Khổ Thánh Đế cần phải liễu tri ---- Khổ Tập Thánh Đế cần phải đoạn tận ---- Khổ Diệt Thánh Đế cần phải chứng ngộ ---- Khổ Diệt Đạo Thánh Đế cần phải tu tập.


Tại sao Tứ Thánh đế là tối thượng?

Trong quá trình đi tìm hiểu Phật Pháp, tôi thấy có những quan điểm cho rằng có những Pháp khác cao hơn Tứ Thánh đế trong đạo Phật. Nếu những người học Phật không đọc trọn năm bộ kinh Nikaya khó có thể biết Pháp nào là tối thượng trong Phật giáo để chấm dứt khổ đau vĩnh viễn. Vì họ chưa có duyên được đọc kinh Nikaya và chưa được chứng nghiệm Niết Bàn (Diệt khổ) nên tưởng về Niết Bàn và cho rằng Pháp mình đang thọ trì là cao hơn hết.
Trong đạo Phật, Đức Phật toàn giác nào cũng chứng được Tam minh: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh. Tôi đã trải qua nhiều năm học kinh sách Bắc tông và Nam tông đã khám phá ra bài kinh “Chuyển Pháp Luân” do Thế Tôn đã thuyết tại vườn Lộc uyển là pháp dẫn đến chứng được Lậu tận minh. Sau đây tôi sẽ trích vài đoạn kinh và giải thích tại sao?

Bài kinh thứ nhất
Trong kinh Trung Bộ số 4 - Kinh Sợ hãi khiếp đảm, viết:
Này Bà-la-môn, Ta ly dục, ly các ác pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ.
Diệt tầm, diệt tứ, Ta chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm.
Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, Ta chứng và an trú Thiền thứ ba.
Xả lạc và xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, Ta chứng và an trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng trí. Ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta nhớ rằng: "Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, các món ăn như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ này. Tại chỗ này, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, các món ăn như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ này, Ta được sanh ra ở đây". Như vậy Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.
Này Bà-la-môn, trong đêm canh đầu Ta chứng được minh thứ nhất, vô minh diệt, minh sanh; bóng tối diệt, ánh sáng sanh, trong khi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến sanh tử trí về chúng sanh. Ta với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và sự chết của chúng sanh. Ta tuệ tri rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, ác hạnh về lời nói, ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào thành tựu những thiện hạnh về thân, thành tựu những thiện hạnh về lời nói, thành tựu những thiện hạnh về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này. Như vậy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, Ta thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta tuệ tri rằng, chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ.
Này Bà-la-môn, trong đêm canh giữa, Ta chứng được minh thứ hai, vô minh diệt, minh sanh; bóng tối diệt, ánh sáng sanh, trong khi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Ta thắng tri như thật: "Ðây là khổ", thắng tri như thật: "Ðây là nguyên nhân của khổ", thắng tri như thật: "Ðây là khổ diệt", thắng tri như thật: "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt", thắng tri như thật: "Ðây là những lậu hoặc", thắng tri như thật: "Ðây là nguyên nhân các lậu hoặc", thắng tri như thật: "Ðây là các lậu hoặc diệt", thắng tri như thật: "Ðây là con đường đưa đến các lậu hoặc diệt".
Nhờ biết như vậy, nhờ thấy như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên trí hiểu biết: Ta đã giải thoát. Ta đã thắng tri: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
Này Bà-la-môn trong đêm canh ba, Ta chứng được minh thứ ba, vô minh diệt, minh sanh; bóng tối diệt, ánh sáng sanh, trong khi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần


Bài kinh thứ 2
Trong kinh Tăng Chi Sáu Pháp - VI. Ðại Phẩm - (IX) (63) Một Pháp Môn Quyết Trạch, viết:
9. Này các Tỳ-kheo, cần phải biết các lậu hoặc... cần phải biết con đường đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên nào đã được nói như vậy? Này các Tỳ-kheo, có ba lậu hoặc này: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.
10. Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các lậu hoặc sanh khởi? Vô minh, này các Tỳ-kheo, là các lậu hoặc sanh khởi.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các lậu hoặc sai biệt? Này các Tỳ-kheo, có các lậu hoặc đưa đến địa ngục, có các lậu hoặc đưa đến bàng sanh, có các lậu hoặc đưa đến ngạ quỷ, có các lậu hoặc đưa đến thế giới loài người, có các lậu hoặc đưa đến thế giới chư Thiên. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là các lậu hoặc sai biệt.
Và này các Tỷ Kheo, thế nào là các lậu hoặc dị thục? Này các Tỳ-kheo, khi nào vì vô minh cái gì sanh khởi, một tự ngã khởi lên từ vật ấy, từ vật ấy, để dự phần phước đức, hay để dự phần không phước đức. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là các lậu hoặc dị thục.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các lậu hoặc đoạn diệt? Vô minh đoạn diệt, này các Tỳ-kheo, là các lậu đoạn diệt. Ðây là con đường Thánh đạo tám ngành đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt. Tức là chánh tri kiến... chánh định. Khi nào, này các Tỳ-kheo, vị Thánh đệ tử rõ biết các lậu hoặc là như vậy, rõ biết các lậu hoặc sanh khởi như vậy, rõ biết các lậu hoặc sai biệt như vậy, rõ biết các lậu hoặc dị thục như vậy, rõ biết các lậu hoặc đoạn diệt như vậy, rõ biết con đường đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy được rõ biết Phạm hạnh thể nhập này như là các lậu hoặc đoạn diệt.
Này các Tỳ-kheo, cần phải biết các lậu hoặc... cần phải biết con đường đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên này đã được nói như vậy.
11. Này các Tỳ-kheo, cần phải biết các nghiệp... cần phải biết con đường đưa đến các nghiệp đoạn diệt được nói như vậy. Do duyên gì được nói như vậy?
13. Này các Tỳ-kheo, cần phải biết khổ, cần phải biết khổ sanh khởi, cần phải biết khổ sai biệt, cần phải biết khổ dị thục, cần phải biết khổ đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến khổ đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên gì đã được nói như vậy?
Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi khổ não là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại năm thủ uẩn là khổ.
14. Và này các Tỳ-kheo, thế nào là khổ sanh khởi? Ái, này các Tỳ-kheo, là khổ sanh khởi.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là khổ sai biệt? Này các Tỳ-kheo có khổ lớn, có khổ nhỏ, có khổ chậm biến, có khổ mau biến. Này các Tỳ-kheo, đây là khổ sai biệt.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là khổ dị thục? Này các Tỳ-kheo, ở đây có hạng người bị khổ chinh phục, tâm bị trói buộc, ưu sầu, bi thảm, than van, đập ngực, khóc lóc, đi đến bất tỉnh; do bị khổ chinh phục, tâm bị trói buộc, nên đi tìm phía bên ngoài xem có ai biết được một câu, hai câu thần chú đề đoạn diệt khổ này.
Này các Tỳ-kheo, Ta tuyên bố rằng khổ đem lại kết quả mê loạn, đem lại kết quả tìm kiếm. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là khổ dị thục.
Và này các Tỳ-kheo, thế nào là khổ đoạn diệt?
Ái đoạn diệt, này các Tỳ-kheo, là khổ đoạn diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành đưa đến khổ đoạn diệt. Ðó là chánh kiến... chánh định. Này các Tỳ-kheo, khi nào Thánh đệ tử rõ biết khổ như vậy, rõ biết khổ sanh khởi như vậy, rõ biết khổ sai biệt như vậy, rõ biết khổ dị thục như vậy, rõ biết khổ đoạn diệt như vậy, rõ biết con đường đưa đến khổ đoạn diệt như vậy, khi ấy, vị ấy được rõ biết Phạm hạnh thể nhập này như là khổ đoạn diệt.
Này các Tỳ-kheo, cần phải biết khổ, cần phải biết khổ sanh khởi, cần phải biết khổ sai biệt, cần phải biết khổ dị thục, cần phải biết khổ đoạn diệt, cần phải biết con đường đưa đến khổ đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên này, đã được nói như vậy.
 Hai bài kinh trên cho biết đức Phật muốn chứng được Lậu tận minh, Ngài đã áp dụng Tứ đế vào hai đối tượng Khổ và Lậu hoặc để biết Khổ và Lậu hoặc để chấm dứt. Sau đó Ngài đã tuyên tuyên bố: “Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên trí hiểu biết: Ta đã giải thoát. Ta đã thắng tri: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
Khổ là những cảm thọ khó chịu, ngày nào ai cũng gặp nhưng không để ý thôi. Khổ Tập là nhân sanh khổ, không có tự nhiên sanh, chính là Ái. Khổ Diệt là sự chấm dứt khổ = Niết Bàn, cần diệt ái hoàn toàn.
Khổ Diệt Đạo là phương pháp hay con đường chấm dứt khổ chính là Thánh đạo Tám ngành.
Lậu hoặc là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.
Lậu hoặc là rỉ ra như bệnh lậu, như cây khô sanh ra nấm, như từ gạo, nếp lên men. Dục lậu do từ những sự ham muốn rỉ ra các chúng sanh như người, chư thiên, ngạ quỷ, bàng sanh, địa ngục. Hữu lậu do tu thiền chứng được các tầng thiền cho đó là thường hằng (không sanh diệt) rỉ ra cõi sắc. Vô minh lậu do không biết Tứ Thánh đế nên rỉ ra ba cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới.
Lậu hoặc Tập khởi chính là Vô minh.
Lậu hoặc Diệt chính là diệt Vô minh.
Lậu hoặc diệt Đạo chính là Bát Thánh đạo.
Do biết áp dụng Tứ đế vào đối tượng Khổ và Lậu hoặc phát sanh ra hiểu biết "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
Như vậy nếu chúng ta không thấu rõ Tứ Thánh đế thì không thể nào chứng được Lậu tận minh vẫn phải luân hồi vào ba cõi, cho dù quý vị nhân danh những pháp cao siêu mà quý vị đang hành trì, quý vị lạc đường nhưng cứ tưởng mình đi đúng đường. Do đó, những ai không thấy Tứ Thánh đế là Tối Thượng thì xem như sự chấm dứt khổ của quý vị không xảy ra và quý vị vẫn phải luân hồi.

 

 

Thông tin liên hệ

Website này do nhóm học trò cư sĩ Võ Thế Hòa quản lý và biên tập để chia sẻ giáo pháp và những lời dạy của thầy, dựa trên nền tảng là 5 bộ kinh Nikaya. hochoinghiencuunikaya@gmail.com

Thống kế số lượt truy cập

Thỉnh sách

Bạn đọc muốn thỉnh sách Tứ Thánh Đế là Tối Thượng hoặc tham gia lớp học, Xin vui lòng liên hệ facebook

Tải sách Tứ Thánh Đế là Tối Thượng

Tải xuống: 
 
Copyright © 2021 — msvietnam. All Rights Reserved