Khổ Thánh Đế cần phải liễu tri ---- Khổ Tập Thánh Đế cần phải đoạn tận ---- Khổ Diệt Thánh Đế cần phải chứng ngộ ---- Khổ Diệt Đạo Thánh Đế cần phải tu tập.

Lượt xem: 909

Phần Kết Luận Tập sách.

Tập sách này gồm có Phần Giới thiệu và 12 Chương gồm vào bốn phần: Phần I, Phần II, Phần III, Phần IV, Phần Kết luận.

Phần Giới thiệu

Trình bày những rào cản ngôn ngữ để học Kinh dịch từ Pali hay Sanskrit nhưng khi học Kinh cần phải đạt ý quên lời và chứng nghiệm chứ không phải tin vào văn tự vì văn tự chỉ biểu thị sự thật. Có văn tự rồi đi đến sự thật vô cùng khó khăn nên cần kiên nhẫn và thời gian.
Trình bày những bài kinh tối quan trọng nhất trong hệ thống kinh Pali - Việt như:

  • Kinh Chuyển Pháp luân mà nội dung chính là Tứ Thánh đế đã có một một uy lực rất lớn và đã làm rung động 10 ngàn thế giới. Ngoài bài kinh này không có một bài kinh nào khác nữa có một uy lực như vậy. Hơn nữa những Phật tử đi thăm viếng bốn chỗ động tâm ở Ấn độ mà có một chỗ Đức Phật đã thuyết bài kinh này. Ngày nay Phật tử đã lơ là và đã học sơ qua Tứ Thánh đế mà chạy theo những Pháp cao siêu hơn Tứ Thánh đế. Đây là sai lầm lớn nhất của những người học Phật Pháp hôm nay và đã mất cơ hội giải thoát ngay kiếp này.

  • Bài kinh Lá rừng Simsapa xác quyết rằng "Và này các Tỳ-kheo, điều gì mà Ta nói? "Ðây là Khổ", này các Tỳ-kheo, là điều Ta nói. "Ðây là Khổ tập", là điều Ta nói. "Ðây là Khổ diệt", là điều Ta nói. "Ðây là Con Ðường đưa đến Khổ diệt", là điều Ta nói." Nhưng tại sao, này các Tỳ-kheo, Ta lại nói ra những điều ấy? Vì rằng, này các Tỳ-kheo, những điều ấy liên hệ đến mục đích, là căn bản cho Phạm hạnh, đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Do vậy, Ta nói lên những điều ấy. Vậy mà những người học Phật hôm nay đi vào rừng để kiếm hàng ngàn chiếc lá khác mà bỏ đi bốn chiếc lá Tứ Thánh đế.

  • Bài kinh "Con đường xưa cũ" đã xác quyết rằng những vị Chánh Đẳng Giác quá khứ đã đi qua và nay Thế Tôn cũng đi qua. Chúng ta là ai mà không bắt chước Ngài theo con đường xưa cũ mà Ngài đã đi qua. Thế nào là con đường xưa cũ? 12 nhân duyên là Khổ đế, Tập đế và Đạo đế là Bát Thánh đạo.

  • Những giờ sau cùng trước khi nhập Niết Bàn Thế Tôn đã nói như sau: "Này Subhadda, trong pháp luật nào không có Bát Thánh đạo, thời ở đây không có đệ nhất Sa-môn, ở đây cũng không có đệ nhị Sa-môn, cũng không có đệ tam Sa-môn, cũng không có đệ tứ Sa-môn. Này Subhadda trong pháp luật nào có Bát Thánh đạo, thời ở đây có đệ nhất Sa-môn, cũng có đệ nhị Sa-môn, cũng có đệ tam Sa-môn, ở đấy cũng có đệ tứ Sa-môn. Này Subhadda, chính trong pháp luật này có Bát Thánh Ðạo, thời này Subhadda, ở đây có đệ nhất Sa-môn, ở đây cũng có đệ nhị Sa-môn, cũng có đệ tam Sa-môn, cũng có đệ tứ Sa-môn. Những hệ thống ngoại đạo khác đều không có những Sa-môn. Này Subhadda, nếu những vị Tỳ-kheo này sống chơn chánh, thời đời này không vắng những vị A-la-hán".

  • Bài kinh Phá hoà hợp Tăng cảnh cáo cho những vị nào đi rao giảng những điều Như Lai không nói mà nói rằng Như Lai thuyết hoặc những gì Như Lai có thuyết mà nói rằng Như Lai không thuyết. Nếu như vậy đọa địa ngục một kiếp.

Do duyên các bài kinh trên mà chọn tựa đề cuốn sách "Tứ Thánh đế là tối thượng"nghĩa là không có một bài kinh nào khác cao hơn kinh Chuyển Pháp Luân.

Phần I: Bố thí, Trì giới, Cõi trời dục giới

Đáng lý ra Phần này để cuối cùng nhưng để lên trước là do chư Phật đều thuyết tuần tự như vậy. Vì Tứ Thánh đế là pháp cao nhất trong đạo Phật rất khó hiểu nên không thể thuyết trước mà phải nói sau cùng. Phần I dành cho những ai chưa biết nhiều về Phật pháp nên cần thực hành bố thí cho viên mãn và cố gắng thành tựu 5 giới hay 8 giới hay 10 giới. Nhờ thành tựu giới mà sanh thiên giới hưởng phước lâu dài nhưng sau khi hưởng hết phước báu rồi luân hồi vào ba đường ác khổ đau. Tuy nhiên chúng sanh không thành tựu giới đời này, sau khi chết sẽ sanh vào ba đường ác khổ vô cùng. Như vậy giữa giữ giới và không giữ giới thì cái nào lợi hơn. Nếu là người trí sẽ chọn giữ giới để có một đời sống tốt đẹp sau khi chết.

Phần II: Vị ngọt, nguy hiểm, xuất ly dục

Phần này gồm hai chương: Chương bốn và Chương năm.
Chương bốn trình bày về vị ngọt của sáu nội xứ và của sáu ngoại xứ. Vị ngọt ai cũng ưa, cũng thích nên trói buộc mà phải khổ đau sau này. Sự nguy hiểm của sáu nội xứ và của sáu ngoại xứ là vô thường, biến hoại, khổ. nguy hiểm thì chúng sanh mới biết sợ và xa lánh thì không trói buộc vào chúng nữa. Như chuyện vợ chồng trói buộc với nhau do vị ngọt khả ái khả lạc mà hút nhau nhưng do sự vô thường người vợ hay người chồng chết nên sanh ra khổ đau. Sau khi biết vị ngọt và nguy hiểm của sáu nội xứ và sáu ngoại xứ thì sự xuất ly sanh khởi. Tâm ly tham, từ bỏ không ham muốn vị ngọt vì biết rằng cuối cùng là khổ.
Chương sáu trình bày về kết quả tu tập ly dục sẽ sanh vào 15 cõi trời sắc giới sẽ hưởng tuổi thọ vô lượng nhưng hưởng hết tuổi thọ vẫn phải luân hồi vào ba đường ác.
Những người sống tại gia khó thực hiện phần này vì đòi hỏi ly dục mà người đời thích dục. Người xuất gia cần phải sống nơi hoang vắng chứ sống ngay trong thành phố cũng không thực hành được vì dục sẽ sanh khởi. Thông thường phần này thời xưa bên Ấn độ vào rừng tu thì sẽ ly dục dễ dàng còn thời đại này rất khó tu vô cùng.

Phần III trình bày Lý Duyên khởi tức Luật Nhân quả

Phần này gồm có bốn chương: Chương sáu nói về nghiệp cũ. Chương bảy nói về quả khổ/lạc hiện tại. Chương tám nói về nghiệp mới. Chương chín nói về quả khổ tương lai. Chương 10 nói về áp dụng Tứ đế vào 11 duyên trong 12 duyên.
Lý Duyên khởi rất quan trọng nên người học Phật phải tìm hiểu cho sâu thì may ra mới thoát khổ được. Đức Phật đã khám phá định lý này và đã nói lại cho chúng ta biết ngoài ra không một ai trên thế gian biết cả. Lý duyên khởi chia làm ba thời: quá khứ, hiện tại, tương lai.
Quá khứ là những hành động đã tạo trong quá khứ sanh ra quả khổ lạc ngày nay. Muốn biết điều này cần chứng được Túc Mạng minh sẽ biết chúng ta đã làm gì và đã sanh ở đâu và sau khi chết sanh ở đâu. Thế giới hôm nay dựa vào dục (sự ham muốn) thì không thể nào ly dục được nên không chứng Tứ thiền thì Túc mạng minh không sanh khởi nên phần này chúng ta tin tuyệt đối Đức Phật có Tam Minh nói lại cho chúng ta biết còn ai nghi ngờ Đức Phật thì chấm hết không có gì để bàn. Một khi đã khởi ra hành động chắc chắn sẽ sanh ra quả khổ/lạc. Người học Phật phải chiêm nghiệm đúng hay không. Trên đời này cái gì đã xảy ra đều có nguyên nhân.
Hành động khởi ra gọi là Khổ Tập và quả khổ/lạc gọi là quả. Nếu ai nhận ra điều này đúng thì trong tương lai có quả khổ lạc do biết những hành động gì đã gây ra ngày hôm nay. Như vậy khổ tập chia làm hai phần: Nghiệp cũ đã sanh ra quả khổ lạc thì phải chấp nhận như một người đã đi vay tiền thì đúng thời phải trả nợ, không có việc nói thế này thế kia không hợp lý. Cái gì đang xảy ra hằng ngày gọi là quả khổ hay quả lạc hiện tại do nghiệp cũ sanh khởi. Tương lai có quả khổ tùy thuộc vào những hành động hôm nay gọi là nghiệp mới. Nếu đời sống hằng ngày có những hành động thiện chắc chắn sẽ có quả tốt sẽ đến chứ không phải ngẫu nhiên. Nếu đời sống hằng ngày tạo những hành động xấu thì tương lai sẽ có quả xấu đến chứ chẳng phải do ai gây ra cả.
Định lý khổ và khổ tập tức là Lý duyên khởi giúp con người hiểu biết vì sao chúng ta sướng hay khổ do ta cả mà không do Chúa hay Thượng đế hay Phật tạo ra.
Có một vòng khép kín xuyên suốt từ Duyên Vô minh, Hành .... Thủ, Hữu, Sanh, Già chết khó mà thoát được nên Đức Phật dạy bốn mươi bốn căn bản trí giúp chúng sanh thoát khỏi cái vòng kim cô này.
Phần III dành cho cả người xuất gia và người tại gia có thể tìm hiểu. Nếu tìm hiểu cho rốt ráo đã bước vào cửa bất tử.

Phần IV trình bày Diệt Khổ và Con đường dẫn đến diệt khổ

Phần này gồm có hai chương: Chương 11 bàn về Diệt khổ và Chương 12 bàn về phương pháp hay con đường diệt khổ.
Diệt khổ là hết khổ là Niết Bàn. Đây là mục tiêu tối hậu mà những người học Phật hướng đến vì không còn sanh lại dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Để làm được việc này người học Phật phải biết nguồn gốc vì đâu con người sanh ra đời và khi chết đi về đâu. Nguồn gốc phát sanh ra tam giới trong đó có sáu loài chúng sanh chính là 12 nhân duyên. Muốn diệt tận gốc sanh tử là diệt Vô minh và Hành thì có Niết Bàn.
Có bốn bậc Thánh tùy vào hành giả diệt được kiết sử nào. Nếu diệt Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ thì đây là bậc Thánh dự lưu chỉ còn khổ tối đa 7 lần. Nếu diệt Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ và muội lược Tham, Sân thì đây là bậc Thánh nhứt lai, chỉ còn khổ đau một lần. Nếu diệt Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ, Tham, Sân thì đây là bậc Thánh bất lai không còn khổ đau nữa, sanh vào cõi trời sắc giới, hưởng hết tuổi thọ và nhập Niết Bàn từ đấy. Nếu diệt 10 kiết sử: Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ, Tham, Sân, Ái sắc giới, Ái vô sắc giới, Mạn, Trạo cử, Vô minh thì đây là bậc Thánh A la hán không còn khổ đau và nhập vào Niết Bàn sau khi thân hoại mạng chung. Tuy nhiên để đạt mục tiêu bốn bậc Thánh, Hành giả cần phải thực hành bát Thánh đạo cho viên mãn chứ không phải ngồi tụng kinh gõ mõ suốt ngày hay cầu nguyện hay tụng chú.
Chương 12 bàn về con đường Bát chánh có tám chi phần sẽ diệt được Bát tà. Tại sao chọn con đường Bát chánh? Vì Bát Chánh sẽ diệt tất cả, những nguyên nhân có thể xảy ra đưa đến khổ đau còn những con đường khác chỉ diệt một số nguyên nhân chứ không diệt tất cả vì Đức Phật có khả năng biết những ai có kiết sử nào và không có kiết sử nào nên đã thuyết những con đường khác chỉ cho diệt kiết sử nào đang có.
Tu tập Chánh kiến sẽ đoạn tận Tà kiến do có tà kiến dẫn đến luân hồi và đau khổ.
Tu tập Chánh tư duy sẽ đoạn tận Tà tư duy vì do suy nghĩ về dục do suy nghĩ về sân hận, suy nghĩ về hại dẫn đến luân hồi và đau khổ.
Tu tập Chánh ngữ sẽ đoạn tận Tà ngữ vì do tà ngữ dẫn đến luân hồi và khổ đau.
Tu tập Chánh nghiệp sẽ đoạn tận Tà nghiệp vì tà nghiệp dẫn đến luân hồi và khổ đau.
Tu tập Chánh tinh tấn sẽ đoạn tận Tà tinh tấn vì Tà tinh tấn dẫn đến luân hồi và khổ đau.
Tu tập Chánh niệm sẽ đoạn tận Tà niệm vì tà niệm dẫn đến luân hồi và khổ đau.
Tu tập Chánh định sẽ đoạn tận Tà định vì Tà định dẫn đến luân hồi và khổ đau.
Như vậy tu tập bát Thánh đạo sẽ hết khổ đau và chấm dứt luân hồi.
Phần IV này rất khó tu cho cả người tại gia và người xuất gia. Lý do là người nào đã sanh ra đời này cũng đã bị dính mắc vào môi trường mình đang sống và đã dính mắc truyền thống tôn giáo mà mình đã nhập vào từ khi vào chùa cho đến khi đến chức này chức nọ. May mắn thay cho ai thoát được cái vỏ truyền thống mà đã bị nhồi sọ từ nhỏ đến lớn mà không hay biết. Tuy nhiên có ai thoát ra khỏi vỏ ốc truyền thống của mình thì phước nhiều đời của những vị đó.
Thế Tôn đã nói trong kinh Tăng chi tám pháp phẩm Gotami như sau: "Vì rằng, này Ananda, nữ nhân được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật này, này Ananda, Phạm hạnh sẽ không được an trú lâu dài, thời này Ananda, diệu pháp được tồn tại năm trăm năm."
Diệu Pháp này đã tồn tại hơn 500 năm rồi nên ngày nay có còn mấy ai học và thực hành những lời dạy đức Phật trong năm bộ kinh Nikaya nữa đây.
Tất cả có bốn phần và phần giới thiệu đã nói lên tất cả tập sách này muốn nói và gửi đến những hành giả muốn chấm dứt khổ đau nên cố gắng tìm hiểu, suy tư, chứng nghiệm mà không nên tin ai một cách mù quáng dù đó là bậc đạo sư của mình.

 


XEM THÊM

Thông tin liên hệ

Website này do nhóm học trò cư sĩ Võ Thế Hòa quản lý và biên tập để chia sẻ giáo pháp và những lời dạy của thầy, dựa trên nền tảng là 5 bộ kinh Nikaya. hochoinghiencuunikaya@gmail.com

Thống kế số lượt truy cập

Thỉnh sách

Bạn đọc muốn thỉnh sách Tứ Thánh Đế là Tối Thượng hoặc tham gia lớp học, Xin vui lòng liên hệ facebook

Tải sách Tứ Thánh Đế là Tối Thượng

Tải xuống: 
 
Copyright © 2021 — msvietnam. All Rights Reserved