Khổ Thánh Đế cần phải liễu tri ---- Khổ Tập Thánh Đế cần phải đoạn tận ---- Khổ Diệt Thánh Đế cần phải chứng ngộ ---- Khổ Diệt Đạo Thánh Đế cần phải tu tập.

Lượt xem: 427


Chương Tám: Nghiệp mới
1-Đại cương
Ít ai nhận ra có hai Hành trong 12 Nhân duyên: Một là Hành quá khứ đã tạo ra rồi và đã trổ ra quả khổ hiện tại. Hai là Hành hiện tại chính là Ái, đã và đang tạo ra những hành động thuộc về ý, về khẩu, về thân từ khi bước vào đời sống kiếp hiện tại này sẽ trổ ra quả khổ trong đời này và đời sau. Có những quả khổ trong đời này chỉ là những thiên sứ giúp chúng ta thức tỉnh mà lo quay về lo tu giải thoát khỏi khổ.Những quả khổ trổ ra khi thân hoại mạng chung sanh vào ba đường ác thì khổ vô cùng, không biết bao giờ trở lại làm người như câu chuyện con rùa mù trong kinh Trung bộ số 129.
Ái ➤Thủ ➤ Hữu 
Nghiệp mới gồm có ba duyên Ái, Thủ, Hữu nhưng Ái là điểm khởi đầu rất quan trọng. Do đó cần tìm hiểu duyên ái cho rốt ráo và nhận biết ái là thủ phạm gây đau khổ sau khi thân hoại mạng chung. Một khi biết ái và diệt ái thì thủ diệt dẫn đến sanh diệt nên không có quả khổ trong tương lai.
Dưới đây là bài kinh trong kinh tương ưng 4 cho biết rằng Ái là khổ tập khởi hay nghiệp mới.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
2) -- Này các Tỳ-kheo, Ta sẽ giảng về khổ tập khởi và khổ đoạn diệt. Hãy lắng nghe.
3) Và này các Tỳ-kheo, thế nào là khổ tập khởi?
4-9) Do duyên mắt và các sắc khởi lên nhãn thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Ðây là khổ tập khởi. Do duyên tai... Do duyên mũi... Do duyên lưỡi... Do duyên thân... Do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Ðây là khổ tập khởi, này các Tỳ-kheo.
10) Và này các Tỳ-kheo, thế nào là khổ đoạn diệt?
11) Do duyên mắt và các sắc khởi lên nhãn thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Ðây là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt. Ðây là khổ chấm dứt.
12-13) Do duyên tai... Do duyên mũi...
14-15) Do duyên lưỡi... Do duyên thân...
16) Do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, ưu, não diệt. Ðây là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt. Ðây là khổ chấm dứt.
Thọ ➤ Ái ➤Thủ ➤ Hữu 
Tác giả phân tích.
Trong 12 nhân duyên có hai hành: Thứ nhất là hành quá khứ đã bàn trong Chương 6: Nghiệp cũ. Thứ hai là hành hiện tại sẽ được bàn trong Chương 8 còn gọi là Nghiệp mới và không có sự khác nhau giữa hành và nghiệp như đã bàn qua định nghĩa ở Chương 6. Hơn nữa nghiệp mới là sáu ái do dính mắc vào sáu ngoại xứ nhưng ý căn là gốc nên đơn giản gọi là ý hành (tham, sân, si).
Nghiệp mới đầy đủ là sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái là những sự dính mắc vừa phát sinh và sẽ trổ thành quả khổ tương lai.
Nếu ngày nào cũng có ái sanh khởi chắc chắn sẽ có quả khổ, người học Phật cần phải biết như thật không nghi ngờ chân lý này. Nếu ngày nào không có ái sanh khởi, sẽ không bao giờ có quả khổ trong tương lai. Đây là chân lý mà tất cả mọi người phải nhận biết.
2-Khổ Tập Thánh đế cần phải đoạn tận.
Đức Phật đã dạy Khổ Tập cần phải đoạn tận trong Kinh Chuyển Pháp Luân phải có lý do tại sao?
Nếu những Nhân sanh khổ mà không diệt thì quả khổ cứ trổ ra hoài nên người học Phật cần phải biết khổ Tập mà tinh tấn tiêu diệt chúng thì khổ sẽ đoạn tận. Chúng sanh vô minh không biết nguyên nhân sanh khổ nên khổ không bao giờ chấm dứt. Đây là chân lý về khổ Tập cần phải đoạn tận, nếu không thì luân hồi, đau khổ vô cùng tận.
Đa số người học Phật không thấy nhân sanh khổ chỉ biết nhân khổ qua kinh sách nhưng không nhận ra chúng nên quả khổ không bao giờ chấm dứt khổ. Như vậy khổ sẽ không hết, nếu thủ phạm chưa bắt được, mọi người phải tìm ra thủ phạm trước và giết thủ phạm (nhân sanh khổ). May mắn thay cho chúng ta Đức Phật đã tìm ra thủ phạm rồi và chỉ cho chúng ta biết. Chúng ta có công việc là kiểm chứng và tu tập đoạn tận nó thì sẽ hết khổ vĩnh viễn.
Thủ phạm đã gây cho chúng ta vô lượng kiếp cho đến kiếp này chính là Vô minh và Tham ái. Hai duyên này phải đoạn tận hoàn toàn. Ngày nào Vô minh chưa đoạn tận, ngày đó vẫn còn khổ đau.
C8.1: Sáu Ái
a-Đại cương.
Có sáu ngoại xứ là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, tâm khởi lên dính mắc vào chúng nên thành sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái.
Ái là dính mắc vào những cảnh chung quanh, có ba trường hợp sau đây, có sự dính mắc khởi lên nếu mắt thấy sắc nhận thức khả ý khả lạc khởi lên thích thú vào sắc gọi là tham sắc ái. Nếu mắt thấy sắc nhận thức không khả ý, không khả lạc khởi lên không ưa thích cũng gọi là sân sắc ái. Nếu mắt thấy sắc khả lạc, không khả lạc khởi lên si cũng gọi si sắc ái.
Nguyên văn trích từ kinh Trung bộ số 148.
Khi được nói đến: "Sáu ái thân cần phải được biết", do duyên gì được nói đến như vậy? Do duyên mắt và duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc là thọ. Do duyên thọ là ái. Do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức... Do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức... Do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức... Do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức... Do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc là thọ. Do duyên thọ là ái. Khi được nói đến: "Sáu ái thân cần phải được biết", chính do duyên này được nói đến như vậy. 
3. III. Ðoạn Tận (S.iv,205)
1) Một thời Thế Tôn sống giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), trong vườn Nigrodha.
2) Lúc bấy giờ có một hội đường mới của những người Sakka ở Kapilavatthu được làm không bao lâu, chưa được một Sa-môn, hay Bà-la-môn, hay một người nào đến ở.
...
3) -- Này các Tỳ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.
4) Này các Tỳ-kheo, tham tùy miên đối với lạc thọ cần phải đoạn tận. Sân tùy miên đối với khổ thọ cần phải đoạn tận. Vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ cần phải đoạn tận.
5) Này các Tỳ-kheo, khi nào Tỳ-kheo đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, đoạn tận sân tùy miên đối với khổ thọ, đoạn tận vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ; thời này các Tỳ-kheo, sự từ bỏ tham tùy miên của Tỳ-kheo được gọi là chánh kiến, ái được đoạn tận, kiết sử được hủy hoại. Với minh kiến chơn chánh đối với ngã mạn (sammà mànabhisamayà), vị ấy đoạn tận khổ đau.
1) Nếu cảm giác lạc thọ,
Không tuệ tri cảm thọ,
Ðây gọi tham tùy miên,
Không thấy rõ xuất ly.
2) Nếu cảm giác khổ thọ,
Không tuệ tri cảm thọ,
Ðây gọi sân tùy miên,
Không thấy rõ xuất ly.
3) Với bất khổ bất lạc,
Bậc Ðại trí thuyết giảng,
Nếu hoan hỷ thọ ấy,
Không thoát được khổ đau.
4) Vị Tỳ-kheo nhiệt tình,
Tỉnh giác, không cuồng trí,
Ðối với tất cả thọ,
Bậc Hiền trí liễu tri.
5) Vị ấy liễu tri thọ,
Hiện tại không lậu hoặc,
Thân hoại, bậc Pháp trú
Ðại trí vượt ước lường.
Tác giả phân tích.
Tham ái sanh khởi từ thọ lạc, sân ái sanh khởi từ thọ khổ, si ái sanh khởi từ thọ không khổ không lạc.
b-Tham, Sân, Si sanh khởi.
Nguyên văn kinh Pali - Việt.
Này các Tỳ-kheo, do duyên mắt và do duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy do cảm xúc lạc thọ, mà hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước; tham tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc khổ thọ, mà sầu muộn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc bất khổ bất lạc thọ, mà không như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy tùy tăng. Này các Tỳ-kheo, vị ấy chính do không đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do không tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do không nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, không đoạn tận vô minh, không làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy không xảy ra.
Này các Tỳ-kheo, do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức... Này các Tỳ-kheo, do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức... Này các Tỳ-kheo, do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức... Này các Tỳ-kheo, do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức... Này các Tỳ-kheo, do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy do cảm xúc lạc thọ, mà hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước; tham tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc khổ thọ mà sầu muốn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc bất khổ bất lạc thọ, mà không như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy tùy tăng. Này các Tỳ-kheo, vị ấy chính do không đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do không tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do không nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, không đoạn tận vô minh, không làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy không xảy ra.( Trung bộ 148 ).
Tác giả phân tích.
Dựa vào những đoạn kinh trích dẫn trên, có thể biểu thị lại bằng một cách khác sau đây.
Duyên Lục nhập ➤ duyên sáu Thức ➤Duyên sáu Xúc ➤ duyên sáu Thọ ➤ duyên sáu Ái.
Từ duyên thọ sanh ra ái tức thì đối với những ai đã có những cảnh quen thuộc như người cư sĩ sống với vợ chồng, con cháu, tài sản v.v...Những cảnh chưa quen thuộc có sự suy tư, đắn đo những cảnh vừa khả ý khả lạc thì cần có thời gian để ái sanh khởi.
Đời sống tại gia khó thoát được tham ái nên không thể nào tu giải thoát trong thời đại văn minh này. Cách duy nhất là sống một mình thì cơ hội để tu giải thoát dễ dàng hơn.
C8.1.1: Sắc ái. 
Sắc ái là tâm dính mắc hay kiết sử với cảnh sắc do có lạc thọ hoặc khổ thọ hoặc không khổ không lạc.
Duyên Mắt với Sắc ➤ duyên Nhãn Thức ➤Duyên Nhãn Xúc ➤ duyên Lạc Thọ. 
●    Duyên Lạc thọ ➤ duyên tham ái là sự dính mắc vào thọ lạc.
Lạc thọ sanh khởi do xúc chạm nhau giữa ảnh cũ và ảnh mới tức là ảnh mới - ảnh cũ > 0 nếu chênh lệch lớn thì sẽ có cảm thọ lạc rất mạnh.
Lạc thọ là miếng mồi là vị ngọt để dụ con người vào cái bẫy sập ở phía sau hay có lưỡi câu ẩn núp nếu không giác ngộ duyên thọ lạc sẽ sụp vào bẫy sập hoặc đã cắn lưỡi câu. Bị sụp vào bẫy hay đã cắn lưỡi câu gọi là tham sắc. Đồng nghĩa cuộc đời của những người mắc bẫy sẽ bị đau khổ không làm sao thoát được. Như vậy thương xót những kẻ bị rơi vào bẫy sập sẽ rơi vào ba đường ác: Ngạ quỷ, bàng sanh, địa ngục sẽ chịu thống khổ dài lâu. Phương pháp để không rơi vào bẫy, hãy tu chánh niệm thứ 7 trong Thánh đạo tám ngành sẽ thoát khỏi tham ái.
●    Duyên Khổ thọ ➤ duyên Sân ái là sự dính mắc vào thọ khổ.
Khổ thọ sanh khởi do xúc chạm nhau giữa ảnh cũ và ảnh mới tức là ảnh mới - ảnh cũ < 0 nếu sự chênh lệch lớn thì sẽ có cảm thọ khổ rất mạnh. Khi có thọ khổ rất khó mà chánh niệm được nên phản ứng đối tượng đó bằng mọi cách muốn tống nó biến mất gọi là sân ái. Như vậy đã bị rơi vào bẫy sập như con thú bị mắc bẫy hoặc con cá mắc lưỡi câu đồng nghĩa sẽ đau khổ dài lâu trong ba đường ác. Để thản nhiên trước cảm thọ nên thực hành chánh niệm thuộc Thánh đạo tám ngành.
●    Duyên không khổ không lạc Thọ ➤ duyên Si ái. Như vậy sự dính mắc vào sắc do không khổ không lạc thọ.
Không khổ không thọ do sự xúc chạm giữa ảnh cũ và ảnh mới tức là ảnh mới - ảnh cũ = 0. Trạng thái cảm thọ không khổ không lạc này rất khó nhận ra. Có hai trường hợp xảy ra như sau: Một là tâm khởi ra đi tìm cảnh mới để tiếp xúc sanh ra cảm thọ lạc và khởi lên dính mắc vào đối tượng mới như một người chồng ở với một người vợ khá lâu sanh ra cảm thọ không khổ không lạc và khi gặp một phụ nữ mới sanh ra cảm thọ lạc thì liền quên người vợ cũ và lấy người vợ mới. Hai là đối tượng bị mất hay bỏ đi sanh ra cảm thọ khổ. Như vậy từ trạng thái không khổ không lạc sanh ra tâm si và đã có một trong hai hành động vừa nêu ra. Trạng thái không khổ không lạc cũng là miếng mối cũ đã sập bẫy rồi hay thay đổi đi tìm miếng mồi mới sụp vào cái bẫy mồi mới.
Có thật sự tâm tham, tâm sân, và tâm si sanh cùng một lúc hay không? Không có ba tâm sanh khởi cùng một lúc. Mỗi một lúc chỉ có tâm tham hay tâm si hay tâm sân.
C8.1.2: Thanh ái 
Thanh ái là sự dính mắc hay kiết sử với cảnh thanh do có lạc thọ hoặc khổ thọ hoặc không khổ không lạc thọ .
●    Duyên Tai với Thanh ➤ duyên Nhĩ Thức ➤Duyên nhĩ Xúc ➤ duyên Lạc Thọ ➤ Tham Ái. Như vậy sự dính mắc vào thanh do lạc thọ. Lạc thọ là miếng mồi đưa loài người vào bẫy sập sẽ đau khổ dài lâu.
●    Duyên Khổ thọ ➤ Sân ái. Như vậy sự dính mắc vào thanh do khổ thọ. Khổ thọ cũng là miếng mồi loài người bị đưa vào bẫy sập và luân hồi vào ba đường ác.
●    Duyên không khổ không lạc Thọ ➤ Si ái. Như vậy sự dính mắc vào thanh do không khổ không lạc thọ. Trạng thái cảm thọ này bị sập bẫy rồi nhưng không hay biết gì và tưởng rằng đã giải thoát như một số người sống nơi thanh vắng tưởng mình đã giải thoát nhưng thật sự còn ở trong tâm si.
C8.1.3: Hương ái.
Hương ái là sự dính mắc hay kiết sử với cảnh hương do có lạc thọ hoặc khổ thọ hoặc không khổ không lạc thọ.
●    Duyên Mũi với Hương ➤ duyên Tỷ Thức ➤Duyên Tỷ Xúc ➤ duyên Lạc Thọ ➤ Tham Ái. Như vậy sự dính mắc vào hương do lạc thọ. Tương tự như tham sắc ái. Duyên Khổ thọ ➤ Sân ái. Như vậy sự dính mắc vào hương do khổ thọ. Tương tự như sân sắc ái.
●    Duyên không khổ không lạc Thọ ➤ Si ái. Như vậy sự dính mắc vào hương do không khổ không lạc thọ. Tương tự như si sắc ái.
C8.1.4: Vị ái.
Vị ái là sự dính mắc hay kiết sử với cảnh vị do có lạc thọ hoặc khổ thọ hoặc không khổ không lạc thọ.
●    Duyên Lưỡi với Vị ➤ duyên Thiệt Thức ➤Duyên Thiệt Xúc ➤ duyên Lạc Thọ ➤ Tham Ái. Như vậy sự dính mắc vào vị do lạc thọ. Trạng thái cảm thọ này dụ loài người ăn cho ngon, uống hay nhậu cho sướng nhưng không hay biết gì đến khi thân hoại mạng chung sanh vào ba đường ác.
●    Duyên Khổ thọ ➤ Sân ái. Như vậy sự dính mắc vào vị do khổ thọ. Trạng thái cảm thọ này cũng dụ cho người sân hận để rồi khi chết sanh vào ba đường ác.
●    Duyên không khổ không lạc Thọ ➤ Si ái. Như vậy sự dính mắc vào vị do không khổ không lạc thọ. Trạng thái cảm thọ này đã bị sập rồi nhưng không hay biết gì vì tâm si đã sanh ra.
C8.1.5: Xúc ái.
Xúc ái là sự dính mắc hay kiết sử với cảnh xúc do có lạc thọ hoặc khổ thọ, không khổ không lạc thọ.
●    Duyên Thân với Xúc ➤ duyên Thân Thức ➤Duyên Thân Xúc ➤ duyên Lạc Thọ ➤ Tham Ái. Như vậy sự dính mắc vào xúc do lạc thọ. Tương tự như tham sắc ái
●    Duyên Khổ thọ ➤ Sân ái. Như vậy sự dính mắc vào xúc do khổ thọ. Tương tự như sân sắc ái
●    Duyên không khổ không lạc Thọ ➤ Si ái. Như vậy sự dính mắc vào xúc do không khổ không lạc thọ. Tương tự như si sắc ái.
C8.1.6: Pháp ái.
Pháp ái là sự dính mắc hay kiết sử với cảnh pháp do có lạc thọ hoặc khổ thọ hoặc không khổ không lạc thọ.
●    Duyên Ý với Pháp ➤ duyên Ý Thức ➤Duyên Ý Xúc ➤ duyên Hỷ Thọ ➤ Tham Ái. Như vậy sự dính mắc vào Pháp do hỉ thọ. Tương tự như tham sắc ái.
●    Duyên ưu thọ ➤ Sân ái. Như vậy sự dính mắc vào pháp do ưu thọ. Tương tự như sân sắc ái.
●    Duyên không ưu không hỷ Thọ ➤ Si ái. Như vậy sự dính mắc vào pháp do không ưu không hỷ thọ. Tương tự như si sắc ái.

 
 
C8.1.7 Mười kiết sử
Nguyên văn trích từ kinh Tăng chi 10 pháp - Phẩm hộ trì
(III) (13) Các Kiết Sử
1. - Này các Tỳ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười?
2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử.
Thế nào là năm hạ phần kiết sử?
3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.
Thế nào là năm thượng phần kiết sử?
4. Sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh. Ðây là năm thượng phần kiết sử.
Này các Tỳ-kheo, đây là mười kiết sử.
C8.1.7.0 Kiết sử
Nguyên văn kinh trích từ kinh tương ưng 4 - Tương ưng tâm
4) Lúc bấy giờ, cư sĩ Citta đi đến Migapathaka để làm một số công việc phải làm.
5) Cư sĩ Citta được nghe có một số đông Tỳ-kheo trưởng lão, sau buổi ăn đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà tròn, và giữa những vị này, câu chuyện sau đây được khởi lên: "Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ, hay đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ?" Một số Tỳ-kheo trưởng lão trả lời: "Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; những pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ". Một số Tỳ-kheo trưởng lão trả lời: "Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; những pháp này là đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ".
6) Rồi cư sĩ Citta đi đến các Tỳ-kheo trưởng lão ấy; sau khi đến, đảnh lễ các Tỳ-kheo trưởng lão rồi ngồi xuống một bên.
7) Ngồi một bên, cư sĩ Citta thưa với các Tỳ-kheo trưởng lão:
-- Bạch chư Thượng tọa, (chúng con) được nghe có một số đông Tỳ-kheo trưởng lão, sau buổi ăn đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà tròn, và giữa các vị này, khởi lên câu chuyện sau đây: "Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ, hay đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ". Một số Tỳ-kheo trưởng lão trả lời: "Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; những pháp này đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ".
-- Có vậy, này Cư sĩ.
8) -- Bạch chư Thượng tọa, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa và cũng khác ngôn từ. Bạch chư Thượng tọa, con sẽ nói lên một ví dụ cho quý vị. Ở đây, một số người có trí, nhờ ví dụ hiểu được ý nghĩa lời nói.
9) Bạch chư Thượng tọa, ví như một con bò đực đen và con bò đực trắng được dính lại với nhau bởi một sợi dây hay một cái ách. Nếu có người nói: "Con bò đực đen là kiết sử cho con bò đực trắng, và con bò đực trắng là kiết sử cho con bò đực đen". Nói như vậy có phải là nói một cách chơn chánh không?
-- Thưa không, này Cư sĩ. Này Cư sĩ, con bò đực đen không phải là kiết sử của con bò đực trắng. Và con bò đực trắng cũng không phải là kiết sử của con bò đực đen. Do vì chúng bị dính bởi một sợi dây hay bởi một cái ách, ở đây chính cái ấy là kiết sử.
10) -- Cũng vậy, bạch chư Thượng tọa, con mắt không phải là trói buộc của các sắc; các sắc không phải là trói buộc của con mắt. Và ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham gì, dục tham ấy ở đây chính là trói buộc. Cái tai không phải là trói buộc của các tiếng... Mũi không phải là trói buộc của các hương... Lưỡi không phải là trói buộc của các vị... Thân không phải là trói buộc của các xúc... Ý không phải là trói buộc của các pháp. Các pháp cũng không phải là trói buộc của ý. Và ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham gì, dục tham ấy ở đây chính là trói buộc.
11) -- Lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ! Khéo lợi ích thay cho Ông, này Cư sĩ! Vì rằng tuệ nhãn của Ông tiếp tục (kamati) lời dạy thâm sâu của đức Phật.
 

Hình minh họa Kiết sử giữa tâm và cảnh sắc. Kiết sử đồng nghĩa là dục tham.
Tác giả phân tích.
Dựa vào bài kinh trên, có thể hiểu từ kiết sử. Kiết là cột hay trói buộc vào cái gì đó. Sử là sai khiến hành động. Kết hợp lại danh từ kiết sử là trói buộc vào cái gì đó và sai khiến phải hành động. Có 10 sợi dây trói buộc sai khiến chúng ta tạo nghiệp và phải đi luân hồi.
C8.1.7.1 Năm hạ phần kiết sử.
Năm hạ phần kiết sử gồm có Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân là quan trọng vì nó đưa chúng sanh sinh vào cõi dục giới như địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ, người, chư thiên. Có nghĩa là có lúc làm chư thiên hưởng phước, có lúc đọa địa ngục rất đau khổ. Hãy tìm hiểu rõ ràng năm hạ phần kiết sử cho rốt ráo.
★     Thân kiến.
Nguyên văn kinh trích từ kinh trung bộ số 44 như sau.
 Thưa Ni sư, thế nào là thân kiến?
-- Ở đây, Hiền giả Visakha, kẻ vô văn phàm phu không đến yết kiến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không đến yết kiến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, xem sắc là tự ngã hay xem tự ngã là có sắc, hay xem sắc là trong tự ngã hay xem tự ngã là trong sắc; xem thọ là tự ngã, hay xem tự ngã là có thọ, hay xem thọ là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong thọ; xem tưởng là tự ngã, hay xem tự ngã là có tưởng, hay xem tưởng là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong tưởng; xem hành là tự ngã, xem tự ngã là có hành, hay xem hành là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong hành; xem thức là tự ngã, hay xem tự ngã là có thức, hay xem thức là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong thức. Như vậy, Hiền giả Visakha, là thân kiến.
Thân kiến là trói buộc năm uẩn vào tự ngã. Khi có sự trói buộc sẽ sai khiến làm cái này hay làm cái nọ.
★     Nghi.
Nguyên văn trích từ kinh Trung bộ số 16.
Chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào chưa diệt trừ năm tâm hoang vu, chưa đoạn tận năm tâm triền phược, vị ấy có thể lớn mạnh, trưởng thành, hưng thịnh trong Pháp và Luật này, sự kiện này không xảy ra.
Thế nào là năm tâm hoang vu chưa được đoạn trừ? Chư Tỳ-kheo, ở đây, Tỳ-kheo nghi ngờ bậc Ðạo Sư, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín. Chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào nghi ngờ bậc Ðạo Sư, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín, thời tâm vị này không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ nhất chưa được diệt trừ.
Và lại nữa, chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào nghi ngờ Pháp, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín... (như trên)... Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ hai chưa được diệt trừ.
Và lại nữa, chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào nghi ngờ Tăng, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín... (như trên)... Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ ba chưa được diệt trừ.
Nếu ai có nghi ngờ Phật, nghi ngờ Pháp, nghi ngờ Tăng không nổ lực tinh cần tu tập sẽ trở thành tâm hoang vu.
★     Giới cấm thủ.
Nguyên văn trích từ kinh Trung bộ số 16.
Và lại nữa, chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào sống phạm hạnh với mong cầu được sanh thiên giới với ý nghĩ: "Ta với giới này, với hạnh này, với khổ hạnh này hay với phạm hạnh này sẽ được sanh làm chư Thiên này hay chư Thiên khác". Chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào sống phạm hạnh... (như trên)... như vậy là tâm triền phược thứ năm chưa được đoạn tận.
Tác giả phần tích.
Tác giả đi tìm từ ngữ giới cấm thủ không gặp nhưng lâu ngày nhận ra giới cấm thủ thuộc về tâm hoang vu. Như vậy giữ giới về khổ hạnh hay Phạm hạnh để được làm chư thiên này hay chư thiên khác gọi là giới cấm thủ hay tâm hoang vu.
★    Tham.
Tham còn gọi là dục tham là kiết sử do trói buộc vào sắc, vào thanh, vào hương, vào vị, vào xúc. Tham khảo với chương 7 nghiệp mới.
★     Sân.
Sân cũng là kiết sử do trói buộc vào sắc, vào thanh, vào hương, vào vị, vào xúc. Tham khảo chương 7 nghiệp mới.
C8.1.7.2 Năm thượng phần kiết sử.
Sự trói buộc vào phần trên thuộc về sắc giới, vô sắc giới, không quan trọng bằng năm hạ phần kiết sử. Thông thường bậc Thánh bất lai đã đoạn tận năm hạ phần kiết sử, sanh vào cõi trời sắc giới và hưởng hết tuổi thọ ở đó rồi nhập Niết Bàn.
Sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh.
★     Ái sắc (giới).
Sự dính mắc hay trói buộc vào bốn tầng thiền thuộc về sắc giới.
★     Ái vô sắc (giới).
Sự dính mắc hay trói buộc vào bốn tầng thiền thuộc cõi vô sắc giới.
★     Mạn.
Mạn là so sánh hơn hay bằng hay thua người.
★     Trạo cử.
Năm hạ phần kiết sử hết rồi phần trạo cử là chút gợn sóng thôi, tâm có chút bồn chồn hay chút phóng dật.
★     Vô Minh.
Vô minh là không biết Tứ đế ở mức rất vi tế.

 

XEM THÊM

Thông tin liên hệ

Website này do nhóm học trò cư sĩ Võ Thế Hòa quản lý và biên tập để chia sẻ giáo pháp và những lời dạy của thầy, dựa trên nền tảng là 5 bộ kinh Nikaya. hochoinghiencuunikaya@gmail.com

Thống kế số lượt truy cập

Thỉnh sách

Bạn đọc muốn thỉnh sách Tứ Thánh Đế là Tối Thượng hoặc tham gia lớp học, Xin vui lòng liên hệ facebook

Tải sách Tứ Thánh Đế là Tối Thượng

Tải xuống: 
 
Copyright © 2021 — msvietnam. All Rights Reserved