C8.3: Hữu
Ái ➤Thủ ➤ Hữu
Hữu là một trong ba duyên nghiệp mới, lệ thuộc vào duyên ái. Khi duyên ái chuyển biến qua thủ xong chuyển qua hữu sẽ thành một cái gì đó xong thành một chúng sanh cõi nào đó. Vì vậy duyên hữu trên đường chuyển qua giai đoạn qua quả mới mà không còn là nhân nữa.
Hữu là có, tồn tại nhưng hữu ở đây là đang trở thành một cái gì đó. Có ba sự hiện hữu là dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu.
★ Dục hữu
Dục hữu là do có sự ham muốn đang chuyển biến, đang trở thành chúng sanh cõi dục giới gồm có sáu chúng sanh như là Người, Trời, Atula, Ngạ quỷ, Bàng sanh, Địa ngục.
★ Sắc hữu.
Sắc hữu là do có tu tứ thiền thuộc cõi sắc nên đang trở thành Phạm thiên của cõi trời sắc giới.
★ Vô sắc hữu.
Vô sắc là do có tu bốn tầng thiền vô sắc nên đang trở thành hiện hữu Phạm thiên cõi trời vô sắc.
C8.4: Phân biệt sự khác nhau giữa ái, nghiệp, khổ, lậu hoặc, thức, tưởng.
C8.4.1: Khổ, Lậu hoặc.
Trong kinh thường viết "Ta dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Ta thắng tri như thật: "Ðây là khổ", thắng tri như thật: "Ðây là nguyên nhân của khổ", thắng tri như thật: "Ðây là khổ diệt", thắng tri như thật: "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt", thắng tri như thật: "Ðây là những lậu hoặc", thắng tri như thật: "Ðây là nguyên nhân các lậu hoặc", thắng tri như thật: "Ðây là các lậu hoặc diệt", thắng tri như thật: "Ðây là con đường đưa đến các lậu hoặc diệt.
Nhờ biết như vậy, nhờ thấy như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên trí hiểu biết: Ta đã giải thoát. Ta đã thắng tri: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa"
Có Tứ đế Trí về lậu hoặc và khổ sẽ dẫn đến Minh thứ ba là Lậu tận minh.
C8.4.1.1: Lậu hoặc.
Lậu hoặc là tiếng Tàu dịch từ tiếng Sanskrit không phải là tiếng Việt là rỉ ra, ô nhiễm, tiếng Anh là fermented là lên men như rượu nếp, cây khô lên nấm.
Lậu là từ một cái gì rỉ ra một cái gì khác. Có ba lậu hoặc: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.
Dục lậu là sự ham muốn rỉ ra sáu loài chúng sanh ở cõi dục.
Hữu lậu là chấp hữu nên rỉ ra chúng sanh ở cõi sắc.
Vô minh lậu do không biết Tứ Thánh đế rỉ ra chúng sanh thuộc ba cõi.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các lậu hoặc sanh khởi? Vô minh, này các Tỳ-kheo, là các lậu hoặc sanh khởi.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các lậu hoặc sai biệt? Này các Tỳ-kheo, có các lậu hoặc đưa đến địa ngục, có các lậu hoặc đưa đến bàng sanh, có các lậu hoặc đưa đến ngạ quỷ, có các lậu hoặc đưa đến thế giới loài người, có các lậu hoặc đưa đến thế giới chư Thiên. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là các lậu hoặc sai biệt.
Và này các Tỷ Kheo, thế nào là các lậu hoặc dị thục? Này các Tỷ kheo, khi nào vì vô minh cái gì sanh khởi, một tự ngã khởi lên từ vật ấy, từ vật ấy, để dự phần phước đức, hay để dự phần không phước đức. Này các Tỷ kheo, đây gọi là các lậu hoặc dị thục.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các lậu hoặc đoạn diệt? Vô minh đoạn diệt, này các Tỳ-kheo, là các lậu đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo tám ngành đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt. Tức là chánh tri kiến... chánh định. Khi nào, này các Tỳ-kheo, vị Thánh đệ tử rõ biết các lậu hoặc là như vậy, rõ biết các lậu hoặc sanh khởi như vậy, rõ biết các lậu hoặc sai biệt như vậy, rõ biết các lậu hoặc dị thục như vậy, rõ biết các lậu hoặc đoạn diệt như vậy, rõ biết con đường đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy được rõ biết Phạm hạnh thể nhập này như là các lậu hoặc đoạn diệt. (trích từ kinh Tăng chi sáu pháp).
C8.4.1.2: Khổ.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Thế nào là khổ sanh khởi? Ái, này các Tỳ-kheo, là khổ sanh khởi.
Thế nào là khổ dị thục? Này các Tỳ-kheo, ở đây có hạng người bị khổ chinh phục, tâm bị trói buộc, ưu sầu, bi thảm, than van, đập ngực, khóc lóc, đi đến bất tỉnh; do bị khổ chinh phục, tâm bị trói buộc, nên đi tìm phía bên ngoài xem có ai biết được một câu, hai câu thần chú đề đoạn diệt khổ này.
Này các Tỳ-kheo, Ta tuyên bố rằng khổ đem lại kết quả mê loạn, đem lại kết quả tìm kiếm. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là khổ dị thục.
Tác giả kết luận.
Khổ là những cảm thọ đau đớn của con người phải chấp nhận.
Lậu hoặc là rỉ ra các loài chúng sanh khác nhau thuộc ba cõi.
Vô minh sanh khởi các loài chúng sanh khác nhau.
Hành (ái) là nghiệp dẫn đến những cảm thọ hạnh phúc hay đau khổ.
Vô minh và hành cần phải chấm dứt.
C8.4.2: Thức, Tưởng.
Có nhiều người hiểu lầm về thức và tưởng nên phân tích chi tiết sẽ giúp việc học phật pháp dễ hơn.
C8.4.2.1: Thức.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Do duyên mà thức sanh, và thức ấy có tên tùy theo duyên ấy. Do duyên mắt và các sắc, thức sanh, và thức ấy có tên là nhãn thức. Do duyên tai và các tiếng, thức sanh, và thức ấy có tên là nhĩ thức. Do duyên mũi và các hương, thức sanh, và thức ấy có tên là tỷ thức. Do duyên lưỡi và các vị, thức sanh, và thức ấy có tên là thiệt thức. Do duyên thân và các xúc, thức sanh và thức ấy có tên là thân thức. Do duyên ý và các pháp, thức sanh, và thức ấy có tên là ý thức.
Tác giả phân tích.
Như vậy thức là biết do duyên sáu nội xứ và sáu ngoại xứ. Có nghĩa phải có ảnh trong tâm và cảnh thật giống nhau như thật với cảnh.
C8.4.2.2: Tưởng.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Này các Tỳ-kheo, có sáu tưởng này: Sắc tưởng, thanh tưởng, hương tưởng, vị tưởng, xúc tưởng, pháp tưởng.
Tác giả phân tích.
Tưởng là sử dụng hiểu biết do kinh nghiệm tích lũy rồi suy diễn sắc hay thanh .v.v.. theo kinh nghiệm riêng của từng cá nhân. Có lúc tưởng những sự việc đó xảy ra đúng hay sai.
Sự khác biệt giữa thức và tưởng: thức là sự biết cái đang là, tưởng là sự hiểu biết theo kinh nghiệm chứ không phải cái biết đang xảy ra.
C8.4.3: Dục, Nghiệp (hành), Ái.
Dục là ham muốn vào cái gì đó, Nghiệp hay hành là suy tư, Ái là dính mắc vào một đối tượng nào đó.
C8.4.3.1: Dục
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Này các Tỳ-kheo, có năm dục trưởng dưỡng này: Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả ý, khả hỷ,, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân nhận thức... khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn
C8.4.3.2: Nghiệp (hành)
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Này các Tỳ-kheo, Ta tuyên bố rằng suy tư là nghiệp; sau khi suy tư, tạo nghiệp về thân, về lời, về ý.
Tác giả phân tích.
Nghiệp là suy tư dẫn đến ý nghiệp, khẩu nghiệp, thân nghiệp. Có sáu tư thân này như sau: sắc tư, thanh tư, hương tư, vị tư, xúc tư, pháp tư.
C8.4.3.3: Ái.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Thế nào là ái? Này các Tỳ-kheo, có sáu ái này: sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái.
Tác giả phân tích.
Dựa vào định nghĩa trên cho biết có sự ham muốn nhưng chưa có trong tay nhưng do suy tư dẫn đến dính mắc gọi là ái.
Như vậy sự ham muốn có rồi suy tư để đạt được gọi là ái. Như vậy thứ tự dục, nghiệp, ái.
C8.5 Kết luận Chương tám.
Tác giả tóm tắt.
Chương tám gồm có ba duyên: Ái, Thủ, Hữu nhưng duyên Ái là quan trọng nhất vì điểm khởi đầu dẫn đến khổ còn duyên Thủ và duyên Hữu là kết quả của duyên Ái. Người học Phật không nhận ra duyên Ái được do từ duyên Thọ sanh ra duyên Ái quá nhanh nên hằng ngày nhưng không hay biết rằng tham, sân, si đã sanh khởi liên tục. Nên nhớ có ba tâm tham, tâm sân, tâm si nhưng mỗi thời điểm chỉ có một tâm tồn tại thôi chứ không phải một lúc có ba tâm. Để Ái không sanh khởi, cần tu tập chánh niệm thường xuyên khi giác ngộ được tánh sanh diệt các pháp thì Ái sẽ không sanh lại.
Chương tám bàn về sự hình thành nghiệp mới chính là sáu ái. Như vậy ái là dẫn đầu, thủ và hữu chỉ là kết quả do ái tạo ra. Nếu muốn không có quả mới, cần phải diệt tên lãnh tụ Ái xong thì đàn em Thủ, Hữu sẽ tự diệt. Áp dụng tứ đế vào ái sẽ như sau: Ái trí, ái tập trí, ái diệt trí, ái diệt đạo trí. Có nghĩa diệt ái là diệt nguyên nhân sanh ái. Như vậy sẽ diệt thọ.
Thọ diệt có nghĩa là thọ lạc chuyển đổi qua thọ khổ diệt. Nếu giác ngộ được khi có lạc không dính mắc gọi là diệt chứ thật sự không có gì phải diệt cả. Khi giác ngộ cái gì lạc cũng mất cũng chuyển qua thọ khổ sẽ hết dính mắc.
Những người sống tại gia không thể nào diệt được duyên ái vì khi duyên thọ lạc/thọ khổ sanh khởi thì duyên ái cũng sanh tức thì nên ái cứ tăng dần chồng chất. Người cư sĩ thành tựu 5 giới hay 8 giới hay 10 giới là hay lắm rồi nhưng đi xa hơn nữa rất khó nên muốn chứng Thánh dự lưu phải quyết tâm sống một mình may ra thành công.
Những người xuất gia không thể nào diệt được duyên ái được vì có duyên thọ thì ái sanh khởi rất nhanh. Cách duy nhất từ bỏ duyên ái cần phải quán Lý duyên khởi liên tục một thời gian sẽ giác ngộ được duyên lục nhập, duyên thức, duyên xúc, duyên thọ thì ái sẽ mất vĩnh viễn. Tuy nhiên theo nhận xét cá nhân tác giả, những người xuất gia tại Việt nam tìm hiểu và chiêm nghiệm 12 nhân duyên quá ít nên không thể thoát được duyên ái đồng nghĩa tham, sân, si còn nguyên.
Duyên ái sanh khởi vì duyên thọ mà không giác ngộ quả khổ hiện tại tức là duyên thọ là chính thì xem như đã đầu hàng tham, sân, si.