con bê của chúng.
-- Tuy vậy, này Nanda, Ông hãy trả lui các con bò cho những người chủ.
14) Rồi Nanda, người chăn bò, sau khi trả lui các con bò cho những người chủ, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, bạch Thế Tôn:
-- Bạch Thế Tôn, các con bò đã được trả lui cho những người chủ. Bạch Thế Tôn, xin hãy cho con được xuất gia với Thế Tôn. Hãy cho con thọ đại giới.
15) Nanda, người chăn bò được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới. Sau khi thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Nanda sống một mình, an tịnh...
16) Tôn giả Nanda trở thành một vị A-la-hán nữa.
Xem hình minh hoạ Hình 3 trang 483
Tác giả phân tích
Để hiểu Niết Bàn rất khó nên Đức Phật cho hình ảnh khúc gỗ trôi trên sông sẽ ra biển. Nếu khúc gỗ không bị dính mắc vào bờ bên này, vào bờ bên kia, không bị hư mục bên trong, không bị chìm đắm, không bị cuốn vào nước xoáy, không bị mắc cạn vào vùng đất nổi, không bị loài người nhặt lấy, không bị loài phi nhân nhặt lấy.
Như vậy khúc gỗ tiêu biểu cho hành giả tu tập để không dính mắc vào sáu nội xứ, không dính mắc vào sáu ngoại xứ, không dính mắc năm dục trưởng dưỡng, không tham hỷ lạc, không ngã mạn, không thân mật với cư sĩ quá khi họ vui cùng vui theo, khi họ buồn cùng buồn theo, giữ giới hạnh mong cầu sanh làm chư thiên này hay chư thiên khác, nội tâm không hôi hám (không tham, không sân, không si) thì có Niết bàn hiện tiền. Một ví dụ quá cụ thể mà Đức Phật đã nói quá rõ ràng như thế mà không nhận ra Niết Bàn như thế nào thì hành giả luân hồi mãi mãi. Tuy nhiên trong một bài kinh khác, Đức Phật đã giải thích thế nào là Pháp thiết thực hiện tại.
Pháp Thiết thực hiện tại chính là Niết bàn.
Đây là bài kinh định nghĩa Niết Bàn được trích kinh tăng chi - Ba pháp - phẩm Bà la môn.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Rồi Bà-la-môn Jànussoni đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ, nói lên những lời chào đón thăm hỏi thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Jànussoni bạch Thế Tôn:
- Thiết thực hiện tại là Niết bàn, thưa Tôn giả Gotama, được nói đến như vậy. Cho đến như thế nào, thưa Tôn giả Gotama, Niết bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu?
- Bị tham ái làm say đắm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ điều hại mình, suy nghĩ điều hại người, suy nghĩ điều hại cả hai, cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Tham ái được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Như vậy, này Bà-la-môn, Niết bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Bị sân làm uế nhiễm, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ điều hại mình, suy nghĩ điều hại người, suy nghĩ điều hại cả hai, cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Sân được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Như vậy, này Bà-la-môn, Niết bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Bị si làm mê mờ, này Bà-la-môn, bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm, nên suy nghĩ điều hại mình, suy nghĩ điều hại người, suy nghĩ điều hại cả hai, cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Si được đoạn trừ, thời không nghĩ đến tự hại, không nghĩ đến hại người, không nghĩ đến hại cả hai, không cảm thọ tâm khổ tâm ưu. Như vậy, này Bà-la-môn, Niết bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
Khi vị ấy, này Bà-la-môn, cảm thọ tham ái được đoạn tận, không có dư tàn, cảm thọ sân được đoạn tận, không có dư tàn, cảm thọ si được đoạn tận, không có dư tàn. Như vậy, này Bà-la-môn, Niết bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.
- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng những gì bị quăng ngã xuống, hay trình bày cái gì bị che kín, hay chỉ đường cho người bị lạc hướng, hay cầm đèn sáng vào bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện thuyết giảng. Con nay xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y Tăng. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
Tác giả phân tích.
Tham, sân, si chấm dứt hoàn toàn gọi là thiết thực hiện tại là Niết Bàn.
Không có thời gian đến để mà thấy vì khi giác ngộ thì tâm tham, tâm sân, tâm si không còn khởi ra nữa thì làm gì có thời gian đến để thấy. Giác ngộ sanh khởi do quán nhiều về tiến trình sanh diệt tham, sân, si đến một lúc nào đó giác ngộ ra tham, sân, si sẽ không còn sanh khởi. Cho một ví dụ dễ hiểu như sau:
Có một người bạn rất tốt giúp hành giả mọi thứ đến một ngày khám phá ra rằng người bạn cướp vợ mình. Sự giác ngộ rằng bản chất người này xấu thì tính thân thiết về người bạn đó biến mất. Cũng vậy khi giác ngộ ra bản chất tham, sân, si gây cho đau khổ nếu hành giả nào nhận ra như vậy thì tham, sân, si không còn sanh lại nữa. Khi tham, sân, si không sanh lại là Niết Bàn.
Chứng nghiệm diệt khổ qua hai giai đoạn - Giai đoạn 1: Khi quả khổ đã hết gọi là Niết Bàn nhưng do không biết, không nhận ra hết khổ là Niết Bàn nên vô minh nữa sẽ sanh khởi hành tiếp nên Niết Bàn không còn nữa.
Giai đoạn 2: Biết ái là nguyên nhân sanh ra khổ và ái đoạn tận hoàn toàn không còn sanh ra quả khổ nữa. Đây là Niết Bàn vĩnh viễn.
C11.0: Khổ Diệt Thánh đế cần phải chứng ngộ.
Tại sao Khổ diệt cần phải chứng ngộ?
Nếu không chứng ngộ được thì sự học Phật Pháp thuần lý thuyết sẽ không thể nào thoát khổ được. Vì lý do này trong bài kinh Chuyển Pháp Luân đã tuyên thuyết "Ðây là Thánh đế về Khổ diệt, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp... quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp... quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ diệt đã được chứng ngộ, này các Tỳ-kheo, đối với các pháp... quang sanh.".
Người học Phật cần trải nghiệm khi tham không có, khi sân không có, khi si không có và Tham, Sân, Si không bao giờ sanh khởi trở lại. Đây là Niết Bàn chứ không gì khác.
Khổ diệt Thánh đế cần phải chứng ngộ có nghĩa tâm hành giả đã đoạn tận 10 kiết sử rồi. Vị này chấm dứt 10 kiết sử là quả vị cao nhất ở thế gian này là bậc đáng cúng dường là ruộng phước vô thượng ở đời. Thời này rất khó gặp bậc Thánh A la hán còn ba bậc Thánh kia con người thời đại chúng ta có thể chứng ngộ được. Những mục kế tiếp được bàn về những kiết sử nào cần chấm dứt trước và sau.