Khổ Thánh Đế cần phải liễu tri ---- Khổ Tập Thánh Đế cần phải đoạn tận ---- Khổ Diệt Thánh Đế cần phải chứng ngộ ---- Khổ Diệt Đạo Thánh Đế cần phải tu tập.

Lượt xem: 426


C7.2: Lục nhập
Đại cương
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
●    Thế nào là sáu xứ? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là sáu xứ. (kinh tương ưng 2)
●    Nhưng bạch Thế Tôn, cho đến mức độ nào là vừa đủ để nói: "Tỳ-kheo thiện xảo về xứ?"
Này Ananda, có sáu nội xứ, ngoại xứ này: mắt và sắc, tai và tiếng, mũi và hương, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp. Này Ananda, cho đến khi biết được, thấy được sáu nội ngoại xứ này, cho đến mức độ như vậy, này Ananda, là vừa đủ để nói: "Tỳ-kheo thiện xảo về xứ". (kinh trung bộ 115).
●    Sáu ngôi làng trống không và sáu tên cướp phá làng.
14) Ngôi làng trống không, này các Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với sáu nội xứ. Này các Tỳ-kheo, nếu một người hiền, kinh nghiệm, có trí, tìm hiểu nó với con mắt; vị ấy thấy nó là trống không, là rỗng không, là tuyệt không... Nếu tìm hiểu nó với ý; vị ấy thấy nó là trống không, là rỗng không, là tuyệt không.
15) Bọn cướp phá làng, này các Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với sáu ngoại xứ. Này các Tỳ-kheo, mắt bị tàn hại trong các sắc khả ái và không khả ái. Này các Tỳ-kheo, tai bị tàn hại trong các tiếng khả ái và không khả ái. Này các Tỳ-kheo, mũi bị tàn hại trong các hương khả ái và không khả ái. Này các Tỳ-kheo, lưỡi bị tàn hại trong các vị khả ái và không khả ái. Này các Tỳ-kheo, thân bị tàn hại trong các xúc khả ái và không khả ái. Này các Tỳ-kheo, ý bị tàn hại trong các pháp khả ái và không khả ái. (Trích từ kinh Tương ưng 4 -Rắn độc).
Tác giả phân tích.
Sáu nội xứ đã thành hình trong bụng mẹ nhưng mắt thường chúng ta không thấy. Với Thiên nhãn minh mà Đức Phật đã thấy bào thai đã hình thành sáu giác quan đầy đủ trong bụng mẹ vào tuần thứ 19 từ khi thụ thai. Sau đó đứa bé lọt ra khỏi bụng, sáu giác quan bắt đầu nhập sáu ngoại xứ đầy đủ. Sự hiểu biết bắt đầu phát triển theo thời gian cho đến 20 tuổi gọi là tuổi trưởng thành.
Lục nhập là điểm bắt đầu của cuộc đời của chúng ta. Ít người nhận thấy rằng sáu giác quan rất quan trọng. Vì những cảnh sắc, cảnh thanh, cảnh hương, cảnh vị, cảnh xúc, cảnh pháp nhập vào tâm sẽ tạo thành sáu cái biết. Chính sáu biết này mà Đức Phật đã dạy trong kinh Tăng chi ba pháp là những hạt giống và sẽ trổ thành những quả tốt hay quả xấu. Tác giả có kinh nghiệm khi nhập vào những hạt giống xấu đã trổ thành quả xấu đúng 100/100. Tuy nhiên để thoát khỏi tam giới hay chấm dứt luân hồi thì duyên Sắc và duyên Thanh cực kỳ quan trọng. Theo tác giả nhận xét rằng con người ngày nay nhập những thông tin cảnh Sắc tức là văn tự kinh hoặc thông tin cảnh Thanh tức là những lời giảng trên youtube hay facebook không phải là những hạt giống đưa đến chấm dứt luân hồi mà chỉ là những hạt giống đưa đến luân hồi đau khổ lâu dài.
Đoạn kinh trên đã nêu ra những cảnh sắc, cảnh thanh, cảnh hương, cảnh vị, cảnh xúc, cảnh pháp là sáu tên phá làng là vậy. Nếu những ai sanh ra đời mà nhập được Tứ Thánh đế mà Tập đế là 12 Nhân duyên và Đạo đế là Bát Thánh đạo. Quý vị có cơ hội thoát khỏi sanh tử.
Sáu nội xứ chính (sáu ngôi làng trống không) sẽ bị sáu tên phá làng (chính là sáu ngoại xứ) xâm hại. Vì vậy khi mắt thu vào cảnh sắc như kinh sách, tai thâu vào những âm thanh như những vị giảng pháp phải cẩn thận. Nếu không, chính những kinh sách thâu vào tâm, chính những âm thanh thâu vào tâm sẽ trở thành những những tên cướp phá làng tức là hại tâm chúng ta. Dĩ nhiên chúng ta vẫn thâu vào tâm những gì cần thiết.
C7.2.1: Mắt & Sắc
Nguyên văn kinh Trung bộ số 38."Do duyên mắt và các sắc, thức sanh, và thức ấy có tên là nhãn thức. Này các Tỳ-kheo, do duyên nào lửa sanh và lửa ấy có tên tùy theo duyên ấy: duyên củi, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa củi." 
Tác giả phân tích.
Mắt là cơ quan hay công cụ, như một kính hội tụ có hai nhiệm vụ: Nhiệm vụ 1 là để thâu vào những gì mà mắt thấy để sanh ra nhãn thức như đoạn kinh trên và nhiệm vụ 2 là để tâm biểu lộ ra như lửa củi.
Sắc là đối tượng của mắt, những cái gì mắt thấy được gọi là sắc. Thông thường sắc là hình dáng, hình tướng của con người hay của sự vật hay cảnh thiên nhiên hay thực vật. Sắc là sự vật có thật liên hệ đến vật chất.
Nếu sắc là kinh sách không phải là vật thật nên cẩn thận khi nhập vào mắt vì nó sẽ sanh ra phiền não vì nó chỉ là những ký tự không phải sự vật thật. Khi đọc kinh sách cần chứng nghiệm danh từ đó có biểu thị sự thật hay không? Những vị nào thường đọc sách sẽ sanh ra cái tưởng tượng rất nhiều nên nghĩ mình biết cái này, biết cái kia nhưng thật ra những cái tưởng đó không đúng với thực tại. Những tai hại do đọc kinh sách rất nhiều còn cái lợi có nhưng rất ít. Hãy đọc kinh sách ít nhưng cần chứng nghiệm chứ không phải ngồi tưởng hay tin vào kinh sách sẽ hại cho bản thân.
C7.2.2: Tai & Thanh
Nguyên văn kinh Pali - Việt:" Do duyên tai và các tiếng, thức sanh, và thức ấy có tên là nhĩ thức. Duyên vỏ gỗ bào, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa vỏ bào."
Tác giả phân tích.
Tai là cơ quan hay công cụ, phương tiện có hai nhiệm vụ: Nhiệm vụ 1 là để thâu vào những gì mà tai nghe được và nhiệm vụ 2 là để tâm biểu lộ ra cái biết của tai gọi là nhĩ thức.
Thanh là đối tượng của tai, những gì tai nghe được gọi là thanh. Thông thường thanh là tiếng nói hay âm thanh từ con người hay từ dụng cụ như kèn, trống, đàn v.v.. 
Thanh là có thật liên hệ đến vật chất.
C7.2.3: Mũi & Hương
Nguyên văn kinh Pali - Việt:" Do duyên mũi và các hương, thức sanh, và thức ấy có tên là tỷ thức. Duyên cỏ, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa cỏ."
Tác giả phân tích.
Mũi Là cơ quan hay công cụ, phương tiện có hai nhiệm vụ: Nhiệm vụ 1 là để thâu vào những gì mà mũi ngửi được và nhiệm vụ 2 là để tâm biểu lộ ra cái biết của mũi gọi là tỷ thức.
Hương là đối tượng của mũi. Hương là mùi hay hương bốc ra từ động vật hay thực vật hay các hoá chất sẽ thâu vào tâm qua cửa sổ mũi và lưu trữ trong tâm chỉ là những ảnh thôi.
Hương có thật liên hệ vật chất.
C7.2.4: Lưỡi & Vị
 Nguyên văn Kinh Pali - Việt."Do duyên lưỡi và các vị, thức sanh, và thức ấy có tên là thiệt thức. Do duyên thân và các xúc, thức sanh và thức ấy có tên là thân thức. Duyên phân bò, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa phân bò."
Tác giả phân tích.
Lưỡi là cơ quan con người có nhiệm vụ nhập vị đưa vào tâm qua lưỡi, từ đó phát sanh ra cái biết của lưỡi. Vị là có thật liên hệ đến vật chất.
Vị là cay, đắng, ngọt, chua, mặn, lạt của động vật hay thực vật toát ra từ vị sẽ đưa vào tâm qua cửa sổ lưỡi và ghi lại chỉ là những ảnh thôi.
C7.2.5: Thân & Xúc
Nguyên văn kinh Pali - Việt."Do duyên thân và các xúc, thức sanh và thức ấy có tên là thân thức. Duyên trấu, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa trấu."
Tác giả phân tích.
Xúc là mềm, cứng, nóng, lạnh phát ra từ sự vật hay con người sẽ thâu vào tâm qua cửa sổ thân và chỉ ghi lại những hình ảnh thôi.
Thân là cơ quan con người có nhiệm vụ thâu vào cảnh xúc đưa vào tâm để sinh ra cái biết của thân. Xúc là có thật liên hệ đến vật chất.
C7.2.6: Ý & Pháp
Nguyên văn kinh Pali - Việt."Do duyên ý và các pháp, thức sanh, và thức ấy có tên là ý thức. Duyên đống rác, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa đống rác."
Tác giả phân tích.
Pháp là ảnh của sắc, là ảnh của thanh, là ảnh của hương, là ảnh của vị, là ảnh của xúc mà đã thâu vào tâm qua năm cửa sổ kia. Như vậy pháp là năm ảnh đã được thâu vào tâm qua năm giác quan.
Ý là cơ quan của con người có nhiệm vụ nhập pháp vào tâm đề sanh ra ý thức..
C7.2.7: Tà kiến và Chánh kiến
Tác giả phân tích.
Thông thường muốn biết người nào có Chánh kiến hay Tà kiến cần phải biết có nguyên nhân gần và nguyên nhân xa. Theo Lý duyên khởi cho biết Chánh kiến hay tà kiến sanh ra từ chỗ nào, hãy quan sát Lý duyên khởi sẽ thấy.
Vô minh ➤ Hành ➤ Thức ➤ Danh Sắc ➤ Lục nhập ➤ Xúc ➤ Thọ ➤ Ái ➤Thủ 
C7.2.7.1: Tà kiến
Thủ là nắm giữ, kiến thủ là nắm giữ những quan điểm sai lầm. Kiến thủ cũng là tà kiến. Nguyên nhân gần nhất của thủ là duyên Ái. Nguyên nhân xa hơn nữa là duyên Lục nhập. Nguyên nhân xa nhất là duyên Hành. Như vậy nếu quá khứ mà tà kiến sẽ dẫn đến duyên lục nhập như mắt nhập kinh sách tà kiến hoặc tai nhập những lời giảng tà kiến dẫn đến sắc ái và thanh ái cuối cùng thành kiến thủ (tà kiến).
Cách bỏ tà kiến duy nhất là quan sát Lý duyên khởi biết rằng từ duyên lục nhập sanh khởi ra thức, từ thức duyên khởi ra xúc, từ xúc duyên khởi ra thọ, từ thọ duyên khởi ra ái, từ ái duyên khởi ra kiến thủ. Nếu ai thấy được như vậy tà kiến sẽ biến mất.
Trong Phật giáo ngày nay có những người nhân danh là đệ tử Phật nhưng có tà kiến do duyên nhập kinh mà không phải do một Đức Phật Toàn giác thuyết rồi đọc kinh đó lâu ngày sinh ra thọ lạc rồi sinh ra ái rồi sinh ra kiến thủ. Từ cái tưởng đó và cho rằng kinh đó là chân lý, là đúng vì không biết lý duyên khởi. Hơn nữa không chứng nghiệm những gì Đức Phật đã thuyết mà chỉ tin vào những lời trong kinh một cách mù quáng nên tà kiến sanh khởi. Học Phật cần phải chứng nghiệm chứ không phải tin nhưng đa số chỉ tin vì vậy trong đạo Phật có những người nhân danh là Phật tử mà tà kiến quá nhiều là vậy.
Tất cả ai học Phật cần quan sát duyên lục nhập đặc biệt là mắt và tai lúc ban đầu nhập những dữ kiện, những thông tin từ sắc (kinh, sách, mạng ..), từ âm thanh (những lời giảng, những máy phát ra tiếng v.v..). Những thông tin đó biến thành cái biết rồi chuyển đổi qua Xúc rồi tiếp tục chuyển qua cảm thọ lạc rồi tiếp tục chuyển qua Sắc Ái (ưa thích) thông tin đó rồi chuyển qua chấp chặt vào những kinh sách đã được nhập vào mắt hay vào tai mà không hay biết rằng mình đã có tà kiến.
C7.2.7.2: Chánh kiến
Nếu sanh ra trong đời này mà nhập được Tứ Thánh đế là có chánh kiến, nếu không có chánh kiến là vô minh thì luân hồi dài dài trong tam giới. Người Việt nam may mắn có năm bộ kinh Nikaya theo thời gian sẽ có nhiều người học được Tứ Thánh đế sẽ có chánh kiến sanh khởi.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
(III) (93) Kiến
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại khu vườn Anàthapindika. Bấy giờ có Gia chủ Anàthapindika, vào buổi sáng thật sớm đi ra khỏi Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn. Rồi Gia chủ Anàthapindika suy nghĩ: "Nay không phải thời để yết kiến Thế Tôn. Thế Tôn đang Thiền tịnh. Cũng không phải thời để yến kiến các vị Tỳ-kheo đang tu tập về ý, các Tỳ-kheo tu tập về ý đang Thiền tịnh. Vậy ta hãy đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo". Rồi Gia chủ Anàthapindika đi đến khu vườn các du sĩ ngoại đạo.
2. Lúc bấy giờ, các du sĩ ngoại đạo đang ngồi hội họp, đang tụ họp ồn ào, cao tiếng, lớn tiếng bàn luận những vấn đề phù phiếm. Các du sĩ ngoại đạo ấy thấy Gia chủ Anàthapindika từ xa đi đến, khi thấy vậy liền dặn dò bảo với nhau: "Hãy bớt ồn ào, các Tôn giả chớ có làm ồn, các Tôn giả. Gia chủ Anàthapindika này đang đến, một đệ tử của Sa-môn Gotama, trong những đệ tử của Sa-môn Gotama có gia đình mặc áo trắng ở Sàvatthi, Gia chủ Anàthapindika là một trong những vị ấy. Các vị ấy ít ưa ồn ào, được huấn luyện trong ít ồn ào, tán thán ít ồn ào. Nếu vị ấy thấy hội chúng ít ồn ào, vị ấy có thể nghĩ đến thăm ở đây". Rồi các du sĩ ngoại đạo ấy giữ im lặng.
3. Rồi Gia chủ Anàthapinidika đi đến các du sĩ đạo ấy, sau khi đến, nói lên với các du sĩ ngoại đạo ấy những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Các du sĩ ngoại đạo ấy nói với Gia chủ Anàthapidika đang ngồi một bên:
- Này Gia chủ, hãy nói lên Sa-môn Gotama có kiến gì?
- Thưa các Tôn giả, tôi không biết tất cả kiến của Thế Tôn.
- Này Gia chủ, Gia chủ có thể không biết tất cả kiến của Sa-môn Gotama. Nhưng này Gia chủ, hãy nói các Tỳ-kheo có kiến gì?
- Thưa các Tôn giả, tôi không biết tất cả kiến của các Tỳ-kheo.
- Này Gia chủ, Gia chủ có thể không biết tất cả kiến của Sa-môn Gotama, Gia chủ có thể không biết tất cả kiến của các Tỳ-kheo. Vậy này Gia chủ, hãy nói về kiến của Gia chủ.
- Thưa các Tôn giả, thật không khó gì để chúng tôi trả lời về kiến của chúng tôi. Nhưng các Tôn giả hãy trả lời về kiến của các Tôn giả trước. Rồi sau thật không khó gì để chúng tôi trả lời về kiến của chúng tôi.
4. Khi được nói vậy, một du sĩ ngoại đạo nói với Gia chủ Anàthapindika: "Thường còn là thế giới. Kiến này là sự thật. Kiến nào khác là hư vọng. Này Gia chủ, như vậy là kiến của tôi". Một du sĩ ngoại đạo khác nói với Gia chủ Anàthapindika: "Vô thường là thế giới. Kiến này là sự thật. Kiến nào khác là hư vọng. Như vậy là kiến của tôi." Rồi một du sĩ ngoại đạo khác nói với Gia chủ Anàthapindika: "Có biên tế là thế giới... không có biên tế là thế giới... mạng sống và thân thể là một... mạng sống và thân thể là khác... Như Lai có tồn tại sau khi chết... Như Lai không có tồn tại sau khi chết... Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết... Như Lai không có tồn tại và không không có tồn tại sau khi chết. Kiến này là sự thật. Kiến nào khác là hư vọng. Này Gia chủ, như vậy là kiến của tôi".
5. Khi nghe nói vậy, Gia chủ Anàthapindika nói với các du sĩ ngoại đạo ấy:
- Thưa các Tôn giả, Tôn giả nào nói như sau: "Thường còn là thế giới. Kiến này là sự thật. Kiến nào khác là hư vọng. Này Gia chủ, như vậy là kiến của tôi". Kiến này của Tôn giả ấy, hoặc nhân tự mình tác ý không hợp lý, hay do duyên nghe tiếng người khác nói. Kiến ấy như vậy được sanh, được tác thành (hữu vi) do tâm suy tư, do duyên khởi lên. Và cái gì được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên khởi lên, cái ấy là vô thường; cái gì vô thường, cái ấy là khổ; cái (khổ) ấy, Tôn giả chấp trước (dính vào); cái (khổ) ấy, Tôn giả chấp nhận. Thưa các Tôn giả, Tôn giả nào nói như sau: "Vô thường là thế giới này... có biên tế là thế giới này... không biên tế là thế giới này...sinh mạng và thân thể là một... sinh mạng và thân thể là khác... Như Lai có tồn tại sau khi chết... Như Lai không tồn tại sau khi chết... Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Kiến này là sự thật. Kiến nào khác là hư vọng. Này Gia chủ, như vậy là kiến của tôi". Kiến này của Tôn giả ấy, hoặc nhân tự mình tác ý không hợp lý, hoặc do duyên nghe tiếng người khác nói. Kiến như vậy được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên khởi lên. Và cái gì được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên khởi lên, cái ấy là vô thường; cái gì vô thường, cái ấy là khổ; cái (khổ) ấy, Tôn giả chấp trước; cái khổ ấy, Tôn giả chấp nhận.
6. Khi được nói vậy, các du sĩ ngoại đạo ấy nói với Gia chủ Anàthapindika:
- Này Gia chủ, tất cả kiến của chúng tôi đã được nói lên. Này Gia chủ, hãy nói lên kiến của Gia chủ là gì?
- Thưa các Tôn giả, phàm cái gì được sanh, được tác thành do tâm suy tư, do duyên được khởi lên, cái ấy là vô thường. Cái gì vô thường, cái ấy là khổ. Cái gì là khổ, cái ấy là "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi." Tôi có kiến như vậy, thưa các Tôn giả.
- Này Gia chủ, phàm cái gì được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên được khởi lên, cái ấy là vô thường. Cái gì vô thường, cái ấy là khổ. Cái gì là khổ, cái ấy, này Gia chủ, Gia chủ lại chấp trước, cái ấy, này Gia chủ, Gia chủ lại chấp nhận.
- Thưa các Tôn giả, phàm cái gì được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên được khởi lên, cái ấy là vô thường. Cái gì vô thường, cái ấy là khổ. Cái gì khổ, cái ấy là: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Như vậy là như thật khéo thấy với chánh trí tuệ. Và từ nơi khổ ấy, tôi như thật rõ biết sự xuất ly hơn thế nữa.
Khi nghe nói như vậy, các du sĩ ngoại đạo ấy ngồi im lặng, hoang mang, thụt vai, cúi đầu, sửng sờ, không nói lên lời.
7. Rồi Gia chủ Anàthapinika, sau khi biết các du sĩ ngoại đạo ấy im lặng, hoang mang, thụt vai, cúi đầu, sửng sờ, không nói lên lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Gia chủ Anàthapindika, câu chuyện với các du sĩ ngoại đạo ấy như thế nào, đều thuật lại tất cả cho Thế Tôn rõ.
- "Lành thay, lành thay, này Gia chủ. Như vậy, này Gia chủ, những kẻ ngu si ấy thường cần phải được bác bỏ với sự khéo bác bỏ nhờ Chánh pháp". Rồi Thế Tôn với một bài pháp thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ Gia chủ Anàthapindika. Rồi Gia chủ Anàthapindika, sau khi được Thế Tôn với bài pháp thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
8. Rồi Thế Tôn, sau khi Gia chủ Anàthapindika ra đi không bao lâu, bảo các vị Tỳ-kheo:
- Tỳ-kheo nào dầu đã được đầy đủ 100 năm an cư mùa mưa trong Pháp và Luật này, vị ấy cần phải như vậy, thường thường bác bỏ các du sĩ ngoại đạo, với sự khéo bác bỏ nhờ Chánh pháp, như Gia chủ Anàhtapindika đã khéo bác bỏ.
Tác giả phân tích.
 C7.2.8 Kết luận về duyên Lục nhập.
Lục nhập còn gọi sáu nội xứ vừa lọt lòng mẹ nặng vài ký chưa biết gì nhiều và cùng lúc cũng có sáu ngoại xứ đồng hành. Vì vậy sáu nội xứ không thể tự đứng một mình luôn luôn đi chung với sáu ngoại xứ. Từ duyên sáu nội xứ và sáu ngoại xứ tạo thành sáu cái biết còn gọi là sáu hạt giống. Điều này ít ai biết nên vô tình nhập sáu ngoại xứ nhiều quá nên có kết quả xấu nhiều về sau. Tất cả con người đã sanh trong kiếp này, từ bé đã vô tình hay cố ý do người khác cố ý cho nhập vào nên dính chặt vào những gì đã nhập và phải đi luân hồi lâu dài.
Người học Phật nên quan sát do duyên Lục nhập sẽ sanh ra bốn thủ. Nếu thấy được, biết được thì sự chấp thủ từ từ biến mất. Nếu không thấy, không biết tiến trình này thì sự chấp thủ sẽ không biến mất được. Duyên lục nhập là nơi sẽ tháo ra hay cột chặt vào sáu cảnh bên ngoài vì vậy chúng ta cần chiêm nghiệm nhiều từ duyên Lục nhập cho đến Thủ.
Thông thường khi ai sanh ra đời cũng có sáu giác quan hay sáu nội xứ tự động sẽ nhập vào tâm qua sáu nội xứ nên có thể hiểu là Lục nhập vì tự động nhập sáu cảnh vào tâm mà không hay biết. Đây là bước đầu con người học hỏi sáu cảnh bên ngoài để sanh ra sáu cái biết. Từ cái biết này sẽ phát triển thành duyên xúc, thành duyên thọ, thành duyên ái, thành duyên thủ. Một khi thành Dục thủ, Kiến thủ, Ngã luận thủ, Giới cấm thủ thì khó mà thay đổi những sự chấp thủ của những người không biết vì sao sự chấp thủ sanh khởi.
Làm thế nào để biết duyên Thủ thành hình như thế nào? Quý vị cần quan sát những đứa trẻ sanh ra đời có sự hiểu biết rất ít nhưng những đứa trẻ này sẽ có sự hiểu biết tăng lên theo thời gian cho đến khi trưởng thành. Như vậy những hạt giống hiểu biết ban đầu đã chín muồi gọi là Thanh niên có thể đi làm và lập gia đình.
Tương lai chúng ta lệ thuộc những hạt giống thiện hay những hạt giống ác, hay những kinh văn không giải thoát, hay những kinh văn giải thoát sẽ trổ thành những quả chín để thọ hưởng những cảm thọ lạc hay những cảm thọ khổ. Theo tác giả những Phật tử Việt nam đã gieo vào tâm những kinh văn không đưa đến giải thoát. Lý do trong những kiếp sống quá khứ đã có tà kiến và tiếp tục có tà kiến đời này.
Những hành giả hôm nay không nhận ra tà kiến hay chính kiến do ban đầu đã nhập văn tự kinh có giải thoát hay không? Nếu không nhận ra Lục nhập sanh ra chánh kiến hay tà kiến. Chuyện học Phật pháp xem như chấm dứt.
Duyên lục nhập này rất quan trọng nếu những hành giả không nhận biết thì rất khó tu tập và khó bỏ được dục thủ, kiến thủ, ngã luận thủ, giới cấm thủ. Đặc biệt duyên thọ sanh khởi mà không biết vì sao có thọ lạc hay thọ khổ. Thông thường những ai không học lý 12 Nhân duyên rất khó phá tan sự chấp thủ. Nguyên nhân xa sanh thủ chính là duyên lục nhập như giáo dục một đứa trẻ thành người tốt hay xấu tùy vào lúc còn trẻ đến khi trưởng thành nhập những cảnh sắc, cảnh thanh, cảnh hương, cảnh vị, cảnh xúc, cảnh pháp vào tâm qua cửa sổ mắt, qua cửa sổ tai, qua cửa sổ mũi, qua cửa sổ lưỡi, qua cửa sổ thân, qua cửa số ý. Những cảnh bên ngoài sẽ tàn phá sáu cái làng trống nên nhập nhiều hại nhiều hơn là lợi. Hành giả Phật giáo nên biết như vậy chỉ nhập cái gì cần thiết như bài kinh lá rừng Simsapa nói Tứ Thánh đế cần phải biết để chấm dứt khổ. Nếu không biết nhập vào sáu làng trống với những chiếc lá trong rừng mà không phải những chiếc lá trong nắm tay sẽ không giúp cho sự giải thoát chỉ kéo dài sự luân hồi.

 

XEM THÊM

Thông tin liên hệ

Website này do nhóm học trò cư sĩ Võ Thế Hòa quản lý và biên tập để chia sẻ giáo pháp và những lời dạy của thầy, dựa trên nền tảng là 5 bộ kinh Nikaya. hochoinghiencuunikaya@gmail.com

Thống kế số lượt truy cập

Thỉnh sách

Bạn đọc muốn thỉnh sách Tứ Thánh Đế là Tối Thượng hoặc tham gia lớp học, Xin vui lòng liên hệ facebook

Tải sách Tứ Thánh Đế là Tối Thượng

Tải xuống: 
 
Copyright © 2021 — msvietnam. All Rights Reserved