Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Savatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Khi ở tại chỗ ấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo!" --"Bạch Thế Tôn", các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói: "Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Người pháp môn phòng hộ tất cả lậu hoặc". Hãy nghe và khéo tác ý. Ta sẽ nói". --"Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Thế Tôn nói như sau:
(Tóm lược)
-- Này các Tỷ-kheo, Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: có như lý tác ý và không như lý tác ý.
Này các Tỷ-kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các Tỷ-kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.
Này các Tỷ-kheo, có những lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ, có những lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.
(Các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ)
Này các Tỷ-kheo, ở đây có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhơn, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, không tu tập pháp các bậc Chơn nhơn,
*. không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý;
*. vị này vì không tuệ tri các pháp cần phải tác ý, vì không tuệ tri các pháp không cần phải tác ý
*. nên tác ý các pháp không cần phải tác ý và không tác ý các pháp cần phải tác ý.
I. Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các pháp KHÔNG CẦN phải tác ý mà vị ấy TÁC Ý?
--- Này các Tỷ-kheo, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được tăng trưởng; hay hữu lậu chưa sanh được sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được tăng trưởng, hay vô minh lậu chưa sanh được sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng.
+ Những pháp ấy là những pháp không cần phải tác ý mà vị ấy tác ý.
II. Này các Tỷ-kheo, và thế nào là các pháp CẦN PHẢI tác ý mà vị ấy KHÔNG TÁC Ý?
--- Này các Tỷ-kheo, nghĩa là các pháp do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh không sanh khởi, hay hữu lậu đã sanh được trừ diệt, hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt.
+ Những pháp ấy là những pháp cần phải tác ý mà các vị ấy không tác ý.
-->> Do vị ấy tác ý các pháp không nên tác ý, do vị ấy không tác ý các pháp cần phải tác ý, nên các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng.
Vị ấy không như lý tác ý như sau:
- "Ta có mặt trong thời quá khứ, hay ta không có mặt trong thời quá khứ?
- Ta có mặt trong thời quá khứ như thế nào?
- Ta có mặt trong thời quá khứ hình vóc như thế nào?
- Trước kia ta là gì và ta đã có mặt như thế nào trong thời quá khứ?
- Ta sẽ có mặt trong thời vị lai hay ta sẽ không có mặt trong thời vị lai?
- Ta sẽ có mặt trong thời vị lai như thế nào?
- Ta sẽ có mặt trong thời vị lai, hình vóc như thế nào?
- Trước kia ta là gì và ta sẽ có mặt như thế nào trong thời vị lai?"
- "Ta có mặt hay ta không có mặt?
- Ta có mặt như thế nào?
- Ta có mặt hình vóc như thế nào?
- Chúng sanh này từ đâu đến? Và rồi nó sẽ đi đâu?".
Với người không như lý tác ý như vậy, một trong sáu tà kiến này khởi lên:
1. "Ta có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn;
2. "Ta không có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật như chơn;
3. "Do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn;
4. "Do tự mình, ta tưởng tri ta không có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn.
5. "Không do tự mình, ta tưởng tri ta có tự ngã", tà kiến này khởi lên với người ấy như thật, như chơn;
6. hay tà kiến này khởi lên với người ấy: "Chính tự ngã của ta nói, cảm giác, hưởng thọ quả báo các nghiệp thiện ác đã làm chỗ này, chỗ kia, chính tự ngã ấy của ta là thường trú, thường hằng, hằng tồn, không chuyển biến, và sẽ vĩnh viễn tồn tại".
Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến tranh chấp, kiến kiết phược.
Này các Tỷ-kheo, trói buộc bởi kiến kiết sử, kẻ phàm phu ít nghe không được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói kẻ ấy không thoát khỏi khổ đau.
Này các Tỷ-kheo, và vị Thánh đệ tử nghe nhiều, được thấy các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh; được thấy các bậc Chơn nhơn, thuần thục pháp các bậc Chơn nhơn, tu tập pháp các bậc Chơn nhơn,
- tuệ tri các pháp cần phải tác ý,
- tuệ tri các pháp không cần phải tác ý.
- Vị này, nhờ tuệ tri các pháp cần phải tác ý,
- nhờ tuệ tri các pháp không cần phải tác ý,
- nên không tác ý các pháp không cần phải tác ý
- và tác ý các pháp cần phải tác ý.
III. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp KHÔNG CẦN PHẢI tác ý và vị này KHÔNG TÁC Ý?
Này các Tỷ-kheo, những pháp nào do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh được sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được tăng trưởng; hay hữu lậu chưa sanh... (như trên)... hay vô minh lậu chưa sanh được khởi, hay vô minh lậu đã sanh được tăng trưởng.
+ Ðó là những pháp không nên tác ý và vị ấy không tác ý.
IV. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp CẦN PHẢI tác ý và vị ấy TÁC Ý?
Này các Tỷ-kheo, những pháp nào do vị ấy tác ý mà dục lậu chưa sanh không sanh khởi, hay dục lậu đã sanh được trừ diệt, hay hữu lậu chưa sanh... (như trên)... hay vô minh lậu chưa sanh không sanh khởi, hay vô minh lậu đã sanh được trừ diệt,
+ đó là những pháp cần phải tác ý và vị ấy tác ý.
-->> Nhờ vị ấy không tác ý các pháp không cần phải tác ý, tác ý các pháp cần phải tác ý nên các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt.
Vị ấy như lý tác ý: "Ðây là khổ",
như lý tác ý: "Ðây là khổ tập",
như lý tác ý: "Ðây là khổ diệt",
như lý tác ý: "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt".
Nhờ vị ấy tác ý như vậy, ba kiết sử được trừ diệt: thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ.