Bài học số 5.
Bài 1 về 3. Mười kiết sử
Trong Kinh Tăng Chi Mười Pháp - II. Phẩm Hộ Trì - (III) (13) Các Kiết Sử, viết:
1. - Này các Tỳ-kheo, có mười kiết sử này. Thế nào là mười?
2. Năm hạ phần kiết sử, năm thượng phần kiết sử.
Thế nào là năm hạ phần kiết sử?
3. Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân. Ðây là năm hạ phần kiết sử.
Thế nào là năm thượng phần kiết sử?
4. Sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh. Ðây là năm thượng phần kiết sử.
Này các Tỳ-kheo, đây là mười kiết sử.
3.1. Kiết sử
Trong Kinh Tương Ưng 4 - Chương VII Tương Ưng Tâm - I. Kiết Sử (S.iv,281), viết:
4) Lúc bấy giờ, cư sĩ Citta đi đến Migapathaka để làm một số công việc phải làm.
5) Cư sĩ Citta được nghe có một số đông Tỳ-kheo trưởng lão, sau buổi ăn đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà tròn, và giữa những vị này, câu chuyện sau đây được khởi lên: "Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ, hay đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ?" Một số Tỳ-kheo trưởng lão trả lời: "Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; những pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ". Một số Tỳ-kheo trưởng lão trả lời: "Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; những pháp này là đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ".
6) Rồi cư sĩ Citta đi đến các Tỳ-kheo trưởng lão ấy; sau khi đến, đảnh lễ các Tỳ-kheo trưởng lão rồi ngồi xuống một bên.
7) Ngồi một bên, cư sĩ Citta thưa với các Tỳ-kheo trưởng lão:
-- Bạch chư Thượng tọa, (chúng con) được nghe có một số đông Tỳ-kheo trưởng lão, sau buổi ăn đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà tròn, và giữa các vị này, khởi lên câu chuyện sau đây: "Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ, hay đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ". Một số Tỳ-kheo trưởng lão trả lời: "Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; những pháp này đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ".
-- Có vậy, này Cư sĩ.
-- Bạch chư Thượng tọa, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa và cũng khác ngôn từ. Bạch chư Thượng tọa, con sẽ nói lên một ví dụ cho quý vị. Ở đây, một số người có trí, nhờ ví dụ hiểu được ý nghĩa lời nói.
9) Bạch chư Thượng tọa, ví như một con bò đực đen và con bò đực trắng được dính lại với nhau bởi một sợi dây hay một cái ách. Nếu có người nói: "Con bò đực đen là kiết sử cho con bò đực trắng, và con bò đực trắng là kiết sử cho con bò đực đen". Nói như vậy có phải là nói một cách chơn chánh không?
-- Thưa không, này Cư sĩ. Này Cư sĩ, con bò đực đen không phải là kiết sử của con bò đực trắng. Và con bò đực trắng cũng không phải là kiết sử của con bò đực đen. Do vì chúng bị dính bởi một sợi dây hay bởi một cái ách, ở đây chính cái ấy là kiết sử.
10) -- Cũng vậy, bạch chư Thượng tọa, con mắt không phải là trói buộc của các sắc; các sắc không phải là trói buộc của con mắt. Và ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham gì, dục tham ấy ở đây chính là trói buộc. Cái tai không phải là trói buộc của các tiếng... Mũi không phải là trói buộc của các hương... Lưỡi không phải là trói buộc của các vị... Thân không phải là trói buộc của các xúc... Ý không phải là trói buộc của các pháp. Các pháp cũng không phải là trói buộc của ý. Và ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham gì, dục tham ấy ở đây chính là trói buộc.
11) -- Lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ! Khéo lợi ích thay cho Ông, này Cư sĩ! Vì rằng tuệ nhãn của Ông tiếp tục (kamati) lời dạy thâm sâu của đức Phật.
Hình minh họa Kiết sử giữa tâm và cảnh sắc. Kiết sử đồng nghĩa là dục tham.
Dựa vào bài kinh trên, có thể hiểu từ kiết sử. Kiết là cột hay trói buộc vào cái gì đó. Sử là sai khiến hành động. Kết hợp lại danh từ kiết sử là trói buộc vào cái gì đó và sai khiến phải hành động. Có 10 sợi dây trói buộc sai khiến chúng ta tạo nghiệp và phải đi luân hồi.
3.2. Năm hạ phần kiết sử
Năm hạ phần kiết sử gồm có Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, dục tham, sân là quan trọng vì nó đưa chúng sanh sinh vào cõi dục giới như địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ, người, chư thiên. Có nghĩa là có lúc làm chư thiên hưởng phước, có lúc đọa địa ngục rất đau khổ. Hãy tìm hiểu rõ ràng năm hạ phần kiết sử cho rốt ráo.
a) Thân kiến
Trong Kinh Trung Bộ số 44. Tiểu kinh Phương quảng, viết:
Thưa Ni sư, thế nào là thân kiến?
-- Ở đây, Hiền giả Visakha, kẻ vô văn phàm phu không đến yết kiến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không đến yết kiến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, xem sắc là tự ngã hay xem tự ngã là có sắc, hay xem sắc là trong tự ngã hay xem tự ngã là trong sắc; xem thọ là tự ngã, hay xem tự ngã là có thọ, hay xem thọ là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong thọ; xem tưởng là tự ngã, hay xem tự ngã là có tưởng, hay xem tưởng là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong tưởng; xem hành là tự ngã, xem tự ngã là có hành, hay xem hành là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong hành; xem thức là tự ngã, hay xem tự ngã là có thức, hay xem thức là trong tự ngã, hay xem tự ngã là trong thức. Như vậy, Hiền giả Visakha, là thân kiến.
Thân kiến là trói buộc năm uẩn vào tự ngã. Khi có sự trói buộc sẽ sai khiến làm cái này hay làm cái nọ.
b) Nghi
Trong Kinh Trung Bộ số 16. Kinh Tâm hoang vu, viết:
Chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào chưa diệt trừ năm tâm hoang vu, chưa đoạn tận năm tâm triền phược, vị ấy có thể lớn mạnh, trưởng thành, hưng thịnh trong Pháp và Luật này, sự kiện này không xảy ra.
Thế nào là năm tâm hoang vu chưa được đoạn trừ? Chư Tỳ-kheo, ở đây, Tỳ-kheo nghi ngờ bậc Ðạo Sư, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín. Chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào nghi ngờ bậc Ðạo Sư, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín, thời tâm vị này không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ nhất chưa được diệt trừ.
Và lại nữa, chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào nghi ngờ Pháp, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín... (như trên)... Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ hai chưa được diệt trừ.
Và lại nữa, chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào nghi ngờ Tăng, do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín... (như trên)... Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là tâm hoang vu thứ ba chưa được diệt trừ.
Nếu ai có nghi ngờ Phật, nghi ngờ Pháp, nghi ngờ Tăng không nổ lực tinh cần tu tập sẽ trở thành tâm hoang vu.
c) Giới cấm thủ
Trong Kinh Trung Bộ số 16. Kinh Tâm hoang vu, viết:
Và lại nữa, chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào sống phạm hạnh với mong cầu được sanh thiên giới với ý nghĩ: "Ta với giới này, với hạnh này, với khổ hạnh này hay với phạm hạnh này sẽ được sanh làm chư Thiên này hay chư Thiên khác". Chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo nào sống phạm hạnh... (như trên)... như vậy là tâm triền phược thứ năm chưa được đoạn tận.
Tác giả đi tìm từ ngữ giới cấm thủ không gặp nhưng lâu ngày nhận ra giới cấm thủ thuộc về tâm hoang vu. Như vậy giữ giới về khổ hạnh hay Phạm hạnh để được làm chư thiên này hay chư thiên khác gọi là giới cấm thủ hay tâm hoang vu.
d) Tham
Tham còn gọi là dục tham là kiết sử do trói buộc vào sắc, vào thanh, vào hương, vào vị, vào xúc. Tham khảo với chương 3 : nghiệp mới.
đ) Sân
Sân cũng là kiết sử do trói buộc vào sắc, vào thanh, vào hương, vào vị, vào xúc. Tham khảo chương 3: nghiệp mới.
3.3. Năm thượng phần kiết sử
Sự trói buộc vào phần trên thuộc về sắc giới, vô sắc giới, không quan trọng bằng năm hạ phần kiết sử. Thông thường bậc Thánh Bất lai đã đoạn tận năm hạ phần kiết sử, sanh vào cõi trời sắc giới và hưởng hết tuổi thọ ở đó rồi nhập Niết Bàn.
Sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo cử, vô minh.
a) Ái sắc (giới)
Sự dính mắc hay trói buộc vào bốn tầng thiền thuộc về sắc giới.
b) Ái vô sắc (giới)
Sự dính mắc hay trói buộc vào bốn tầng thiền thuộc cõi vô sắc giới.
c) Mạn
Mạn là so sánh hơn hay bằng hay thua người.
d) Trạo cử
Năm hạ phần kiết sử hết rồi phần trạo cử là chút gợn sóng, tâm có chút bồn chồn hay chút phóng dật.
đ) Vô minh
Vô minh là không biết Tứ đế ở mức độ rất vi tế.
Bài 2. Về Sáu Ái
Có sáu ngoại xứ là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, tâm khởi lên dính mắc vào chúng nên thành sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái.
Ái là sự dính mắc vào những cảnh chung quanh, có ba trường hợp sau đây:
Có sự dính mắc khởi lên nếu mắt thấy sắc nhận thức khả ý khả lạc khởi lên thích thú vào sắc gọi là tham sắc ái.
Nếu mắt thấy sắc nhận thức không khả ý, không khả lạc khởi lên không ưa thích cũng gọi là sân sắc ái.
Nếu mắt thấy sắc khả lạc, không khả lạc khởi lên si cũng gọi si sắc ái.
Trong Kinh Trung Bộ số 148. Kinh Sáu sáu, viết:
Khi được nói đến: "Sáu ái thân cần phải được biết", do duyên gì được nói đến như vậy? Do duyên mắt và duyên các sắc, khởi lên nhãn thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc là thọ. Do duyên thọ là ái. Do duyên tai và do duyên các tiếng, khởi lên nhĩ thức... Do duyên mũi và do duyên các hương, khởi lên tỷ thức... Do duyên lưỡi và do duyên các vị, khởi lên thiệt thức... Do duyên thân và do duyên các xúc, khởi lên thân thức... Do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc là thọ. Do duyên thọ là ái. Khi được nói đến: "Sáu ái thân cần phải được biết", chính do duyên này được nói đến như vậy.
Câu hỏi 1 : Tại sao Đức Phật có lúc dạy cần đoạn tận 10 kiết sử và lúc khác dạy đoạn tận sáu ái hoặc đoạn tận tham , sân , si.
Câu hỏi 2 : Giải thích sắc ái là gì , thanh ái là gì, hương ái là gì, vị ái là gì, xúc ái là gì, pháp ái là gì
Câu hỏi số 3 : giải thích tham kiết sử là gì
Câu hỏi số 4 : giải thích sự khác nhau tâm tham , tâm sân, tâm si.
Câu hỏi số 5 : Khi nào tâm tham sanh khởi , khi nào tâm sân sanh khởi, khi tâm si sanh khởi.
Câu hỏi số 6 : Tại sao ví dụ cái ách là dục tham kiết sử
Câu hỏi số 7 : Tại sao gọi thân kiến, nghi, giới cấm thủ là kiết sử
Câu hỏi số 8 : Duyên ái thay đổi khi duyên gì thay đổi.
Câu hỏi số 9 : khi tham ái diệt sanh ra quả gì.
Câu hỏi số 10 : Có sự khác nhau không khi nói rằng diệt hành hoặc nói diệt ái.