C12.3 Chánh ngữ.
Đại cương.
Có chánh ngữ là đang đi trên con đường của bậc Thánh nên hằng ngày thường cần thực hành để không luân hồi, nếu không thì luân hồi dài lâu.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Tà ngữ, này các Tỳ-kheo, do chánh ngữ làm cho tiêu diệt và những ác bất thiện pháp được tà ngữ duyên khởi, các pháp ấy bị tiêu diệt trong người có chánh ngữ. Và những thiện pháp được chánh ngữ duyên khởi, các pháp ấy được tu tập và trở thành viên mãn.
Thế nào là chánh ngữ?
Tự chế không nói láo, tự chế không nói hai lưỡi, tự chế không ác khẩu, tự chế không nói lời phù phiếm. Này chư Hiền, như vậy gọi là chánh ngữ.
Có chánh ngữ đang đi trên con đường chứng Thánh, vì vậy có khó cũng phải thực chánh ngữ để trở thành Thánh, ngược lại là phàm phu sẽ đau khổ lâu dài.
Hành giả cần tu tập chánh ngữ cho thuần thục hay viên mãn thì tà ngữ sẽ biến mất. Nếu không tu tập Chánh ngữ thì tà ngữ sanh khởi liên tục. Học thuộc và suy tư tại sao cần tu tập Chánh ngữ hằng ngày. Nếu hành giả hiểu rồi thì thực hành liên tục sẽ thành tựu Chánh ngữ.
C12.3.1: Không nói láo.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
★ Này các Tỳ-kheo, có tám thánh ngôn này. Thế nào là tám?
Không thấy nói không thấy, không nghe nói không nghe, không nghĩ nói không nghĩ, không biết nói không biết, thấy nói thấy, nghe nói nghe, nghĩ nói nghĩ, biết nói biết.
★ Ở đây, này các Gia chủ, có người từ bỏ vọng ngữ, tránh xa vọng ngữ, đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi được dẫn ra làm chứng và được hỏi: "Này người kia, hãy nói những gì Ông biết", nếu biết, người ấy nói: "Tôi biết"; nếu không biết, người ấy nói: "Tôi không biết"; hay nếu không thấy, người ấy nói: "Tôi không thấy"; nếu thấy, người ấy nói: "Tôi thấy". Như vậy, lời nói của người ấy không trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ, hoặc vì nguyên nhân tha nhân, hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì.
Sa-môn Gotama từ bỏ nói láo, tránh xa nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ nơi sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lừa gạt, không phản lại lời hứa đối với đời. Này các Tỳ-kheo, đó là những lời tán thán Như Lai của kẻ phàm phu.
Những gì vừa trình bày ở trên gọi là không nói láo được trình bày rất rõ ràng giúp người học nói đúng Chánh ngữ thì mới trở thành Thánh được còn nếu không làm được gọi làm phàm phu.
C12.3.2: Không nói hai lời.
Từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đi đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia; như vậy, người ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ hòa hợp, ưa thích hòa hợp, vui thích hòa hợp, thích thú hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp
C12.3.3: Không nói lời độc ác.
Từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, những lời nói nhu hòa, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người, người ấy nói những lời như vậy.
Này các Tỳ-kheo, Sa-môn Gotama từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, những lời nói không lỗi lầm, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người, Sa-môn Gotama nói những lời như vậy. Này các Tỳ-kheo, đó là những lời tán thán Như Lai của kẻ phàm phu.
C12.3.4: Không nói lời phù phiếm.
Từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, người ấy nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về Chánh pháp, nói những lời về Luật, nói những lời đáng được gìn giữ. Vì nói hợp thời, nên lời nói thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có ích lợi.
C12.3.5 Kết luận về chánh ngữ.
Có những người học Phật không biết định nghĩa về Chánh ngữ nên đã tự suy diễn, tự biên.Vì vậy sai lời Phật dạy sẽ trả quả báo đời sau. Ngày nay nhờ công lao thầy Thích Minh Châu đã dịch năm bộ kinh Nikaya từ Pali sang Việt ngữ giúp người học Phật biết được định nghĩa về chánh ngữ thì sẽ thực hành được dễ dàng. Tác giả đã đọc hay nghe trong kinh Nikaya chỉ có ba chỗ cho biết định nghĩa Bát Chánh đạo cho nên rất khó cho những ai không đọc hết thì làm sao biết định nghĩa chính xác được.
Tu tập chánh ngữ sẽ trừ tà ngữ vì tà ngữ là nghiệp dẫn đến đau khổ đời này và đời sau. Nếu hằng ngày không tu tập chánh ngữ thì tà ngữ chế ngự.